Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ảnh: Pexels. |
Phát biểu tại buổi mít tinh hưởng ứng "Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng thuốc (AMR) (18-24/11)", Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh kháng thuốc hiện là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững.
Nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, kết quả giám sát kháng thuốc gần đây cho thấy tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Tại buổi lễ, bà Erin Kenny, Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân, đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh trong lĩnh vực y tế, kháng thuốc đe dọa nhiều thành tựu của y học hiện đại. Nó khiến các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm cho các thủ thuật và điều trị y tế khác - như phẫu thuật, sinh mổ và hóa trị liệu ung thư - trở nên nguy hiểm hơn.
"Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống y tế và nền kinh tế. Ví dụ, nó làm tăng nhu cầu chăm sóc tích cực và tốn kém hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động của bệnh nhân hoặc người chăm sóc thông qua thời gian nằm viện kéo dài và gây hại năng suất nông nghiệp," bà Kenny nói.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi mít tinh. Ảnh: BYT. |
Phó đại sứ của Đại sứ quán Anh và Bắc Irland, ông Marcus Winsley, cho biết nhiều yếu tố đã đẩy nhanh mối đe dọa kháng kháng sinh trên toàn thế giới, bao gồm việc sử dụng quá mức và sử dụng sai mục đích ở người, vật nuôi và nông nghiệp, cũng như khả năng tiếp cận kém với nước sạch và vệ sinh.
Kháng thuốc có tác động đáng kể đến sức khỏe con người, động vật và an ninh lương thực, đồng thời có liên quan đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm. Các mầm bệnh kháng thuốc là mối đe dọa đối với mọi người ở mọi nơi.
Kế hoạch hành động
Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật và thực vật là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển nhiễm trùng kháng thuốc. Thiếu thực hành kê đơn thuốc hợp lý và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng góp phần vào tình trạng này.
Ví dụ, thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn nhưng không thể tiêu diệt các nhiễm trùng do virus như cảm lạnh hoặc cúm. Nhưng thông thường, kháng sinh vẫn được kê đơn cho những trường hợp đó hoặc sử dụng mà không có sự giám sát y tế thích hợp. Thuốc kháng sinh cũng thường được sử dụng quá mức ở trang trại và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thiếu tiếp cận với nguồn nước sạch, vệ sinh cho cả con người và động vật tại các cơ sở y tế, trang trại và cộng đồng cũng như việc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng không đầy đủ sẽ thúc đẩy sự xuất hiện và lây lan của nhiễm trùng kháng thuốc.
Để hạn chế tình trạng này, năm 2023, tại Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025.
Theo ông Trần Văn Thuấn, để đạt được các mục tiêu này, ngành y tế và chính quyền địa phương cần huy động, hỗ trợ tài chính và nguồn lực để triển khai kế hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, cung cấp các tài liệu hướng dẫn chi tiết và dễ áp dụng cho các cơ sở y tế.
Ngoài ra, sự phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp, môi trường và các cơ quan liên quan, là yếu tố then chốt bảo đảm kế hoạch, chiến lược quốc gia được thực hiện thành công.
Bộ Y tế cũng kêu gọi toàn bộ ngành y tế tại tất cả tỉnh thành triển khai thực hiện chiến lược này để bảo vệ sức khỏe của người dân hiện tại và sức khỏe của các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.