Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao OPEC+ quyết cắt giảm sốc sản lượng dầu

Các nước OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô nhằm duy trì giá mặt hàng này ở mức cao, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trì trệ hoặc ở bên bờ vực suy thoái.

OPEC gia dau anh 1

OPEC+ đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, được biết tới với tên gọi OPEC+, vừa đạt thỏa thuận mới về sản lượng khai thác dầu thô sau cuộc gặp hôm 4/6, trong nỗ lực nhằm ngăn giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh.

Việc giữ giá dầu ở mức cao giúp các nước OPEC+ thu lợi lớn, dù các chuyên gia kinh tế cảnh báo giá nhiên liệu cao sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Thỏa thuận mới của OPEC+

Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC+ đồng thời là nước lãnh đạo của nhóm này, cho biết sẽ cắt giảm sâu sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 7. Toàn bộ các nước OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ cho tới năm 2024 trong bối cảnh giá dầu đang lao dốc, theo Reuters.

Cụ thể, ngoài việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày mà nhóm đã đạt được trước đó, OPEC+ nhất trí sẽ cắt giảm thêm tổng cộng 1,4 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2024. Như vậy, tổng sản lượng khai thác của toàn bộ các nước OPEC+ sẽ là 40,46 triệu thùng/ngày.

Saudi Arabia là nước cắt giảm khai thác mạnh nhất. Quốc gia Trung Đông sẽ giảm khai thác từ mức 10 triệu thùng của tháng 5 xuống còn 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng nhiều năm.

OPEC gia dau anh 2

Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi muốn giá dầu tăng cao hơn. Mọi người không nên cố đoán chúng tôi định làm gì. Thị trường này cần được bình ổn", Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman tuyên bố.

Hồi tháng 4, khi OPEC+ đột ngột tuyên bố cắt giảm sản lượng, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng sốc 9 USD/thùng. Tuy nhiên từ đó tới nay, giá dầu đã liên tục giảm mạnh do thị trường lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, dẫn tới sụt giảm nhu cầu dầu mỏ.

Trong ngày 5/6, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 76 USD/thùng, tăng 4 USD so với phiên giao dịch ngày 2/6.

Kế hoạch cắt giảm sản lượng có thể khiến các nhà đầu tư bán khống dầu thô trên thị trường hàng hóa gặp rủi ro. Năm 2020, khi giá dầu lao dốc vì Covid-19, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Abdulaziz bin Salman cảnh báo những người bán khống dầu thô sẽ thiệt hại nặng.

Ông Abdulaziz nhắc lại cảnh báo này một lần nữa trước cuộc họp của OPEC+ hôm 4/6. Các nhà phân tích tin rằng cảnh báo này là dấu hiệu OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng hơn nữa, trong bối cảnh Saudi Arabia quyết giữ giá dầu ở mức cao.

Các chuyên gia kinh tế nhận định Saudi Arabi, nước lãnh đạo OPEC+, cần phải duy trì giá dầu ở mức 80 USD/thùng trở lên để có thể chi trả cho các dự án đầu tư công đắt đỏ, cũng như nhập khẩu các hàng hóa xa xỉ, theo BBC.

Áp lực giảm giá vẫn còn

Thời gian qua, giá dầu đã chịu nhiều sức ép giảm giá. Dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc đã thổi bùng lo ngại đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất dần động lực.

Lo sợ một cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng những tháng gần đây đã khiến các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro, khiến giá dầu có thời điểm giảm xuống quanh 70 USD/thùng, so với mức đỉnh 139 USD/thùng tháng 3/2022.

Giá dầu cũng chịu sức ép do lo ngại quanh thỏa thuận trần nợ công của Mỹ. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới vỡ nợ đã không còn sau khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa thuận cuối tuần trước.

OPEC gia dau anh 3

Giá dầu ở mức cao đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ảnh: Reuters.

David Fyfe, chuyên gia tổ chức nghiên cứu công nghiệp Argus Media, cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng có thể đẩy giá dầu lên trên 80 USD/thùng. Tuy vậy, Fyfe cho rằng giá dầu sẽ không thể tăng quá cao khỏi mốc nói trên bởi nhu cầu dầu thô của thị trường thế giới đang ở mức thấp.

"Tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển đang giảm mạnh, gần tới mức suy thoái kinh tế. Và tôi không nghĩ nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong vài tháng tới. Do đó, thị trường dầu sẽ không khan hiếm trong nửa cuối năm", ông Fyfe nói.

Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận hôm 4/6 của OPEC+ là tín hiệu rõ ràng nhóm này sẵn sàng hỗ trợ giữ giá dầu ở mức cao và ngăn chặn các nhà đầu cơ bán tháo.

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường khai thác dầu thô. Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến tăng 5,1%, đạt mức 12,53 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Sản lượng sẽ tăng thêm 1,3% trong năm 2024, lên mức 12,69 triệu thùng/ngày.

Việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng có thể khiến mâu thuẫn với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ tăng cao, trong bối cảnh nhiều nước đang vật lộn với cuộc chiến chống lạm phát.

Mỹ và châu Âu đã nhiều lần chỉ trích OPEC+ thao túng giá dầu, trục lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang hoành hành trên khắp thế giới. Năm 2022, Mỹ đã phải xả kho dự trữ dầu thô chiến lược để bình ổn giá dầu thế giới. Washington sau đó thông báo kế hoạch mua lại một số lượng dầu thô nhất định, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ.

Một số nước OPEC tuyên bố việc các nước phương Tây in tiền làm giảm giá trị đồng USD, buộc nhóm này phải giữ giá dầu ở mức cao để bù đắp.

Theo báo cáo của IMF, giá dầu tăng cao tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Giá nhiên liệu cao khiến mọi chi phí, từ giao thông, lương thực cho tới chi tiêu chính phủ trở nên đắt đỏ hơn.

Đồng USD có đứng vững trước làn sóng bất bình?

Đang xuất hiện một làn sóng mới chống lại quyền lực thống trị của đồng USD. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng không dễ thay thế USD trong hệ thống kinh tế toàn cầu.

Nỗi khổ tột cùng ở cuối vòng đời của thời trang nhanh

Thói quen tiêu dùng, may mặc thừa mứa tại các nước phát triển đã đẩy hàng triệu bộ quần áo cũ tới Ghana mỗi ngày, tạo ra bãi rác phục trang khổng lồ.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm