Thống kê cho thấy mức sinh thay thế bình quân một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của cả nước là 2,05 con. Cao nhất là khu vực Tây Nguyên với 2,65 con/phụ nữ. Riêng TP HCM, mức sinh thay thế hiện thấp nhất nước và tiếp tục giảm rất nhanh, từ 1,45 con (2009) xuống 1,35 con năm 2014. “Mức sinh thay thế ở TP HCM thấp dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Đây là thực trạng cần quan tâm vì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội…” - BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết.
Từ chuyện sợ… đau đến eo hẹp kinh tế gia đìnhChị L.T.M., chủ một doanh nghiệp (34 tuổi, quận 2), cho biết con gái chị năm nay gần tám tuổi nhưng chị vẫn không có ý định sinh thêm mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Hỏi lý do, chị kể: “Tôi không thể quên những cơn đau dữ dội khi bắt đầu chuyển dạ. Khi cơn đau xuất hiện thì tôi lăn lộn, vật vã. Nhiều lúc không chịu nổi, tôi la hét, cào cấu lung tung. Nỗi đau ấy ám ảnh tôi đến giờ”.
Giải thích thêm về cơn đau khi sinh con, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP HCM, khi sản phụ chuyển dạ sẽ xuất hiện các cơn gò (co tử cung) gây đau từng cơn. Khi đứa bé sắp ra đời sản phụ càng đau hơn, thậm chí la hét, lăn lộn, vật vã.
“Sinh thường đã đau, sinh khó càng đau hơn khiến sản phụ bị ấn tượng mạnh khi quyết định sinh con thứ hai. Bên cạnh đó, không ít chị em sinh lần đầu tiên bị tai biến nặng, suýt chết nên sợ và không dám sinh thêm con” - BS Nguyễn Ngọc Thông nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi, chúc mừng một phụ nữ vừa sinh con tại BV Từ Dũ (TP.HCM). Ảnh: Trần Ngọc. |
Một trường hợp ngại sinh con khác là chị N.T.T.L. (38 tuổi, Tân Bình. TP HCM), công tác trong một cơ quan hành chính ở quận Tân Bình. Chị L. đã có con trai đầu nay đã hơn 10 tuổi. Lý do của chị là điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp.
“Chồng tôi làm cho một công ty may mặc tư nhân, lương tháng độ 5 triệu đồng. Còn tôi, lương nhà nước mỗi tháng cũng gần 5 triệu đồng. Với thu nhập của hai vợ chồng như vậy, tằn tiện lắm mỗi tháng vợ chồng tôi dành dụm được khoảng 1 triệu đồng. Tháng nào con đau mẹ ốm, giỗ quải, ma chay, cưới hỏi… là bị thâm hụt. Ông bà thường nói sinh một đứa con nghèo năm năm. Nếu tôi sinh thêm, chắc chắn gia đình sẽ thiếu trước hụt sau, con cái không được nuôi nấng tử tế” - chị L. cho biết.
Theo BS Trần Văn Trị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, điều kiện kinh tế là một nguyên nhân khá phổ biến làm ảnh hưởng nhiều đến mức sinh thay thế ở thành phố. Tại đây, đa số cặp vợ chồng công nhân, viên chức có mức thu nhập vừa đủ sống, trong khi đó sinh hoạt ở thành phố khá đắt đỏ nên khi có con cuộc sống của họ thêm chật vật. “Vì không muốn con cái thiếu thốn, thua thiệt với bạn bè nên nhiều vợ chồng quyết định không sinh con thứ hai” - BS Trị nói.
Và nhiều yếu tố tâm lý khác
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tư vấn tâm lý - Đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu, rất nhiều yếu tố đưa đến tâm lý ngại sinh con. Từ việc sợ đau cho đến sợ vất vả nuôi dạy con. Từ việc sợ mất vóc dáng cho đến hạn chế các hoạt động xã hội.
Điều này còn được tác động thêm từ môi trường bên ngoài gia đình, bởi trong xã hội hiện nay người phụ nữ đã có vai trò quan trọng hơn trong công việc, nghề nghiệp, thay vì chỉ quanh quẩn trong nhà với công việc nội trợ.
“Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hầu hết nữ sinh đã được khuyến khích tham gia những hoạt động xã hội và thăng tiến trong việc học. Bên cạnh tâm lý ngại mất ngoại hình, trở nên sồ sề sau khi sinh thì những học vị thạc sĩ, tiến sĩ là động lực thúc đẩy các nữ sinh. Hẳn nhiên, khi tập trung vào sự nghiệp, nhất là với ước vọng khát khao có bằng cấp, học vị thì chuyện con cái dù sao cũng là một gánh nặng cho chị em” - ông Khanh phân tích.
Chính những yếu tố tâm lý đó đã dần đi vào tiềm thức của các chị em. Khi lập gia đình, ngoài việc bếp núc, các chị em vẫn còn giữ nguyên nhu cầu làm việc, học tập và thăng tiến trong sự nghiệp. “Những yếu tố đó khiến rất nhiều chị em ở các thành phố lớn như TP HCM hạn chế sinh con trong khả năng có thể” - ông Khanh nói.
Nguy cơ già hóa
BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết TP HCM đang trong giai đoạn già hóa dân số. Theo dự tính, nếu mức sinh thay thế thấp kéo dài thì đến năm 2030, TP HCM sẽ rơi vào tình trạng dân số già.
Một địa phương có cơ cấu già hóa dân số khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm từ 10% dân số trở lên hoặc tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% dân số trở lên. Cơ cấu dân số già khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm từ 20% dân số trở lên hoặc tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% dân số trở lên.
Theo BS Yến, già hóa dân số hoặc dân số già dẫn đến thực trạng thiếu nguồn nhân lực, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, người già mắc nhiều bệnh tật, nhất là bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp. nên phải điều trị lâu dài, tốn kém, cần người chăm sóc. Để nâng mức sinh thay thế ở TP HCM, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con.