Thực tế, các chương trình sống còn tuyển chọn thần tượng đã bắt đầu xuất hiện ở Kpop khoảng từ hơn 10 năm trước với những cái tên đã trở thành huyền thoại như Big Bang và 2PM. Tuy nhiên, các chương trình này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ từ sau thành công của series Produce 101 với các nhóm nhạc như I.O.I, WANNA ONE, IZ*ONE, X1.
Thực trạng
Những năm gần đây, chương trình thực tế sống còn liên tục chiếm sóng truyền hình Hàn Quốc từ trung ương đến đài cáp.
Seo Jeong Min - nhà phê bình nhạc pop cho biết trên Mydaily: “Khán giả truyền hình ngày nay trở nên nghiện xem những chương trình sống còn. Cơn nghiện này thậm chí còn vượt qua sự quan tâm đến các chương trình âm nhạc - một yếu tố quan trọng trong ngành công nghiệp Kpop”.
Theo chuyên gia họ Seo, các chương trình âm nhạc đang dần trở nên nhàm chán vì không có yếu tố cạnh tranh giữa các thí sinh tham gia.
Show sống còn Road To Kingdom đang thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả truyền hình. Ảnh: Mnet. |
Chỉ tính riêng trong năm nay, có đến 3 chương trình sống còn đã được công bố lên sóng. Trong đó, Road To Kingdom —một chương trình sống còn của Mnet dành cho các nhóm nhạc nam đã thành danh đang thu hút sự chú ý của khán giả.
Tiếp nối Road To Kingdom, SBS's Loud - chương trình sống còn nhằm tạo ra các nhóm nhạc nam cho JYP Entertainment và P.NATION sẽ lên sóng vào tháng 6. Ngoài show sống còn của các nhóm nhạc nam, Mnet sẽ tiếp tục là đơn vị sản xuất chính của show sống còn tuyển chọn thành viên nhóm nữ mang tên Girls Planet 999.
Sự phát triển mạnh mẽ của các show sống còn trong vài năm gần đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thay đổi số phận của nhiều công ty cũng như nghệ sĩ tại Kpop.
Thực tế, các show sống còn đã giúp nhiều thực tập sinh có thể chạm tới ước mơ debut sau nhiều năm rèn luyện khổ cực. Nhiều idol từng ra mắt, dù sở hữu cả tài năng lẫn ngoại hình song lại chưa có may mắn được khán giả chú ý cũng như vậy mà được trao thêm cơ hội.
Thành công đến sớm sau game show
Nhìn vào đội hình WANNA ONE - một trong những nhóm nhạc bước ra từ series Produce có sự nghiệp thành công vang dội ở Kpop, không khó để nhận ra rằng đa số họ đều xuất thân từ các công ty không mấy danh tiếng ở Hàn Quốc.
Đặc biệt, với 2 thành viên từng debut nhiều năm trước đó là Hwang Min Hyun và Ha Sung Woon, việc tham gia Produce 101 chính là cơ hội cuối cùng để họ vẽ tiếp ước mơ còn đang dang dở.
Những nhóm nhạc bước ra từ show sống còn đều gặt hái được những thành tựu ấn tượng ngay sau khi ra mắt. Ảnh: Naver. |
Produce 101 mùa 2 cũng đã chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của NU'EST trước bờ vực tan rã. Sau khi chương trình lên sóng, danh tiếng của cả 4 thành viên đều lên nhanh như diều gặp gió.
Một trong những bài hát được phát hành ngay ở thời điểm mới ra mắt vào năm 2013 - Hello đã bất ngờ leo thẳng lên những vị trí top đầu trên các BXH nhạc số nổi tiếng Hàn Quốc. Bên cạnh đó, số lượng fan của nhóm cũng tăng gấp đôi giai đoạn trước khi tham gia chương trình.
Theo Korea Times, chương trình sinh tồn còn đưa khán giả đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Với hình thức cạnh tranh giữa từng cá nhân, show sống còn được coi là giải pháp lý tưởng cho các công ty lựa chọn thực tập sinh ra mắt một cách khách quan.
Trang tin này cũng cho biết việc tổ chức show sống còn giúp các đơn vị tổ chức có thể tiết kiệm thời gian, hạn chế chi phí cho việc tuyển chọn và lên lịch casting như những cuộc thi thử giọng trực tiếp khác.
Produce 101 đã vực dậy sự nghiệp của NU'EST. Ảnh: Dispatch. |
Đối với nhà đài, họ cũng thu được lợi nhuận lớn từ các chương trình này. Không chỉ là lượng người xem ấn tượng, các show thực tế thu hút hàng loạt quảng cáo có giá trị lớn, mang lại lợi ích tài chính đáng kể cho nhà mạng độc quyền phát sóng. Thậm chí, những khoản lợi nhuận đó vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả sau khi chương trình đã ngừng phát sóng.
Nhà phê bình âm nhạc Han Dong Yoon giải thích rằng các bài hát nổi bật trên các chương trình sống còn đều nhanh chóng lọt top đầu trên các BXH âm nhạc trực tuyến trong nhiều tháng và thu hút lượt xem đông đảo trên YouTube. Ông còn khẳng định với tất cả yếu tố trên, các đài truyền hình đều có thể kiếm được nguồn lợi nhuận ổn định.
Cạnh tranh và áp lực cho chính nhà đài
Chia sẻ với Korea Times, các chuyên gia Kpop tin chắc rằng các show thực tế sống còn sẽ tiếp tục gia tăng số lượng và mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Chuyên gia âm nhạc Han Dong Yoon cho rằng các thành viên ngoại quốc có thể giúp một nhóm nhạc Kpop xây dựng cơ sở người hâm mộ toàn cầu mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, nhiều chương trình dành cho những ca sĩ không phải người Hàn Quốc cũng sẽ được tạo ra trong tương lai".
Mới đây, SM Entertainment và CJ ENM đã công bố bắt đầu sản xuất các chương trình sống còn tại Hoa Kỳ và Mỹ Latinh. Như vậy, NCT sẽ có thêm một đơn vị mới - NCT Hollywood, gồm những nhân tố được tuyển chọn từ chương trình sống còn của công ty này tại Mỹ.
NCT sẽ tuyển chọn đội hình mới thông qua show sống còn tại Mỹ. Ảnh: SM. |
Tuy nhiên, sự xuất hiện dày đặc của các show truyền hình lại khiến khán giả nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Bởi theo chuyên gia Seo Jeong Min, các chương trình phát sóng trên truyền hình đều khó khăn trong việc thay đổi hình thức cũng như nội dung bản gốc.
Bởi vậy, giới chuyên môn cho rằng cần phải cẩn thận để khắc phục những "mảng tối" ở show sống còn. Nhà phê bình họ Seo nói rằng các thí sinh cần được coi trọng hơn thay vì lợi dụng họ như một công cụ để tăng lượng người xem. Trong khi đó, chuyên gia họ Han đưa ra lời khuyên cho các nhà sản xuất nên tôn trọng sự thật ở những show thực tế thay vì cố gắng biên tập nhằm mục đích tăng rating.