Chàng trai tên A. (19 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu với vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế, khó thở nhẹ, đau tức ngực, sốt cao, phải hỗ trợ thở oxy gọng kính. Đây là hậu quả sau khi tự nặn mụn tại nhà của thanh niên này.
Nhiễm khuẩn huyết chỉ vì nặn mụn ở mép
Sau khi được làm các xét nghiệm, các bác sĩ khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, chẩn đoán A. bị nhiễm khuẩn huyết, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát, viêm phổi hoại tử 2 bên.
May mắn, nhờ nhập viện sớm và được điều trị kịp thời, bệnh nhân A. dần ổn định, vùng mặt và cằm đỡ sưng nề, thân nhiệt trở về bình thường.
Tổn thương vùng môi má trái của bệnh nhân 19 tuổi ở Hà Nội. Ảnh: BVCC. |
Tương tự, ông L.V.T., 40 tuổi, ngụ Đồng Nai, cũng tự nặn mụn vùng mũi.
Sau đó 3 ngày, người bệnh bị sưng phù vùng mặt, mụn mủ căng nhiều và nhức, lan toàn bộ mũi và vùng mặt phải.
Người đàn ông đến cơ sở y tế gần nhà điều trị 3 ngày tiếp theo nhưng tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại, mặt và mí mắt sưng nhiều hơn. Lo lắng cho khuôn mặt của mình, ông T. đã đến phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đồng Nai 2, thăm khám.
Bác sĩ chẩn đoán ông T. bị viêm áp xe tháp mũi lan vùng mũi má, hoại tử sụn, viêm mô tế bào vùng mặt. Dù được bác sĩ rạch dẫn lưu mủ, rửa ổ mủ, vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày, điều trị kháng sinh kết hợp liều cao, tuy nhiên trong những ngày đầu điều trị, tình trạng của bệnh nhân không tiến triển.
Kết quả xét nghiệm cho thấy người đàn ông này bị vi khuẩn tụ cầu gây áp xe kháng nhiều loại thuốc. Sau khi đánh giá lại và sử dụng phác đồ kháng sinh phù hợp, bệnh nhân T. có tiến triển tốt.
Ngoài ông T., bệnh viện này cũng điều trị cho 2 bệnh nhân tự nặn mụn dẫn đến bị viêm áp xe mũi. Trong đó, một bệnh nhân bị nhọt tiền đình mũi, gây áp xe cánh mũi trái. Người còn lại bị áp xe cánh mũi phải và vách ngăn mũi.
Vùng tam giác nguy hiểm
Theo đại tá, tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mụn (hay trứng cá) là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi.
Bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông là nguyên nhân gây ra mụn nhọt, với biểu hiện là những vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu. Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực.
Nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.
Đặc biệt, vùng mặt có một khu vực gọi là vùng tam giác nguy hiểm. Cách xác định là đặt bàn tay sao cho đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi miệng và cằm.
Vùng mặt được đánh giá là "tam giác tử thần". Ảnh: QTimes. |
"Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van. Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên các bệnh nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí không qua khỏi", bác sĩ Mạnh phân tích.
Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu.
Bệnh lý nhiễm khuẩn huyết thường xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỷ lệ không qua khỏi cao. Bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đăng Lộng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đồng Nai 2, cũng cho rằng nhiều người bệnh còn quá chủ quan, nặn mụn không đúng cách và uống thuốc không theo toa của bác sĩ. Hành động này có thể dẫn đến khối áp xe lan toả khá phức tạp.
Cách phòng mụn trứng cá
Bác sĩ Nguyễn Đăng Lộng khuyến cáo người dân không tự nặn mụn nếu thấy mụn có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và đau, đặc biệt là vùng giữa mặt, vùng mũi. Nếu mọi người tự nặn mụn khi mụn chưa gom (chưa già) cùng với bàn tay không sạch, nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Trường hợp nhiễm trùng nhẹ có thể viêm, áp xe tại chỗ. Ở thể nặng, hành động này có thể gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang trong não, dẫn đến hôn mê và nguy hiểm tính mạng.
Để hạn chế tình trạng mụn trứng cá, bác sĩ nội trú Phan Thị Bình Minh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khuyến cáo người dân nên áp dụng cách sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây. Hạn chế các loại thức ăn chứa quá nhiều đường, chocolate, thức ăn nhiều tinh bột
- Giữ cho mình một tinh thần thoải mái nhất, tránh căng thẳng quá mức
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya
- Rửa mặt với tần suất vừa đủ. Không nên rửa với sữa rửa mặt quá 2 lần/ngày. Điều này sẽ làm mất cân bằng pH trên da và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng đúng cách và phù hợp với làn da. Tránh sử dụng những sản phẩm có chứa dầu
- Hạn chế trang điểm khi mặt bị mụn. Tẩy trang và rửa mặt thật sạch sau khi dùng mỹ phẩm
- Tránh sờ tay lên mặt cạy, nặn mụn không đúng cách để tránh nhiễm trùng dễ bị sẹo mụn
Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian
Người phải đối diện với trạng thái căng thẳng liên tục sẽ chóng già hơn, cơ thể của họ lão hóa nhanh hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh tật liên quan tới huyết áp, rối loạn chuyển hóa.
Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.