Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Vì sao chúng ta cứ thức xuyên đêm để cày phim, làm việc?

Có một lý do cho trạng thái "đứng ngồi không yên" mỗi khi bạn chưa hoàn thành trách nhiệm, và đó là Zeigarnik.

hieu ung zeigarnik anh 1

Có một lý do cho trạng thái "đứng ngồi không yên" mỗi khi bạn chưa hoàn thành trách nhiệm, và đó là Zeigarnik.

hieu ung zeigarnik anh 2hieu ung zeigarnik anh 3

Điểm chính:

  • Hiệu ứng Zeigarnik là một nỗ lực của trí nhớ giúp bạn lưu trữ thông tin ngắn hạn.
  • Những nhà làm phim thường lợi dụng hiệu ứng này để kích thích sự tò mò của người xem.
  • Nếu biết cách tận dụng, Zeigarnik có thể là "vũ khí" chống trì hoãn và tăng năng suất tốt.

19h, tôi gập laptop, dự định ăn tối và nghỉ ngơi. Tuy vậy, chỉ sau đó vài phút, tôi lại nghĩ về deadline dang dở và những đầu việc tồn đọng trong ngày. Kết quả là tôi ngồi vào bàn lúc 21h và cố gắng làm xong mọi thứ trước khi ngủ.

Giống với tôi, Phương Thảo (24 tuổi, TP.HCM) cũng thường trải qua cảm giác tương tự.

Phương Thảo chia sẻ rằng bản thân luôn cảm thấy bức bối mỗi khi để một hoạt động bị gián đoạn. Khi xem một series phim, nếu dư dả thời gian, cô luôn cố gắng xem đến tập cuối cùng, bằng không sẽ không ngừng nghĩ về nó.

Thực ra, có một cụm từ mô tả trạng thái "ăn không ngon, ngủ không yên" này.

Các nhà tâm lý học gọi nó là hiệu ứng Zeigarnik, hay xu hướng ghi nhớ những việc chưa hoàn thành hơn những việc đã đâu vào đấy.


Khi não chủ động chống trì hoãn

Hiệu ứng Zeigarnik được dùng để chỉ hiện tượng tâm trí bị làm phiền bởi suy nghĩ về việc còn dở dang, ngay cả khi bạn đã chuyển sang làm việc khác, theo Verywell Mind.

Cảm giác day dứt đó đeo bám và thôi thúc bạn sớm trở lại làm cho xong những gì mình bắt đầu.

Điều này lý giải cho những lần bạn chơi game đến khuya với mong muốn giành chiến thắng, hay những đêm khó ngủ, mong trời nhanh sáng để lao đến văn phòng làm tiếp việc hôm qua.

Cái tên Zeigarnik được đặt theo nhà tâm lý học người Nga, Bluma Zeigarnik. Bà là người đầu tiên quan sát và phát hiện hiệu ứng này.

Dù vậy, sau một vài nghiên cứu, người ta bổ sung rằng còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tác động của Zeigarnik lên một người. Cụ thể, người có động lực rõ ràng có thể nhớ tốt hơn, thấy bứt rứt nhiều hơn và xác suất quyết định hành động cao hơn.


Cách Zeigarnik hoạt động

Hầu hết nhiệm vụ hàng ngày của chúng ta được lưu trữ trong phần trí nhớ ngắn hạn, Psychology Today nói. Khác với trí nhớ dài hạn, trí nhớ ngắn hạn gặp hạn chế cả về dung lượng lẫn thời lượng.

Để tránh tình trạng quá tải dữ liệu, não bộ tạo ra một số thủ thuật như Zeigarnik - liên tục đưa thông tin về nhận thức và gợi nhớ điều dang dở cho đến khi chúng được thực thi.

Nói cách khác, những việc bạn dừng giữa chừng có khả năng tạo căng thẳng nhận thức tiềm ẩn và nỗ lực tinh thần. Não sẽ cho phép bạn buông bỏ nỗ lực này một khi làm xong.


Tận dụng Zeigarnik để làm việc hiệu quả hơn

Hiệu ứng Zeigarnik thường được ứng dụng trong phim ảnh, TV hay sách báo dài tập. Với những cái kết bỏ ngỏ, khán giả sẽ nóng lòng chờ đợi phần tiếp theo.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng Zeigarnik vào công việc hàng ngày với 4 cách sau:

  • Bắt đầu làm điều mình không muốn. Có thể bạn chán ngán nhiệm vụ của mình, nhưng chỉ cần bắt tay vào việc khoảng 15-30 phút, bạn sẽ thấy nó liên tục xuất hiện trong đầu và thúc đẩy bạn làm thêm một chút, một chút nữa cho đến khi hoàn thành.
  • Lên lịch giải lao để cải thiện trí nhớ. Các khoảng nghỉ ngắn như tập thể dục, pha cà phê, nấu ăn,... sẽ góp phần tăng cường trí nhớ ngắn hạn và khiến bạn không thể bỏ quên task.
  • Viết to-do list vào cuối ngày. Hiệu ứng Zeigarnik sẽ tiêu cực nếu bạn để chúng làm mình lo lắng và kiệt sức. Trước những đầu việc dở dang, hãy ghi xuống giấy để chắc rằng bạn quay lại với chúng vào ngày mai.
  • Học theo những nhà làm phim. Như đã đề cập, hiệu ứng này tạo cảm giác trông chờ, do đó bạn có thể sử dụng nó khi thuyết trình, giới thiệu kế hoạch, sản phẩm,... Biết thả - dừng đúng lúc là cách để chủ đề hiện hữu trong tâm trí khán giả và cho phép họ nghiền ngẫm, phản hồi.

Thiên Hân

Đồ họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm