Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ngày càng nhiều clip đọa đày trẻ mầm non?

Sự việc trẻ mầm non ở trường MN tư thục Phương Anh, P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM bị hành hạ dã man một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý nhóm lớp mầm non ngoài công lập.

Dư luận chưa hết đau xót, phẫn nộ sau vụ bé Đỗ Nhất Long (SN 2012) bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ giẫm đạp đến chết vì bé quấy khóc trong lúc ăn cơm thì lại kinh hoảng khi xem clip đày đọa dã man trẻ mầm non tại một trường tư thục tại TP.HCM.

Thông tin ban đầu cho biết trường MN tư thục Phương Anh do bà Lê Thị Đông Phương quản lý hoạt động không phép. Trong tháng 11/2013 phường Hiệp Bình Phước cũng đã kiểm tra, nghiêm cấm hoạt động nhưng trường vẫn lén lút hoạt động.

Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo những nguy hiểm, rủi ro rình rập những nhóm lớp mầm non ngoài công lập ở nhiều đô thị lớn trên cả nước.

Quản lý lỏng lẻo

Trẻ mầm non bị hành hạ tại TP.HCM. Ảnh Tuổi Trẻ.

Sáng 17/12, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Nếu đây là trường được cấp phép, khâu quản lý và trách nhiệm của nhà trường rất chặt chẽ. Từ trước đến nay chưa từng xảy ra sự việc tương tự ở các trường. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại nhiều nhóm lớp trông giữ trẻ tự phát, không được cấp phép, hoạt động chui khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn”.

Giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc trẻ mầm non, giảm áp lực tại các trường công, tạo điều kiện cho người lao động ở các khu công nghiệp tại các đô thị lớn nhưng những nhóm lớp mầm non ngoài công lập ở Hà Nội, TP.HCM… đã và đang tồn tại nhiều bất cập, rủi ro.

Trước đó, trong hội thảo bàn về việc tăng cường quản lý các nhóm lớp mầm non ngoài công lập hồi tháng 10/2013 của Hà Nôi, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng GD Mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, hiện nhiều cơ sở còn tồn tại manh mún, xen kẽ trong các khu dân cư do đó cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy định. Cán bộ tổ giáo dục mầm non các phòng giáo dục còn mỏng dẫn tới quản lý còn mỏng.

Nhiều xã phường việc quản lý các cơ sở nhóm, lớp chưa thường xuyên và triệt để, chưa kiên quyết đình chỉ các cơ sở mầm non tư thục không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Một số cơ sở đầu tư chưa tương xứng với quảng cáo nhưng thu học phí cao, đội ngũ quản lý không ổn định.

Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận: “Theo phân cấp quản lý, UBND xã, phường, thị trấn quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn; phòng GDĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Tuy nhiên, ở một số nơi, UBND phường, xã chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý các nhóm lớp tư thục, dẫn tới tình trạng các nhóm lớp chưa được cấp phép vẫn tồn tại và hoạt động hoặc chưa kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho trẻ em. Mặt khác, sự phối hợp giữa phòng GD-ĐT với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra”.

Dễ rủi ro

Bà Bùi Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông, Hà Nội xót xa khi thực tế rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào với trẻ được trông giữ tại các nhóm lớp mầm non ngoài công lập khi chủ nhóm lớp mầm non ngoài công lập ngoài trình độ thấp, giáo viên ngoại tỉnh và liên tục bỏ việc…

Bà Trần Lan Anh (chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc nêu thực tế một số chủ lớp mầm non trên địa bàn quận là người bán thịt lợn, thậm chí có người ghi lô đề. Quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu chủ nhóm lớp có trình độ tốt nghiệp THCS (hết lớp 9).

Cũng tại buổi họp này, bà Lý Thị Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục MN (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Điều lệ trường mầm non ra đời khi hệ thống trường ngoài công lập chưa phát triển lắm và điều kiện thực tế lúc đó lại đang cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Bộ sẽ rà soát lại văn bản và xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi bất cập về yêu cầu trình độ của chủ nhóm lớp mầm non”.

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đưa lời khuyên: “Trước hết, phụ huynh có con gửi trẻ cần phải tìm hiểu, xem xét thật kỹ trước khi gửi con mình đến nhóm lớp, đừng chỉ vì tiện, rẻ, mà gửi con thiếu suy tính.

Trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, khu dân cư trong việc giám sát, phát hiện kịp thời những nhóm lớp mở chui. Đồng thời, công khai trên các phương tiện truyền thông các nhóm lớp được cấp phép để phụ huynh biết và lựa chọn".

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm