Rung nhĩ là bệnh lý gây ra do các rối loạn về điện học trong tim, hậu quả hai tâm nhĩ (hai buồng ở phía trên tim) co bóp không đều, dẫn đến tim bơm máu ra ngoài không hiệu quả, lượng máu bị tồn đọng lại trên hai tâm nhĩ tạo cục máu đông.
Cục máu đông này di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến bất cứ nơi đâu trong cơ thể, nhưng nặng nề nhất, cục máu đông di chuyển đến não, gây đột quỵ thiếu máu não - hay còn gọi là nhồi máu não.
Nguyên nhân gây rung nhĩ
Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề, nó không chỉ ảnh hưởng tới bệnh tật, tử vong mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
So với người không bị rung nhĩ, người mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 đến 3,5 lần, suy giảm nhận thức cao gấp khoảng 1,4 lần và chứng tâm thần phân liệt cao gấp 1,6 lần.
Khi thấy nhịp tim nhanh hay chậm hoặc không đều thì bạn nên đến gặp bác sĩ. |
Rung nhĩ gây ra 20-30% ca tai biến mạch não và làm giảm chất lượng cuộc sống của 60% bệnh nhân. Ngoài ra, rung nhĩ làm tăng nguy cơ suy tim, trầm cảm và làm tăng khả năng phải nhập viện để điều trị.
Nguyên nhân gây rung nhĩ chưa được hiểu đầy đủ. Song một số yếu tố nguy cơ đã được xác định là có thể thúc đẩy phát triển rung nhĩ, bao gồm:
- Tuổi tác: nguy cơ mắc rung nhĩ tăng lên theo tuổi tác, phổ biến ở người trên 65 tuổi, đặc biệt là trên 80 tuổi. Rung nhĩ ít khi xảy ra ở người dưới 60 tuổi (chỉ khoảng 1%).
- Di truyền: nguy cơ rung nhĩ tăng lên khi trong gia đình có người mắc bệnh này.
Ngoài ra những bệnh lý như: Tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch (Suy tim; Bệnh mạch vành; Bệnh van tim; Bệnh cơ tim…) dẫn đến mắc bệnh rung nhĩ.
Một số yếu tố được ghi nhận là tình trạng lạm dụng rượu bia, thuốc lá… cũng dẫn đến nguy cơ mắc rung nhĩ.
Triệu chứng của rung nhĩ?
Một số người bị rung nhĩ có thể không biết mình bị bệnh, không được chẩn đoán vì không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các triệu chứng kết thúc nhanh chóng. Những đối tượng này thường được phát hiện rung nhĩ trong bài kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khám sức khỏe vì một nguyên nhân khác.
Rung nhĩ làm nhịp tim tăng nhanh đáng kể (hơn 100 nhịp mỗi phút), đánh trống ngực, nhịp đập không đều và đây là triệu chứng rõ ràng nhất của rung nhĩ, thường có thể tự kiểm tra nhịp tim bằng cách kiểm tra mạch ở cổ hoặc cổ tay.
Các triệu chứng thường gặp khác của rung nhĩ là: người mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, cảm giác lâng lâng, choáng váng, tức ngực, khó thở…Vì vậy, khi thấy nhịp tim nhanh hay chậm hoặc không đều thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Rung nhĩ dẫn đến nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ là một trong những biến chứng nặng nề nhất của rung nhĩ. Khi bị rung nhĩ, các thớ cơ tâm nhĩ không co bóp nhịp nhàng và dần dần bị giãn ra.
Buồng tâm nhĩ giãn ra kết hợp với sự co bóp không đồng đều giữa các vùng cơ tâm nhĩ khác nhau làm cho dòng máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất không được nhịp nhàng từ đó dễ hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ. Khi các cục máu đông trong tâm nhĩ này được tạo ra và trôi theo dòng máu, nó sẽ có nguy cơ gây ra tắc mạch.
Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới não, động mạch não sẽ bị tắc và gây ra tai biến mạch não hoặc đột quỵ não. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới động mạch vành sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông đi theo dòng máu tới động mạch chi, nó sẽ gây tắc động mạch chi…
Tóm lại, rung nhĩ là một rối loạn nhịp nhĩ thường gặp với số lượng người mắc trên thế giới có xu hướng ngày càng cao. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc rung nhĩ như nam giới, tuổi cao, bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Biến cố tắc mạch trong đó có đột quỵ là một biến cố thường gặp nhưng rất nặng nề của người bệnh rung nhĩ. Người bệnh rung nhĩ cần được thăm khám y tế, đánh giá nguy cơ tắc mạch và được điều trị phù hợp để giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.
Cuốn sách xem xét quan niệm của loài người về bộ não qua nhiều thời đại, mô tả chi tiết cấu trúc và hoạt động của bộ não, phân tích cách mà hệ thống tri giác và não bộ giúp ta lý giải những cảm giác của mình về thế giới xung quanh. Ngoài ra, sách còn thảo luận về khái niệm ý thức và vai trò của cảm xúc. Đặc biệt, một chủ đề nóng hổi cũng được nhắc tới: trí tuệ nhân tạo liệu có thể sánh với trí tuệ con người?