TS.BS Bùi Chí Thương, Giảng viên Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Từ Dũ, cho hay phụ nữ hơn 40, thậm chí trên 50 tuổi vẫn có thai không phải là chuyện hiếm.
Theo bác sĩ Thương, đáng lo ngại nhất là tình trạng phá thai ở phụ nữ lớn tuổi. Gần đây, bệnh viện từng tiếp nhận một phụ nữ 48 tuổi mang thai ngoài ý muốn. Sau khi "giải quyết hậu quả" tại một phòng khám tư, bệnh nhân này buộc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thủng ruột già. Các bác sĩ đã tiến hành làm hậu môn tạm, cứu bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch.
Qua trường hợp này, vị chuyên gia cho biết phá thai ở người lớn tuổi có hai cách nhưng đều rất dễ xảy ra tai biến. Phương pháp nội khoa có thể ra máu kéo dài trong khi nạo hút thai (ngoại khoa) gây đau, chảy máu nhiều, thậm chí băng huyết, thủng tử cung, thủng ruột, bàng quang, niệu quản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Thương cho biết độ tuổi có thai tốt nhất là từ 24-26. Sau 30 tuổi khả năng thụ thai giảm dần, đến tuổi 35 khả năng này càng giảm mạnh (chỉ bằng 1/4 so với 20-30 tuổi).
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt phụ nữ sau tuổi 40 khả năng thụ thai giảm rõ rệt nhưng vẫn có thể mang bầu. Do đó, nếu sinh con ở độ tuổi này, thai phụ cần lường trước những vấn đề có thể gặp phải.
Dưới góc độ y khoa, bác sĩ này cho rằng, mang thai khi tuổi đã cao không tốt cho cả mẹ và con. Cụ thể, thai nhi dễ bị dị tật do các bất thường nhiễm sắc thể như Down, 3 NST 13, 18. Còn người mẹ thường mắc tiền sản giật, tiểu đường kèm theo của bệnh của người trung niên như tim mạch... Những sản phụ lớn tuổi khi sinh có thể băng huyết, bị nhau tiền đạo, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trưởng phòng khám sản khoa - nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà), cũng cảnh báo phụ nữ càng lớn tuổi nguy cơ tiểu đường thai kỳ, sảy thai, sinh non, thai lưu, khó sinh, tiền sản giật, thiểu năng, dị tật ở trẻ càng cao.
Bà giải thích khi tuổi đã cao, sức khỏe cũng như chất lượng của trứng giảm dần, khả năng thụ thai kém hơn, nhau thai bám thấp dẫn đến nguy cơ sinh non. Đồng thời, độ giãn nở của khung chậu bị hạn chế, gây khó khăn cho việc mang thai và sinh nở.
Do đó, để hạn chế những biến chứng nguy hiểm, các cặp vợ chồng cần cân nhắc khi mang thai sau tuổi 35. Trong tình huống bắt buộc, người mẹ cần tiến hành một số xét nghiệm tầm soát các dị tật thai nhi và khám thai định kỳ để phát hiện biến chứng có thể gặp phải.