Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Vì sao F0 nên kiểm tra tim mạch sau khi khỏi Covid-19?

Covid-19 gây ra tình trạng viêm trong cơ thể, có thể dẫn đến suy tim, hình thành cục máu đông. Vì vậy, việc kiểm tra tim mạch là điều quan trọng với F0 sau khi khỏi bệnh.

Theo India Times, SARS-CoV-2 có thể xâm nhập trực tiếp vào các tế bào thụ cảm, được gọi là thụ thể ACE2, trong mô cơ tim và gây hại trực tiếp. Những biến chứng này, chẳng hạn viêm cơ tim, có thể dẫn đến nguy cơ suy tim tăng cao theo thời gian. Đối với những người có rối loạn tim mạch từ trước khi mắc Covid-19, điều này có thể làm trầm trọng tình trạng cũ hoặc gia tăng các vấn đề về tim khác.

Ngoài ra, Covid-19 gây ra tình trạng viêm trong cơ thể, có thể dẫn đến suy yếu cơ tim, nhịp tim bất thường và thậm chí hình thành cục máu đông trong mạch máu.

Kiem tra tim mach hau Covid-19 anh 1

Ngay cả những người mắc Covid-19 nhẹ cũng có thể gặp phải các vấn đề về tim mạch sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Indiatimes.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh được đăng tải trên tạp chí Oxford cho thấy gần 50% số người nhập viện do mắc Covid-19 nghiêm trọng bị tổn thương tim vài tháng sau khi khỏi bệnh. Nghiên cứu phát hiện những người này có mức troponin tăng cao, dấu hiệu cho thấy có vấn đề về tim.

Troponin về cơ bản là thước đo mức độ tổn thương của cơ tim. Vì vậy, khi cơ tim chết đi, như trong cơn đau tim hoặc bị viêm rõ rệt, các tế bào cơ tim thực sự vỡ ra, sẽ giải phóng loại enzym gọi là troponin. Thông thường, khi một người nhập viện cấp cứu vì đau tức ngực, các y bác sĩ sẽ xét nghiệm troponin trong máu của bệnh nhân để xem có bị đau tim hay tổn thương cơ tim hay không.

"Do đó, việc kiểm tra tim sau khi hồi phục của bệnh nhân trở nên quan trọng", tiến sĩ Ravi Kumar, chuyên gia tư vấn cao cấp và trưởng nhóm lâm sàng, Suy tim và Ghép tạng, Trung tâm chăm sóc sức khỏe MGM Healthcare (Ấn Độ), nhận định.

Đối với những bệnh nhân mới xuất hiện tình trạng đau ngực khi mắc Covid-19 hoặc bị bệnh tim nhẹ trước đó, việc kiểm tra, chụp X-quang hình ảnh có thể hữu ích. Xét nghiệm cũng có thể cho biết liệu virus có gây ra tổn thương lâu dài cho cơ tim hay không. Việc kiểm tra này được khuyến cáo ở cả những người chỉ gặp các triệu chứng Covid-19 nhẹ.

Các dấu hiệu và triệu chứng suy tim có thể bao gồm: Hụt hơi; mệt mỏi và suy nhược; sưng ở chân, mắt cá chân và bàn chân; nhịp tim nhanh hoặc không đều; giảm khả năng tập thể dục; ho dai dẳng; tăng nhu cầu đi tiểu; tăng cân rất nhanh do giữ nước; chán ăn và buồn nôn.

Mặc dù những dấu hiệu này có thể do suy tim, nhiều nguyên nhân khác có thể xảy ra, bao gồm các tình trạng tim đe dọa tính mạng khác. Do đó, bạn không nên tự chẩn đoán, thay vào đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và ổn định tình trạng của mình.

Cải thiện chức năng tim mạch hậu Covid-19

Người bệnh sau khi khỏi Covid-19 cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát huyết áp để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Dịch Covid-19

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm