Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Bộ GD&ĐT hướng nghiệp cho trẻ từ tiểu học?

TS Lê Đông Phương cho rằng việc giới thiệu nghề cho trẻ cần thực hiện từ bậc tiểu học. Thực tế có nhiều học sinh lớp 12 sắp tốt nghiệp vẫn chưa biết mình muốn làm nghề gì.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Một điểm đáng lưu ý tại dự thảo thông tư là việc hướng nghiệp sắp tới có thể sẽ được tăng cường ngay từ bậc tiểu học và thực hiện xuyên suốt tại bốn cấp học.

Về vấn đề hướng nghiệp và tư vấn việc làm, theo TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đây là một câu chuyện “dài hơi, rất cần thiết và phải có sự tham gia của nhiều bên”.

“Thưa thầy, em có nên học tiếp không?”

Từng có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đây là câu hỏi TS Lê Đông Phương thường xuyên nhận được. Điều đó dấy lên trong ông sự nghi hoặc: “Liệu công tác hướng nghiệp của chúng ta đã đạt được mục đích hay chưa?”.

“Chúng ta từng có môn học hướng nghiệp trong trường phổ thông, rồi sau đó ‘tụt hạng’ xuống thành hoạt động hướng nghiệp, tức không còn kiểm tra, đánh giá nữa.

Đây là điều tôi rất băn khoăn, bởi lẽ câu chuyện hướng nghiệp rất quan trọng. Về cơ bản, nhiều học sinh lớp 12 sau khi tốt nghiệp vẫn không biết mình muốn làm nghề gì và chỉ biết học ngành nào nghe nói sẽ kiếm được nhiều tiền”, TS Lê Đông Phương cho biết.

Do đó, theo ông cần thiết phải thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp và phải thực hiện trước khi quá muộn.

“Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ bậc tiểu học. Tại sao ở cấp tiểu học, học sinh chỉ thích mấy nghề như bác sĩ, giáo viên hay một nghề nào giống bố mẹ? Lý do là bởi đó là những nghề nghiệp đầu tiên trẻ được tiếp xúc”, TS Đông Phương nói.

huong nghiep anh 1

TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Từng thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.700 học sinh ở 63 tỉnh thành, TS Lê Đông Phương nhận thấy hầu hết học sinh đều thích công an, quân đội, tiếp sau đó là bác sĩ, giáo viên. Bên cạnh đó, 2% học sinh bày tỏ nguyện vọng mong muốn được trở thành ca sĩ.

Ông cũng nhắc lại câu chuyện bản thân từng về tư vấn tuyển sinh tại An Giang. Giữa vùng lúa, vùng cá, ông hỏi: “Tại sao các con không học thú y hay bảo vệ thực vật”. Nhiều học sinh bất ngờ hỏi lại: “Thế cũng là nghề hả thầy?”.

Theo ông, đây là thực tế khá buồn, bởi lẽ theo danh mục nghề nghiệp của Tổng cục Thống kê hiện có trên 900 nghề. Nhưng có những nghề phổ biến học sinh vẫn không nghĩ tới.

“Do đó, việc bắt đầu giới thiệu về các nghề từ bậc tiểu học cho học sinh là điều cần thiết. Chỉ có như vậy mới không xảy ra câu chuyện 27 điểm vẫn trượt đại học. Đó là do học sinh không được định hướng đầy đủ”, TS Lê Đông Phương nói.

Tránh chuyện vào đại học lại “lặng lẽ rút lui”

Cũng theo TS Lê Đông Phương, tư duy nghề nghiệp không đầy đủ dẫn đến nhiều sinh viên vào đại học rồi lại bỏ học.

Ông cho rằng, chính các bậc phụ huynh, các nhà giáo phải là những người đầu tiên ý thức được câu chuyện hướng nghiệp.

“Hướng nghiệp nghe có vẻ to tát nhưng thực ra không có gì lớn lao nếu trong quá trình dạy, thầy cô có ý thức giới thiệu về nghề nghiệp cho học sinh.

Ví dụ, nói về nghề thợ hàn có thể giới thiệu cần sử dụng công cụ gì hay sản phẩm đầu ra sẽ ra sao. Qua đó, những em có thiên hướng về kỹ thuật có thể nhìn thấy được điều đó là phù hợp với mình”, ông nói.

Cũng theo ông, một phần ảnh hưởng đến xu hướng chọn nghề của học sinh liên quan đến gia đình. Nhiều gia đình hiện nay đang nặng về câu chuyện: “Học ngành gì để sau này ra kiếm được nhiều tiền”. Đây là câu chuyện rất phổ biến.

Bên cạnh đó, trào lưu xã hội và trào lưu kinh tế địa phương cũng ảnh hưởng đến việc chọn nghề của học sinh thay vì lựa chọn những ngành nghề phù hợp với mình.

TS Lê Đông Phương kể, ông từng có dịp lên một trường THPT ở Lào Cai. Ở đó, 20% học sinh muốn học tiếng Trung, 20% học sinh lại muốn học nghề Y. Điều đó khiến ông bất ngờ.

Ông bèn hỏi hiệu trưởng và biết được lý do, tỉnh đang dự định sắp tới sẽ mở một bệnh viện đa khoa; còn việc nhiều học sinh muốn học tiếng Trung là vì các em muốn đi xuất khẩu lao động.

“Đó là một thực tế rất đáng buồn. Do đó, ngay từ sớm, cần hình thành cho học sinh ý niệm về chọn ngành, chọn nghề cho tương lai thay vì đến hết lớp 12 mới chờ đợi tìm trường có khả năng đỗ”.

Ở rất nhiều nước như Pháp, Đức, Anh, câu chuyện cho học sinh tiếp xúc với loại hình nghề khác nhau trong xã hội khá phổ biến. Mỗi năm vài lần, học sinh được đi tới các trang trại, cơ sở sản xuất trong cộng đồng.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam cũng đã học hỏi mô hình này thông qua việc cho học sinh đi “dã ngoại”. Nhưng theo TS Lê Phương Đông, thay vì cho học sinh đi tìm hiểu thực tế cuộc sống lao động, học sinh lại được đi đến những khu resort hay các khu vui chơi để cắm trại.

Do đó, để tránh những câu chuyện đáng tiếc như sinh viên học đến năm thứ 2 lại “lặng lẽ rút lui” để tìm cho mình con đường khác, ông Phương cho rằng, cần sớm để học sinh ý thức được thế giới nghề nghiệp và bắt đầu chuẩn bị cho mình những lựa chọn trong tương lai.

Ứng viên giáo sư bị loại vì công bố 77 bài trong 9 tháng

Nhiều ứng viên bị loại khỏi danh sách xét giáo sư, phó giáo sư năm 2020 vì số lượng bài báo khoa học quá nhiều.

Học viện Quản lý giáo dục xét tuyển bổ sung đại học hệ chính quy

Học viện Quản lý giáo dục thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào đại học hệ chính quy từ 6/10 đến 17h ngày 20/10.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/vi-sao-bo-gd-dt-tinh-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-tu-cap-tieu-hoc-681006.html

Thúy Nga / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm