Trong 2 tuần qua, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào nhiều gia đình, nhà hàng và khu chợ trên toàn quốc, bắt giữ gần 700 người vì vi phạm lệnh cấm bắt, bán hoặc tiêu thụ động vật hoang dã.
Cuộc đàn áp đã thu giữ gần 40.000 động vật bao gồm sóc, chồn, lợn rừng. Điều này cho thấy thói quen ăn động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận động vật cho y học của người Trung Quốc không thể biến mất trong một đêm, dù dịch bệnh do virus corona vẫn bùng phát nghiêm trọng.
Thói quen ăn động vật hoang dã "nuôi" virus
Theo Reuters, các chủ cửa hàng bán lừa, chó, hươu, cá sấu... cho biết họ có kế hoạch trở lại kinh doanh ngay khi thị trường mở cửa trở lại.
"Tôi sẽ bán hàng trở lại khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Người dân thích mua động vật hoang dã. Họ mua để ăn hoặc tặng quà vì nó rất dễ bán và mang lại tiếng tăm", Gong Jian, chủ cửa hàng động vật hoang dã trực tuyến ở khu vực Nội Mông tự trị, cho biết.
Nghiên cứu mới đây nghi ngờ, dù chưa chứng minh cụ thể, về việc virus corona truyền sang người từ dơi thông qua tê tê. Đây là loài động vật có vú nhỏ có phần vảy được đánh giá cao trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Các lọ rượu ngâm rắn được bảo quản trong một trang trại rắn ở Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, những người phát hiện bệnh sớm nhất xuất phát từ chợ hải sản của Vũ Hán, nơi bán dơi, rắn, cầy hương và nhiều động vật hoang dã khác. Trung Quốc hiện tạm thời đóng cửa tất cả chợ như vậy vào tháng 1, cảnh báo việc ăn động vật hoang dã gây ra mối đe dọa lớn với sức khỏe và an toàn cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Wang Song, nhà nghiên cứu về động vật học tại Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc, điều đó có thể không đủ để thay đổi thị hiếu hoặc thói quen bắt nguồn sâu sắc trong văn hóa và lịch sử của đất nước. "Trong mắt nhiều người, động vật sống vì con người, chứ không phải là chia sẻ trái đất với con người", ông Wang Song cho biết.
Sự bùng phát của virus corona, đã khiến hơn 1.600 người tử vong ở Trung Quốc, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc. Nhiều học giả, nhà môi trường và người dân nước này đã tham gia vào các nhóm bảo tồn quốc tế, kêu gọi cấm buôn bán động vật hoang dã.
Tuy nhiên, một bộ phận người Trung Quốc vẫn thích ăn thịt động vật hoang dã vì tin rằng nó tốt cho sức khỏe. Nhiều thị trường động vật hoang dã như ở Vũ Hán và kinh doanh trực tuyến, phần lớn là bất hợp pháp, vẫn được duy trì.
Động vật lây bệnh cho con người như thế nào?
Trong 50 năm qua, một loạt các bệnh truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng từ động vật sang người.
Cuộc khủng hoảng HIV/AIDS những năm 1980 bắt nguồn từ loài vượn lớn; đại dịch cúm gia cầm 2004-2007 xuất phát từ chim; dịch cúm lợn năm 2009 là do loài lợn. Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) xuất phát từ loài dơi, thông qua trung gian là cầy hương; trong khi đó loài dơi cũng gây ra đại dịch Ebola.
Con người luôn nhiễm bệnh từ động vật. Trên thực tế, hầu hết bệnh truyền nhiễm mới đến từ động vật hoang dã. Nhưng điều đáng nói là sự thay đổi của môi trường đang đẩy nhanh tiến trình này, yếu tố cuộc sống thành phố và nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng càng khiến những căn bệnh này xuất hiện và lây lan nhanh hơn.
Dơi được cho là nguồn gốc lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm. Ảnh: SCMP. |
Hầu hết động vật đều mang trong mình một loạt mầm bệnh - các loại vi khuẩn và virus có thể gây bệnh. Khả năng tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào việc lây nhiễm sang vật chủ mới và nhảy sang loài khác.
Hệ thống miễn dịch của vật chủ mới sẽ cố gắng tiêu diệt mầm bệnh, nghĩa là cả hai, vật chủ mới và mầm bệnh, đều cố gắng tìm ra những cách thức mới nhằm tiêu diệt lẫn nhau.
Chẳng hạn, khoảng 10% số người nhiễm bệnh đã thiệt mạng trong dịch SARS năm 2003, so với dưới 0,1% do cúm thông thường.
Sự biến đổi về môi trường và khí hậu đang thay đổi và tiêu diệt môi trường sống của động vật, thay đổi cách thức chúng sinh sống, cư trú và thức ăn. Ngay cách sống của con người cũng thay đổi, 55% dân số toàn cầu hiện sống ở các thành phố, tăng cao so với con số 35% của 50 năm trước.
Và những thành phố lớn hơn này càng mở rộng không gian cho động vật hoang dã như chuột, gấu trúc, sóc, cáo, chim, chó rừng, khỉ… sinh sống ở công viên và vườn, ăn thực phẩm mà con người bỏ lại.
Thông thường, các loài động vật hoang dã dễ dàng thích nghi với môi trường sống ở đô thị hơn so với trong tự nhiên vì nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, khiến không gian thành phố trở thành nơi lý tưởng cho các mầm bệnh tiến hóa.
Người dân thành phố và động vật sống cùng nhau. Ảnh: Gettyimages. |
Nhóm người nào có nguy cơ lây bệnh cao nhất?
Các bệnh mới trong vật chủ mới thường nguy hiểm hơn, đó là lý do bất kỳ loại bệnh mới nào xảy ra cũng rất đáng quan tâm. Một số nhóm dễ bị mắc các bệnh mới này hơn so với những nhóm khác.
Cư dân nghèo ở thành phố thường phải làm các công việc như dọn dẹp và vệ sinh, dễ gặp các nguồn và người mang mầm bệnh. Họ cũng có thể có hệ thống miễn dịch yếu hơn do dinh dưỡng kém và ít có điều kiện tiếp xúc với không khí trong lành hoặc phải làm việc trong các điều kiện không vệ sinh. Và nếu bị ốm, họ có thể không đủ khả năng được chăm sóc y tế đầy đủ.
Các loại bệnh nhiễm trùng mới cũng dễ lây lan nhanh hơn ở các thành phố lớn vì dân số đông, không khí trong lành ít và cùng chạm vào một bề mặt.
Trong một số nền văn hóa, con người cũng ăn thịt một số loại động vật hoang dã. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn.
Các chính phủ thường có xu hướng coi mỗi căn bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là một cuộc khủng hoảng độc lập, thay vì nhận ra chúng là dấu hiệu cho thấy thế giới đang biến đổi như thế nào. Càng tác động để thay đổi môi trường sống, con người càng có khả năng phá vỡ hệ sinh thái và tạo cơ hội cho bệnh tật mới xuất hiện.
Chỉ có khoảng 10% mầm bệnh trên thế giới đã được ghi nhận. Bởi vậy, cần đầu tư nhiều hơn để xác định những mầm bệnh còn lại và những loài động vật nào đang mang các mầm bệnh đó. Chẳng hạn, chúng ta cần biết số chuột ở London là bao nhiêu và chúng đang mang những mầm bệnh gì.
Nhiều người dân thành phố thỏa mãn với việc sống chung với các động vật hoang dã trong cùng một không gian, nhưng mọi người cũng nên nhận ra rằng một số loài trong đó có thể gây hại.
Vì vậy, điều quan trọng là phải theo dõi xem có những loài động vật nào mới đến, mọi người có đang giết hay ăn thịt các loài động vật hoang dã, hay mang chúng từ các khu vực lân cận ra bán ở chợ hay không.
Cải thiện điều kiện vệ sinh, xử lý chất thải và kiểm soát dịch là những cách giúp ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện và lan rộng. Điều đó giúp thay đổi cách thức chúng ta quản lý môi trường và cách con người tương tác với môi trường.
Đồ họa: Minh Hồng. |