Đầu tháng 3, Chanel tăng giá ví và túi xách trung bình 5%, sau mức tăng trước đó là 17% vào tháng 1. Đây là lần tăng giá thứ 6 của thương hiệu này trong vòng 12 tháng qua, theo Korea Joongang Daily.
Classic Flap, mẫu túi xách có chiều dài 23 cm và chiều rộng 14,5 cm, hiện có giá hơn 10 triệu won (8.050 USD), tăng 36% so với tháng 11/2020 và gần gấp đôi so với 10 năm trước.
Chanel không phải là thương hiệu cao cấp duy nhất tăng giá. Rolex, Hermès, Dior, Burberry đã thông báo điều chỉnh giá sản phẩm hồi đầu năm. Prada, Louis Vuitton và Gucci cũng lần lượt tăng giá vào tháng 2.
Chanel tăng giá 2 lần trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: AP. |
Ban đầu, suy thoái kinh tế do đại dịch được xem là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng giá. Tuy nhiên, hiện tại, dù thị trường đang hồi phục với tốc độ nhanh chóng, các thương hiệu xa xỉ vẫn tiếp tục đẩy giá lên cao hơn.
Tăng giá liên tục chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất khách hàng, nhưng các công ty này dường như ít quan tâm đến điều đó. Họ mong muốn bảo vệ hình ảnh cao cấp của mình để thu hút những khách hàng giàu có, trung thành thay vì chạy theo xu hướng "mua sắm trả thù" hậu đại dịch.
Quy luật khan hiếm
Năm 2019, 70% tổng số giao dịch mua hàng xa xỉ của khách hàng Trung Quốc được thực hiện ở Mỹ và châu Âu.
Doanh số bán hàng bắt đầu sụt giảm vào năm 2020 do lệnh cấm du lịch và sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Chanel báo cáo doanh thu giảm 18% so với năm 2019, xuống còn 10,1 tỷ USD và lợi nhuận giảm 41%, còn 2 tỷ USD vào năm 2020.
LVMH - tập đoàn sở hữu khoảng 70 thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Dior - và Kering - tập đoàn sở hữu Gucci và Saint Laurent - đều giảm 16% doanh số bán hàng.
Năm 2021, các công ty nhanh chóng bù đắp khoản lỗ bằng cách tăng giá sản phẩm khi thị trường bắt đầu phục hồi và nhu cầu mua sắm tăng trở lại ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Người Hàn xếp hàng 14 tiếng giữa mùa đông để mua túi Chanel. Ảnh: Bloomberg. |
Theo công ty nghiên cứu Bain & Company, doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu năm ngoái đã vượt qua mức trước đại dịch năm 2019, đạt khoảng 311 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2020.
Nhưng ngoài nhu cầu tăng mạnh hậu đại dịch, còn một yếu tố khác đẩy giá hàng xa xỉ tăng cao: Quy luật khan hiếm.
Chanel là một ví dụ điển hình. Khi thương hiệu của Pháp trở nên nổi tiếng vào năm ngoái do xu hướng "mua sắm trả thù" (chi tiêu bốc đồng bị thúc đẩy bởi cảm giác thất vọng và bỏ lỡ cơ hội do Covid-19) và thị trường bán lại hàng xa xỉ phát triển, một số khách hàng giàu có đã quay lưng với Chanel.
"Tôi quyết định không ghé thăm cửa hàng Chanel nữa sau khi chứng kiến hàng loạt người đứng đợi bên ngoài cửa hàng", khách hàng 43 tuổi ở Hàn Quốc, người đã sử dụng các sản phẩm của Chanel hơn 20 năm qua, cho biết.
Người tiêu dùng này nói thêm giờ đây khi nhắc đến Chanel, nhiều người Hàn Quốc sẽ chỉ nghĩ đến những thứ như bán lại hoặc "open run" - thuật ngữ chỉ việc xếp hàng thâu đêm trước cửa hàng bách hóa để chờ giờ mở bán vào buổi sáng.
Chiến lược của Hermès
Để khiến sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn hơn, các thương hiệu cao cấp phải khiến chúng khó tiếp cận, khó sở hữu hơn.
Giới phân tích thị trường nhận thấy kế hoạch định giá của Chanel tương tự như chiến lược của Hermès, một thương hiệu chỉ nhắm vào những khách hàng giàu có.
Giá của một chiếc túi Chanel Classic Flap cỡ vừa đã tăng 93% trong thập kỷ qua, từ 6,1 triệu won lên 11,8 triệu won, tốc độ tăng vượt trội so với chỉ số giá tiêu dùng.
Các thương hiệu được coi là cao cấp nhưng có giá bán thấp hơn so với Rolex, Hermès hay Chanel không tăng giá thường xuyên như vậy. Đối với nhóm này, câu hỏi liệu khách hàng có đủ khả năng để mua sản phẩm hay không là một điều rất quan trọng.
Mặt khác, khách hàng của Hermès và Chanel phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Thay vào đó, những người này có xu hướng thích những thứ xa xỉ mà người tiêu dùng bình thường không thể tiếp cận được.
Các sản phẩm của Hermès có giá bán cao, chỉ nhắm vào khách hàng giàu có. Ảnh: Reuters. |
Đó là lý do các thương hiệu cao cấp đang để mắt đến thế hệ trẻ giàu có ở thị trường Trung Quốc. Theo công ty tư vấn Knight Frank, Mỹ đang có số lượng người siêu giàu với tài sản trị giá hơn 30 triệu USD nhiều nhất thế giới, nhưng Trung Quốc lại là nơi có nhiều triệu phú, tỷ phú mới nổi hơn.
Giới siêu giàu ở Trung Quốc ước tính sẽ vượt quá 100.000 người vào năm 2025.
Bain & Company nhận định rằng Trung Quốc sẽ chiếm một nửa tổng lượng tiêu thụ hàng xa xỉ trên toàn thế giới vào năm 2025.
Tuy nhiên một số chuyên gia không cho rằng các thương hiệu có thể tiếp tục đẩy giá bán lên cao hơn nữa.
Việc tăng giá liên tục có thể gặp phải sự phản kháng nếu chính phủ các nước bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm du lịch và Trung Quốc tiếp tục báo cáo tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến.
Goldman Sachs dự báo thị trường xa xỉ của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm nhiều so với dự báo tăng trưởng 13,5% trước đó, vì mục tiêu tăng trưởng thấp cũng như cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản tại đất nước tỷ dân.
Nhà phân tích Luca Solca nói rằng các thương hiệu xa xỉ có thể phải trải qua "những đợt điều chỉnh đau đớn" nếu giá bán tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt như những năm qua.