Bức ảnh người phụ nữ ngủ quên trên ghế ở showroom lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Bastillepost. |
Đầu tháng 12, bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy một phụ nữ cuộn tròn trên chiếc ghế dài trong phòng trưng bày Ikea ở Hong Kong, Trung Quốc, xung quanh là đồ trang trí Giáng sinh đã tóm gọn cảm giác của nhiều người trong mùa lễ hội: mệt mỏi và căng thẳng.
Tuy nhiên, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, hình ảnh người Hong Kong tranh thủ chợp mắt ở nơi công cộng cũng chẳng có gì lạ, nhất là trên các phương tiện giao thông như tàu điện ngầm, xe buýt, theo South China Morning Post.
Dù nhìn bề ngoài những hình ảnh này có vẻ buồn cười, nó cũng cho thấy một Hong Kong căng thẳng và thiếu ngủ. Một trong những lý do nằm ở văn hóa làm việc tại nơi này.
Trong lĩnh vực dịch vụ, người lao động thường làm việc 6 ngày/tuần và nhân viên cổ cồn trắng hay phải tăng ca. Trong khi hầu hết thời gian quy định trong hợp đồng là 9h đến 18h, áp lực xã hội kết hợp văn hóa làm thêm giờ khiến nhiều nhân viên phải làm việc đến tối muộn và vào cuối tuần.
Hong Kong cũng là một trong những nơi ô nhiễm ánh sáng tồi tệ nhất thế giới, khiến nhiều người khó ngủ.
Nhiều người Hong Kong tranh thủ chợp mắt ở mọi nơi có thể. Ảnh: SCMP. |
Để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, một số công ty đã nghiên cứu ra các giải pháp mới cho những người thiếu ngủ.
Năm 2021, một công ty du lịch ra mắt tour xe buýt ru ngủ với giá vé 13-51 USD/người, tùy thuộc vào việc họ chọn vị trí ngồi. Hành trình di chuyển kéo dài 5 tiếng, dài 76 km trên một chiếc xe buýt 2 tầng sẽ đưa khách đi vòng quanh, dừng lại ở một số địa điểm nổi tiếng để mọi người có thể chụp ảnh lưu niệm.
Tình trạng thiếu ngủ hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu của Đại học Nam Florida gần đây, được đăng trên tạp chí Annals of Behavioural Medicine cho thấy sức khỏe thể chất và tinh thần có thể xấu đi chỉ sau 3 đêm mất ngủ liên tiếp.
Các vấn đề về giấc ngủ cũng có liên quan đến tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn.
“Ở những bệnh nhân bị trầm cảm, có tới 90% phàn nàn về giấc ngủ. Mất ngủ dai dẳng khiến chứng trầm cảm trầm trọng thêm và làm tăng nguy cơ tự tử", Joey Chan Wing-yan, phó giáo sư tại khoa tâm thần học tại Đại học Hong Kong, cho biết.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.