Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nam giới đồng tính nhiễm HIV ngày càng nhiều?

Các báo cáo gần đây cho thấy nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất tại Việt Nam.

Tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV gia tăng nhanh là một trong những lo ngại lớn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ dương tính HIV trong cộng đồng MSM khoảng 3% nhưng đến nay, con số này khoảng 12-15%, đặc biệt, tỷ lệ nhiễm mới cao.

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Võ Triều Lý, khoa Nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ này tăng cao.

Nguyên nhân?

Theo bác sĩ Triều Lý, hành vi quan hệ tình dục trong nhóm MSM khá phức tạp. Về mặt sinh học, quan hệ tình dục qua đường hậu môn dẫn đến khả năng lây nhiễm HIV cao nhất do niêm mạc hậu môn mỏng, niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch, dễ bị tổn thương, chảy máu. Bộ phận này cũng không có các tuyến tiết chất nhờn để bôi trơn nên dễ bị trầy xước trong quá trình quan hệ.

Thông qua các tổn thương, virus HIV sẽ xâm nhập từ người nhiễm HIV sang người lành. Mặt khác, họ có xu hướng quan hệ tình dục không an toàn theo nhóm, thường xuyên thay đổi bạn tình, tiêm chích ma tuý, không chỉ quan hệ tình dục với nam mà còn cả với nữ. Đường lây của nhóm này thường chồng chéo nên tình trạng khó kiểm soát hơn.

Ngoài ra, những người này thường mắc kèm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, lậu… Những bệnh lý này góp phần gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

nam quan he tinh duc dong gioi nhiem HIV anh 1

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Triều Lý, khoa Nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.Huệ.

Trước đây, khoa Nhiễm E có lượng bệnh nhân điều trị nội trú cao, sau đó giảm xuống vì đối tượng dùng ma túy giảm dần. Hiện nay, số lượng bệnh nhân nội trú tăng trở lại đáng kể mà chủ yếu thuộc nhóm MSM.

Hiện tại, trong khoảng 70 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối điều trị tại khoa Nhiễm E, số bệnh nhân nữ chưa đến 10 người.

Trong số các bệnh nhân nam còn lại, khoảng 1/3 trường hợp lây nhiễm do quan hệ tình dục khác giới, tiêm chích ma túy. 2/3 trường hợp lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục đồng giới.

"Hành vi sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích, thói quen không sử dụng bao cao su đã làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV trong nhóm này. Hơn thế, bản thân người MSM có nhu cầu quan hệ tình dục lớn nhưng nhiều người chủ quan, không chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và bạn tình", bác sĩ Lý cho biết.

nam quan he tinh duc dong gioi nhiem HIV anh 2

Phần lớn nam quan hệ tình dục đồng giới không hoặc rất ít sử dụng biện pháp bảo vệ. Ảnh: Sfaf.

Yếu tố còn lại khiến tình trạng bệnh nhân HIV thuộc nhóm MSM gia tăng liên quan vấn đề cảm xúc. Thông thường, dù biết có nguy cơ rất cao lây nhiễm HIV, những người này không muốn sử dụng các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là bao cao su vì không đạt đến cảm xúc trong quan hệ.

Biện pháp phòng bệnh

Bác sĩ Lý cho biết khó khăn lớn nhất trong việc điều trị HIV ở nhóm MSM là có bệnh lý lây truyền qua đường tình dục đi kèm như giang mai, sùi mào gà…

"Một số bệnh thuộc chuyên khoa đặc thù, chúng tôi cần hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Chẳng hạn, bệnh nhân bị viêm võng mạc do virus CMV cần được hội chẩn với khoa Mắt để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ mù lòa vĩnh viễn cho người bệnh", bác sĩ Lý cho biết.

Nam bác sĩ cho biết dù bệnh nhân nhiễm HIV có sự thay đổi từ người tiêm chích ma túy, mại dâm sang MSM, song mỗi nhóm đều có bệnh cảnh và khó khăn riêng.

nam quan he tinh duc dong gioi nhiem HIV anh 3
Việc chăm sóc bệnh nhân HIV hiện nay giảm nguy cơ phơi nhiễm, song sự kỳ thị trở thành rào cản lớn. Ảnh: Shutterstock.

Với người tiêm chích ma túy, nguy cơ lớn nhất là khi họ lên cơn nghiện, những hành động không kiểm soát có thể vô tình khiến nhân viên y tế bị phơi nhiễm. Ngoài ra, nhóm này cũng có tình trạng đồng nhiễm virus viêm gan B và C. Các bác sĩ cần đánh giá tình trạng viêm gan cẩn thận nhằm lựa chọn thuốc điều trị thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) phù hợp và lên kế hoạch điều trị bệnh lý viêm gan virus đi kèm.

Với những người thuộc nhóm MSM, việc chăm sóc cho họ tương đối ít căng thẳng hơn do đa phần họ có trình độ học vấn tốt, ít liên quan sử dụng ma túy. Vì vậy, nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế giảm đáng kể.

Với sự phát triển của khoa học, chúng ta có thuật ngữ mới là dự phòng trước phơi nhiễm HIV - PrEP - đang góp phần giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm HIV. Tuy nhiên, bác sĩ Lý khuyến nghị đây không phải là thần dược như nhiều người lầm tưởng.

"Thuốc kháng siêu vi nói chung và thuốc dự phòng trước phơi nhiễm PrEP nói riêng phải được dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng và điều trị không đúng chỉ định, đặc biệt là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Khi đó, nếu bệnh nhân dương tính với HIV, việc điều trị trong tình trạng kháng thuốc sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều", bác sĩ Lý phân tích.

Chuyên gia này cho biết PrEP thường được chỉ định chủ yếu cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người chuyển giới. Trước đó, những trường hợp nguy cơ cao sẽ được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm tầm soát HIV và chỉ định thuốc phù hợp. Trong quá trình sử dụng PrEP, người dùng sẽ được kiểm tra HIV định kỳ.

"Bệnh nhân đến bệnh viện phải được chăm sóc như người không bị nhiễm HIV, nghĩa là không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Bệnh nhân HIV rất cần được tác động tâm lý tích cực, thấu cảm từ xã hội, động viên từ gia đình. Đến với cơ sở y tế, bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối như sắp rơi xuống vực thẳm được nắm tay kéo lên. Trong cuộc chiến giành sinh mạng cho bệnh nhân, nhân viên y tế tốn nhiều sức lực và đôi khi có thể bị tổn thương như phơi nhiễm với mầm HIV, lao nhưng với chúng tôi, điều quan trọng hơn cả là có thêm một sinh mạng được cứu sống", bác sĩ Triều Lý chia sẻ.

Vì sao HIV/AIDS rất khó chữa? Người bệnh HIV trở nên suy yếu theo thời gian qua đó tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

Thế nào là phơi nhiễm HIV?

Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, việc xử lý sau phơi nhiễm rất quan trọng, giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc HIV.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm