Nhiều người dù đánh răng rất kỹ nhưng vẫn bị sâu răng. Ảnh minh họa: Pexels. |
Răng vĩnh viễn đi theo con người suốt cuộc đời. Thế nhưng, nhiều người dù có thói quen chăm sóc răng miệng cẩn thận, đánh răng sáng tối đều đặn nhưng vẫn bị sâu.
Sâu răng là gì?
Theo nha sĩ Hồ Hán Quân, bác sĩ ở Cửu Long (Hong Kong, Trung Quốc), sâu răng là một bệnh răng miệng thường gặp. Khi các mô cứng như men răng, ngà răng trên bề mặt răng bị các chất axit bào mòn, mô răng sẽ bị phá hủy và hình thành sâu răng.
Do đó, ngoài vệ sinh răng miệng, còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác gây sâu răng như thói quen ăn uống, kết cấu răng, tình trạng thể chất, tình trạng sử dụng thuốc...
Có 4 dấu hiệu cơ bản nhận biết sâu răng là:
- Có vị lạ trong miệng
- Có đốm đen trên răng
- Có khe hở giữa các răng khiến thức ăn bị mắc kẹt
- Răng trở nên nhạy cảm.
Trường hợp bị sâu răng nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể lây nhiễm sang các khu vực khác, cuối cùng chỉ có thể giải quyết bằng cách can thiệp với phương pháp chuyên sâu khác hoặc nhổ bỏ răng.
Hai nguyên nhân gây sâu răng phổ biến
- Thói quen ăn uống
Đây là nguyên nhân cơ bản nhất gây sâu răng. Theo nha sĩ Hồ Hán Quân, trong miệng con người có vô số loại vi khuẩn khác nhau, cho dù vệ sinh thế nào vi khuẩn gây sâu răng là Cariogenic Bacteria vẫn tồn tại. Vi khuẩn này “làm tổ” trên răng hàng ngày và tạo thành mảng bám răng.
Thói quen ăn uống kết hợp vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến bạn dễ bị sâu răng hơn. Ảnh: Myfirstdental. |
Sau khi làm tổ xong, chúng sẽ tiêu hóa carbohydrate có trong thức ăn, sau đó thải ra một ít axit. Những axit này ăn mòn răng từng chút một, cuối cùng gây sâu răng.
May mắn thay, nước bọt có thể trung hòa axit và chống lại sự phát triển quá mức của loại vi khuẩn này. Theo nha sĩ Hồ Hán Quân, đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa có thể tiêu diệt “tổ” vi khuẩn gây sâu răng khiến chúng không có cơ hội sinh sản.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều lần, miệng sẽ thường xuyên tiếp xúc với carbohydrate, vi khuẩn trên răng sẽ tiếp tục tiêu hóa carbohydrate và bài tiết nhiều axit. Lúc này, nước bọt tiết ra cũng sẽ không đủ sức chống cự.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường cũng khiến vi khuẩn gây sâu răng phát triển mạnh mẽ, làm các vi khuẩn vô hại khác ngày càng ít đi, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật bên trong miệng và khiến răng dễ bị sâu hơn.
- Đánh răng không đúng cách
Đánh răng lâu không có nghĩa là đánh răng đúng cách. Có rất nhiều mảng bám trên răng nằm ở những nơi bàn chải không chạm tới được và vi khuẩn tích tụ lâu dài ở đó sẽ liên tục sản sinh axit gây sâu răng.
Ví dụ vị trí giữa các răng, đường răng sâu (khe nứt) và các răng chồng lên nhau không đều.
Ngoài việc đánh răng, bạn cũng cần dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ để làm sạch mọi ngóc ngách của răng. Răng của mỗi người có sự sắp xếp khác nhau, người có răng mọc lệch sẽ khó khăn hơn trong việc vệ sinh.
Do đó, mỗi cá nhân được khuyến nghị nên hỏi nha sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc răng đúng cách dựa trên tình trạng răng miệng của mình.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.