Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi ngành du lịch sau 2 năm lao đao vì dịch. Tín hiệu từ người dân trong nước khá khả quan khi nhu cầu du lịch cao, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Một số chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc, giá vé được nhận xét "đạt đỉnh" khi lên tới hơn 8 triệu đồng/người/khứ hồi. Trong khi đó, khách quốc tế cũng đã trở lại dù còn "nhỏ giọt" do đã hết mùa du lịch chính.
Giữa bức tranh phấn khởi của ngành du lịch, vẫn còn đó nhiều nỗi lo cho các nhà quản lý khi nhân sự thiếu hụt. Người lao động không còn ưu tiên ngành du lịch sau khi nhìn thấy cảnh điêu đứng suốt 2 năm qua.
Đảo lộn vì dịch
Vào năm 2018, ngành du lịch đóng góp 319 triệu việc làm trên toàn thế giới - tương đương 10% việc làm toàn cầu. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, ngành này gần như đã "chết" hoặc chịu tổn thất lớn vì đại dịch. Điều đó đồng nghĩa số lao động mất việc là rất lớn.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng ngành du lịch do đại dịch Covid-19 khiến 5 nước tại châu Á mất đi 1,6 triệu việc làm trong năm 2020. Tổn thất việc làm liên quan đến du lịch cao gấp 4 lần so với tổn thất việc làm trong các ngành khác. Giám đốc ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết tác động của Covid-19 đối với du lịch trong khu vực là “cực kỳ thảm khốc”.
Trong bài tham luận "Những vấn đề đặt ra đối với nhân lực du lịch trong giai đoạn mở cửa và phục hồi du lịch", GS.TS Nguyễn Văn Đính (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho biết Việt Nam nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch.
Tình hình lao động du lịch Việt Nam trong năm 2020. Dù đến năm 2022, du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi, khó khăn trong vấn đề nhân sự vẫn là rất lớn. Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam. |
3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019. Cả năm 2021, chỉ có 157.300 lượt khách quốc tế tới Việt Nam. Thống kê của khách nội địa có phần khả quan hơn nhưng cũng cho thấy sự sụt giảm chóng mặt.
Lượng khách ít dẫn đến tổng thu của ngành du lịch xuống dốc không phanh. Do đó, trong năm 2021, gần 60% lao động du lịch mất việc và 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động.
"Thông qua một cuộc điều tra chọn mẫu ở TP.HCM, tôi nhận thấy một lực lượng lao động du lịch không nhỏ sẽ chuyển nghề. Hơn nữa, một lực lượng lao động có kinh nghiệm, trình độ cao cũng đã chuyển nghề và ổn định với công việc khác. Như vậy, việc thiếu nhân lực trong ngành du lịch, kể cả nhân lực chất lượng cao là điều Việt Nam không thể tránh khi mở cửa và phục hồi du lịch", ông Đính nói.
Mức lương thấp
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội, cho biết việc không hoàn thiện lại bộ máy, tuyển mới và đào tạo nhân sự sẽ tạo ra lỗ hổng lớn cho doanh nghiệp. Sau 2 năm dịch, nhiều người làm du lịch đã bỏ nghề, tìm kiếm công việc mới và có cuộc sống ổn định hơn.
"Doanh nghiệp đã chịu nhiều tổn thất trong đợt dịch, duy trì được đến nay là tốt lắm rồi. Muốn trả lương cao cho nhân sự giờ cũng khó. Ngay từ đầu, chúng tôi mong đội ngũ nhân sự chia sẻ với doanh nghiệp. Họ có thể phải bắt đầu với mức lương cơ bản hoặc từ con số 0", ông Bảy trả lời.
Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2022 (VITM Hà Nội 2022), nhiều doanh nghiệp thay vì chỉ bán tour, combo đã làm luôn việc tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, tình hình không quá khả quan. Các ứng viên tỏ ra e dè với mức lương không quá cao và tính bất ổn trong ngành du lịch.
Ứng viên băn khoăn liệu ngành du lịch có thể trở lại như xưa không. Ảnh: Lux Group. |
Một trong những câu hỏi được ứng viên đặt ra nhiều nhất với các doanh nghiệp là: "Ngành du lịch có thể đem lại tương lai tốt không?". Đó là câu hỏi không dễ để trả lời lúc này. Không ai có thể nói trước Covid-19 còn gây ra tác động xấu nào đến du lịch toàn cầu không.
Theo ông Vũ An Dân, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển du lịch trường Đại học Mở Hà Nội, các biến cố, đại dịch từng có trong lịch sử không gây ra được những khoảng gián đoạn như đại dịch Covid-19.
Suốt 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tấn công theo "nhiều đợt sóng". Chúng ta chưa phát hiện được quy luật để nhận biết khi nào sẽ có khoảng dừng. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng không biết biến cố sẽ đến lúc nào để hoạch định nhân sự một cách phù hợp.
Bản thân các nhân sự có kinh nghiệm cũng hiểu rõ tính bất ổn của ngành du lịch. Chia sẻ với Zing, nhiều người cho biết họ sẽ không trở lại nếu tình hình chưa thực sự ổn định. Có quá nhiều rủi ro để bắt đầu lại với nơi từng khiến mình điêu đứng trong 2 năm qua.
Số nhân sự trẻ, ít kinh nghiệm có thể chấp nhận hoàn cảnh lúc này. Tuy nhiên, đổi lại, doanh nghiệp phải tốn thời gian 3-6 tháng cho việc đào tạo. Đó là chưa kể những người mới sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
"Kinh nghiệm của những người trẻ không bằng nhưng có thể bù đắp. Cái thuận lợi họ mang lại là việc tiếp thu nhanh, dễ theo guồng của công ty. Với những nhân sự có thâm niên, muốn sự ổn định, họ chưa sẵn sàng trở lại", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nói.
Ngành du lịch có tốt không?
Từ phía các nhà quản lý, họ vẫn tin du lịch sẽ không bao giờ chết. Dù mọi thứ khá tệ trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp vẫn bước tiếp và đang trong quá trình phục hồi lại như cũ. Theo đánh giá của các chuyên gia, phải tới năm 2025, du lịch Việt Nam mới trở lại như thời đỉnh cao năm 2019, trong trường hợp không có biến cố lớn nào xảy ra.
Dù thời điểm này, xuất phát điểm của nhân sự du lịch có thể không cao, tương lai tốt đẹp trước mặt vẫn đang chờ đợi họ.
Ông Bảy chia sẻ: "Câu hỏi được đặt ra là làm sao để tin ngành du lịch sẽ trở lại như xưa? Bản thân mỗi doanh nghiệp đều có kế hoạch chi tiết để thuyết phục các ứng viên. Ngay ở công ty tôi, ứng viên có thể nhìn thấy sự bền vững của doanh nghiệp. Ban đầu, các bạn có thể chưa có gì, nhưng rồi sẽ nhận lại thành quả xứng đáng".
Du lịch Việt Nam đang phục hồi nhưng người lao động vẫn cần được đảm bảo để trở lại. Ảnh: Anh Tú. |
Hiện tại, tốc độ phục hồi du lịch của Việt Nam đang khá nhanh. Dịp lễ giỗ Tổ hay sự trở lại của khách quốc tế, các chuyến đi du lịch nước ngoài phần nào chứng minh điều đó. Tuy nhiên, những lời hứa vào một tương lai không chắc chắn không dễ khiến các ứng viên tin tưởng.
GS.TS Nguyễn Văn Đính cho biết để phục hồi và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mở cửa, doanh nghiệp cũng cần có sự đảm bảo cho người lao động để họ yên tâm làm việc.
Song song với đó, ông Đính cũng đặt ra yêu cầu đào tạo mới và đào tạo lại cho người lao động. Đại dịch đã thay đổi cách làm việc của ngành du lịch và nhân sự mới lẫn nhân sự cũ trở lại đều cần bắt nhịp guồng quay mới. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Theo Tổng cục du lịch Việt Nam, năm 2022, Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Qua đó, tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm.
Về khách du lịch: Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế 12-14%/năm và khách nội địa 6-7%/năm.