Tuy không quá nguy hiểm với sức khỏe, hội chứng sương mù não có thể làm giảm chất lượng cuộc sống nếu kéo dài. Trong dịch Covid-19, không ít người đã trải qua tình trạng này.
Điểm chính:
- Cảm giác mất kết nối, đờ đẫn là đặc điểm thường thấy ở người đang gặp brain fog.
- Suy nghĩ nhiều và tiêu cực lâu có thể dẫn đến sương mù não.
- Ngủ đủ giấc góp phần cải thiện trí nhớ và sức khỏe tinh thần.
Hiện tượng não có sương mù được gọi là brain fog. Catherine Loveday, giáo sư Thần kinh nhận thức tại Đại học Westminster, Anh nói đây là trạng thái nhận thức kém của não, bao gồm sự suy giảm trong trí nhớ, khả năng tập trung, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sương mù não. Khi Covid-19 bùng phát, sự căng thẳng, bất an cũng là yếu tố gián tiếp khiến não mệt mỏi.
Brain fog là gì?
Thực tế, sương mù não không phải là một bệnh lý.
Theo Verywell Mind, brain fog là thuật ngữ mô tả cảm giác mơ hồ, uể oải. Sương mù não khiến bạn thiếu minh mẫn và hầu như không thể làm việc hay suy nghĩ sâu.
Một số biểu hiện thường gặp gồm:
- Cảm thấy "lạc" khỏi môi trường xung quanh.
- Phản ứng chậm chạp, khó thực hiện các hoạt động thường ngày.
- Đau đầu, suy nghĩ bị phân mảnh rời rạc, nói trước quên sau.
- Mất niềm tin vào bản thân.
- Tinh thần xuống dốc, muốn ngủ nhiều.
Tác nhân gây ra sương mù não
Hầu hết chúng ta bị sương mù não trong thời gian ngắn, chỉ 1-2 ngày, vì thiếu ngủ hoặc stress.
Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy có trường hợp mắc Covid-19 gặp tình trạng này trong thời gian dài hơn, vài tuần hoặc vài tháng, sau khi khỏi các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, theo Healthline.
Những nhà nghiên cứu vẫn đang điều tra nguyên nhân cụ thể. Nhưng, một điều gần như chắc chắn là tâm lý đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của brain fog, theo Medical News Today.
Nói cách khác, người hay lo lắng, kiệt sức hoặc có dấu hiệu rối loạn lo âu dễ gặp sương mù não hơn.
Các yếu tố khác góp phần tạo brain fog theo Banner Health:
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, người vào thời kỳ mãn kinh hay nam giới có mức testosterone thấp.
- Mất ngủ hoặc ngủ không sâu có thể ảnh hưởng các tế bào não và khả năng ghi nhớ, nhận thức.
- Thay đổi chế độ ăn uống hay thiếu hoạt động thể chất.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc bệnh ảnh hưởng đến não, trầm cảm.
Bạn có thể bị sương mù não vì một hoặc 2-3 yếu tố kết hợp. Ví dụ, căng thẳng có thể dẫn đến thiếu ngủ hoặc ngược lại.
Làm sao để "đánh bay" sương mù?
Nếu bạn đang cảm thấy não có sương, thì Verywell Health gợi ý một số cách có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và đẩy lùi brain fog:
- Ngủ đủ giấc. Hãy cố gắng tuân theo một khung giờ cố định và ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Để dễ chìm vào giấc ngủ, bạn nên hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính trên giường.
- Thử cách sinh hoạt mới. Bạn có thể bật một bản nhạc để tập trung làm việc tốt hơn, hoặc tập một vài bài tập giải tỏa năng lượng trong ngày. Ngoài ra, ăn thực phẩm lành mạnh cũng giúp tinh thần vui vẻ, khỏe mạnh.
- Hạn chế multitasking. Làm việc đa nhiệm thực tế không tốt như bạn nghĩ. Trái lại, cách tiếp cận này làm tiêu hao năng lượng và giảm năng suất nhanh, đặc biệt với những hoạt động cần não tập trung tuyệt đối.
- Tìm cách cải thiện trí nhớ. Bạn có thể áp dụng một số thủ thuật ghi chú, kết nối hình ảnh hay lặp lại để hỗ trợ não nhớ tốt hơn.
- Để tinh thần nghỉ ngơi. Những khoảng lặng là cần thiết để cơ thể bạn phục hồi trong thời điểm có nhiều lo lắng.
- Tập suy nghĩ sâu. Để cải thiện mức độ tập trung, bạn có thể dành thời gian phân tích những thông tin mình tiếp nhận hàng ngày. Ví dụ, sau khi đọc một bài báo, bạn dành 10 phút nghĩ về nội dung và phản hồi.
Sương mù não có thể gây khó chịu và khiến bạn mất kết nối với mọi thứ đang diễn ra xung quanh, thậm chí nghi ngờ năng lực của bản thân. Ở tình trạng nặng và kéo dài, bạn có thể liên hệ chuyên gia tư vấn để được giúp đỡ.
Thông thường, brain fog sẽ tự biến mất sau vài ngày. Điều quan trọng là chúng ta điều chỉnh thói quen sống lành mạnh, tập quản lý stress và tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.