Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Vì sao dịch Covid-19 ở TP.HCM phức tạp?

Chuyên gia cho rằng số ca mắc tại TP.HCM có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, với hàng loạt ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, chúng ta chưa thể yên tâm về tình hình dịch tại thành phố.

Nguyen nhan khien TP.HCM kho kiem soat dich Covid-19 anh 1

Sau 2 tuần phát hiện ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, số ca mắc mới ở TP.HCM có xu hướng giảm, chủ yếu bệnh nhân đều thuộc diện cách ly.

Tuy nhiên, tình hình dịch chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" do thành phố tiếp tục xuất hiện một số ca bệnh không rõ nguồn lây. Đặc biệt, những người này đều được phát hiện khi có triệu chứng bệnh và được các cơ sở y tế phát hiện qua khám sàng lọc.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM, cho rằng đây là một những nguyên nhân khiến ngành y tế thành phố gặp khó khăn để dập dịch triệt để.

Điều nguy hiểm khi bệnh nhân mới nằm ngoài chuỗi lây nhiễm

- Sau hai tuần phát hiện ổ dịch điểm nhóm Hội thánh và một tuần thực hiện giãn cách xã hội, ông đánh giá tình hình dịch tại TPHCM đang chuyển biến như thế nào?

- Theo số liệu tôi theo dõi từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, đến nay, TP.HCM có tổng cộng hơn 400 ca lây nhiễm nCoV với 3 chuỗi lây nhiễm. Trong đó, chuỗi lây nhiễm từ công ty kiểm toán ở quận 3 có thêm ca dương tính sau 14 ngày cách ly. Chuỗi lây nhiễm quán bánh canh ở quận 3 có thêm 2 ca mới sau 15 ngày cách ly.

Nguyen nhan khien TP.HCM kho kiem soat dich Covid-19 anh 2

Đồ họa: Bích Huệ.

Điều này cho thấy chúng ta tuyệt đối không thể thờ ờ, chủ quan khi các F1 có kết quả âm tính ở 1-2 lần xét nghiệm đầu. Việc cách ly cần được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo không lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Đặc biệt, diễn biến dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh còn khá phức tạp. Số ca mắc những ngày qua còn khá cao. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà chúng ta cần quan tâm không phải là số lượng ca mắc mỗi ngày. Bởi số lượng dương tính là F1 đã được cách ly, trong khu phong tỏa không quan trọng. Điều đáng lo nhất là việc xuất hiện ca lây nhiễm nằm ngoài chùm ca bệnh đã được xác định.

"Vài chục ca mắc trong thời gian cách ly cũng không nguy hiểm bằng một ca mắc còn lang thang ngoài cộng đồng. Tình hình hiện tại, tôi cho rằng chúng ta chưa thể yên tâm"

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Thực tế những ngày qua, TP.HCM xuất hiện các ca nhiễm không rõ nguồn lây. Tôi cho rằng đây là điều đáng lo lắng nhất. Bởi vài chục ca mắc trong thời gian cách ly cũng không nguy hiểm bằng một ca mắc còn lang thang ngoài cộng đồng. Tình hình hiện tại tôi cho rằng chúng ta chưa thể yên tâm. Việc cần làm còn rất nhiều.

- Chúng ta ghi nhận tình trạng "ổ dịch chồng ổ dịch" ở TP.HCM, vấn đề này phản ánh điều gì?

- Nó phản ánh thực tế là chúng ta phát hiện ổ dịch này khá muộn, khi truy vết đến thì virus đã trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện tại, các ổ dịch này hầu như đã được khoanh vùng, người liên quan cũng được cách ly.

Khi ổ dịch đã được khoanh vùng, số ca dương tính tại khu phong tỏa tăng bao nhiêu không còn quan trọng. Quan trọng là truy vết, tìm kiếm tiếp những F0 có thể còn sót ngoài cộng đồng.

Nguyen nhan khien TP.HCM kho kiem soat dich Covid-19 anh 3

TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm hơn 430.000 người liên quan ổ dịch tại điểm nhóm Hội thánh. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài ra, chúng ta cần đề phòng việc lây nhiễm trong khu cách ly. Nếu cách ly không nghiêm ngặt, việc lây nhiễm chéo sẽ khiến dịch kéo dài hơn, chưa kể là thời gian cách ly đến 21 ngày thì nguy cơ càng cao hơn.

- Ngày càng nhiều tỉnh, thành có ca mắc liên quan điểm nhóm Hội thánh. Đây có phải giai đoạn ổ dịch này đang lan rộng?

- Có thể gọi là như vậy. Do chúng ta phát hiện ổ dịch muộn, thời gian truy vết chậm khi F0 đã ra khỏi phạm vi thành phố. Nếu truy vết sớm và cách ly được những người liên quan trong thời gian ủ bệnh thì dịch khó lây lan sang địa phương khác.

Thực tế hiện nay, ổ dịch này đã lan rộng đến Long An, Bình Dương, Trà Vinh, Bạc Liêu và các tỉnh Hà Tĩnh, Hà Nội. Do đó, các địa phương cần tăng cường kiểm soát, phát hiện sớm người có yếu tố nguy cơ và sàng lọc. Tuy nhiên, việc tăng cường kiểm soát không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ” mà cần kiểm soát đúng người có yếu tố nguy cơ.

Nguyen nhan khien TP.HCM kho kiem soat dich Covid-19 anh 4

Đồ họa: Bích Huệ.

Nguy cơ "thành trì" y tế bị Covid-19 xâm nhập

- Ngày càng nhiều F3 dương tính phản ánh điều gì trong chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM?

- Điều đó phản ánh rằng virus đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng mà chúng ta không hay biết. Ngoài ra, cũng có thể do chúng ta truy vết chưa triệt để, truy tìm virus chậm hơn so với đường đi, đường lây nhiễm quá nhanh của chúng. Một khi dịch tồn tại và âm thầm lây nhiễm trong cộng đồng, số ca mắc sẽ tăng lên theo cấp số nhân, rất nguy hiểm.

- Cách ly tại nhà với F3 có giúp chúng ta sớm khoanh vùng được ổ dịch?

- Cách ly và xét nghiệm với những người có liên quan ca mắc và có nguy cơ là điều nên làm và cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là F1. Bởi có F1 thì mới có F2, F3 và 2 nhóm này cũng phụ thuộc tất cả vào kết quả xét nghiệm của F1. Do đó, chỉ cần chúng ta truy vết và cách ly toàn bộ F1, kiểm soát F2 và F3 trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm của F1.

"Việc tăng cường kiểm soát không có nghĩa là ngăn sông cấm chợ mà cần kiểm soát đúng người có yếu tố nguy cơ"

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Các trường hợp F3 hiện tại mà chúng ta ghi nhận là khi họ xuất hiện triệu chứng và được phát hiện ngoài cộng đồng. Khi đã được phát hiện, chúng ta truy nguồn lây thì mới biết họ là F3. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp một người là F3 của chuỗi lây nhiễm này nhưng là F1, F2 của ca bệnh khác

- Ông nhận định ra sao về một số ca lây nhiễm chưa rõ nguồn lây được phát hiện ở cơ sở y tế?

- Tôi cho rằng đây là mối nguy hiểm rất lớn cho các cơ sở y tế. Điều này có nghĩa là chúng ta không truy được người nhiễm bệnh ở ngoài cộng đồng mà chỉ đến khi họ có triệu chứng và phát hiện khi khám bệnh. Với trường hợp này, việc chúng ta cần làm vẫn là truy vết và cách ly toàn bộ F1, theo dõi F2 và F3 và điều tra mở rộng nguồn lây.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là khi ca dương tính được phát hiện ở cơ sở y tế, khả năng cao là họ đã lây nhiễm nCoV cho người ở ngoài cộng đồng.

- TPHCM chưa ghi nhận ca bệnh nào lọt qua hàng rào sàng lọc và lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế, điều này do chúng ta may mắn hay cơ sở y tế có phản ứng ban đầu rất tốt?

- Tôi nghĩ nhiều về yếu tố may mắn hơn. Chẳng hạn, Bệnh viện Đức Khang (quận 5) không làm xét nghiệm khẳng định phương pháp rRT-PCR nên họ triển khai test nhanh, nhờ vậy mà phát hiện ra ca dương tính ở TP Thủ Đức. Tại một số cơ sở y tế khác, bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nên được lấy mẫu xét nghiệm, từ đó phát hiện ra ca bệnh.

Dĩ nhiên, cơ sở y tế tại TP.HCM đã phản ứng rất nhanh và nhạy bén trong sàng lọc. Nhưng chỉ cần người dân không trung thực khai báo, dịch có thể xâm nhập cơ sở y tế của chúng ta bất cứ lúc nào.

Nguyen nhan khien TP.HCM kho kiem soat dich Covid-19 anh 5

Bệnh viện quận Tân Phú phải phong tỏa do tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm. Ảnh: Hoàng Giám.

Khi ca dương tính đến bệnh viện, hai tình huống có thể xảy ra. Một là bệnh nhân lọt vào bệnh viện, lây nhiễm cho nhân viên y tế, người nhà thăm bệnh, từ đó dịch xâm nhập bệnh viện. Thứ 2, bệnh nhân không được xét nghiệm Covid-19 nên tiếp tục lọt ra cộng đồng (như trường hợp một trung tâm y khoa đã yêu cầu bệnh nhân tự đi xét nghiệm do triệu chứng viêm phổi).

- Gần đây, nhiều cơ sở y tế phát hiện ca dương tính, theo ông, đây có phải là thời điểm thành trì y tế tại TPHCM đối mặt nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập cao nhất?

- Tôi cho rằng đây là điều tất yếu. TP.HCM có quá nhiều bệnh viện, phòng khám. Do đó, tôi cho rằng cơ sở y tế nên triển khai sớm test nhanh để phát hiện người nghi ngờ, quan trọng hơn là bảo vệ thành trì y tế của chúng ta. Hoặc trường hợp khác là người dân nên đến cơ sở có khả năng xét nghiệm rRT-PCR để được sàng lọc.

Trong diễn biến dịch hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh). Xét nghiệm nhanh nhằm giúp cơ sở y tế điều tra dịch tễ học trong cộng đồng. Khi trong cộng đồng có thể xuất hiện nhiều ca bệnh, test nhanh được triển khai có thể giúp chúng ta tổng kết, so sánh và điều chỉnh chiến lược chống dịch tốt hơn.

- Ông dự đoán sau khi thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn được ổ dịch này?

- Hiện tại, chúng ta chưa thể đánh giá được khả năng kiểm soát dịch bởi vẫn còn ghi nhận rải rác ca nhiễm nằm ngoài chuỗi lây nhiễm đã được phát hiện, chưa rõ nguồn lây. Chỉ khi nào không còn những trường hợp như vậy, các ca mắc đều được ghi nhận trong khu phong tỏa, cách ly thì tình hình mới tạm yên tâm.

Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ 27/4 đến 18h ngày 7/6, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 421 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (địa chỉ sinh hoạt tại phường 3, quận Gò Vấp) có 387 bệnh nhân. Hiện 9 tỉnh, thành có ca mắc liên quan điểm nhóm tôn giáo này bao gồm: Long An (7), Bình Dương (8), Trà Vinh (2), Đồng Tháp (1), Đắk Lắk (1), Tây Ninh (1), Bạc Liêu (1), Hà Nội (1), Tiền Giang (1).

Ngoài ra, thành phố ghi nhận 24 trường hợp chưa rõ nguồn lây, được phát hiện khi đến khám tại các bệnh viện.

'Ổ dịch chồng ổ dịch' ở TP.HCM

Từ một F0 ban đầu liên quan nhóm tôn giáo, hàng loạt tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp, nhà hàng, quán cà phê, trường học tại TP.HCM trở thành ổ dịch.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm