1. Món thịt đông ngày Tết mang ý nghĩa gì?
Món thịt đông trong như thạch sẽ mang đến sự thuận lợi, trong trẻo cho vận mệnh của người ăn suốt một năm mới. Ngoài ra, sự gắn kết giữa các nguyên liệu thành một khối thống nhất còn là biểu tượng cho tình gắn kết, hòa hợp nên món thịt đông còn là lời chúc may mắn dành cho các cặp đôi. Ảnh: Vũ Hương Giang. |
2. Vì sao thịt đông là món ăn phù hợp với miền Bắc?
Thịt đông là món ăn yêu cầu giai đoạn ủ lạnh để để phần nước bì giúp món ăn đông lại thành hình. Ở miền Bắc vào dịp Tết, khí hậu rất lạnh, nên rất phù hợp để nấu và bảo quản thịt đông. Ảnh: Healthline. |
3. Vì sao người Việt tin rằng ăn xôi gấc sẽ mang đến may mắn cho năm mới?
Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ là màu của may mắn. Vì thế, sắc đỏ đã được chọn làm tông màu chính cho mọi mùa Tết Việt, từ đồ trang trí, trang phục đến quà tặng. Điều này cũng không ngoại lệ trên bàn ăn. Trong bữa tiệc ngày Tết mà không có chút sắc đỏ của xôi gấc thì người dự tiệc, ai ai cũng sẽ cảm thấy chưa trọn vẹn. Ảnh: Rich Moon. |
4. Theo truyền thuyết, bánh chưng ra đời vào thời Hùng Vương thứ mấy?
Theo sự tích về nguồn gốc bánh chưng của người Việt, Vua Hùng thứ 6 sau khi phá xong giặc Ân, đã tập hợp hai mươi hai vị quan lang công tử lại để đưa ra thử thách xem ai là người đem đến món cao lương mỹ vị nhất. Ai làm vừa lòng người nhất sẽ được chọn làm người kế vị. Trong các vị công tử đó, chàng Lang Liêu nghèo đã mơ thấy thần linh chỉ dẫn cho cách làm loại bánh tượng trưng cho đất, gọi là bánh chưng. Ảnh: Truyện kể bé nghe. |
5. Ý nghĩa của bánh chưng trong dịp Tết là gì?
Gạo là thực phẩm quý giá với người Việt, vì vậy việc sử dụng gạo làm bánh hình vuông, hình dáng tượng trưng cho đất trong quan niệm người Việt xưa, mang hàm ý tái hiện hình ảnh thiên nhiên, đất nước. Hình ảnh gạo nếp bọc nhân bên trong nhằm ngụ ý công dưỡng dục, bảo bọc của cha mẹ. Gói và cúng bánh chưng vào ngày Tết là thể hiện lòng trân trọng, biết ơn của mỗi người dành cho cha mẹ, đất nước đã nuôi dưỡng mình. |
6. Thịt kho tàu có nguồn gốc từ đất nước nào?
Dù có tên là thịt kho tàu nhưng chữ "tàu" ở đây không mang ý nghĩa chỉ người Trung Quốc. Món ăn này là một món ăn thuần túy của Việt Nam. Ảnh: Angelina Natalya Hemard. |
7. Vì sao món thịt kho tàu lại có cái tên này?
Theo nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, chữ “tàu” nói theo ngôn ngữ miền Tây có nghĩa là “mặn ngọt lờ lợ”. Những dòng sông có nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ mình gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới thì gọi là sông Cái Tàu Hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu vì những sông này có nước lờ lợ. Món thịt kho này có 2 vị mặn ngọt hòa quyện gây cảm giác lờ lợ, nên người dân gọi là thịt kho tàu. Ảnh: Azerai Hotel Can Tho. |