Anh Quý (46 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu), một tài xế đường dài, thức dậy lúc 4h30 sáng như mọi ngày để chuẩn bị cho chuyến xe sớm. Nhưng lần này, anh không thể rời giường. Đột ngột lơ mơ, chân tay yếu dần rồi rơi vào hôn mê, anh được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Dù được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ xác định anh bị xuất huyết não nghiêm trọng, tiên lượng xấu. Từ người cầm vô lăng hàng chục năm, giờ đây, sau cơn đột quỵ, anh Quý nằm trên băng ca xe cấp cứu, trở về nhà trên chuyến hành trình cuối cùng của cuộc đời.
Câu chuyện của anh Quý chỉ là một trong nhiều bi kịch thầm lặng của những tài xế bị đột quỵ.
![]() |
Tài xế thường là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp và đột quỵ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Bi kịch trước vô lăng
Vào tháng 11/2024, một tài xế 30 tuổi bất ngờ gặp triệu chứng méo miệng, nói đớ khi đang lái xe. Anh được đồng nghiệp phát hiện và lập tức đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM cấp cứu.
May mắn, vẫn trong "giờ vàng" điều trị (giờ thứ hai), anh được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) để làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Nam thanh niên hồi phục sau một ngày điều trị, nhưng có lẽ cảm giác bất lực khi cơ thể bỗng chốc tê liệt, miệng méo cứng, không thể cất lời ngay trên vô lăng sẽ là ký ức tài xế trẻ tuổi không bao giờ quên.
Một trường hợp khác là tài xế xe buýt 43 tuổi tại TP.HCM, bất ngờ lên cơn co giật, ngất lịm ngay khi đang chờ đèn đỏ. Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, anh không qua khỏi.
Câu chuyện được PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ với Tri Thức - Znews. Vị chuyên gia cho biết mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 50-70 bệnh nhân đột quỵ, trong đó không ít người làm nghề tài xế.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Cúc, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những trường hợp đột ngột mất ý thức và tử vong khi đang lái xe hoặc làm việc thường liên quan đến đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim - hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đột ngột.
Bác sĩ Cúc nhấn mạnh cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù là khi ngủ, làm việc hay đang lái xe. Đặc biệt, đột quỵ thân não, chảy máu não lớn hoặc nhồi máu cơ tim đều có thể khởi phát đột ngột trong mọi hoàn cảnh, gây mất ý thức nhanh chóng, khiến nạn nhân không kịp phản ứng. Nếu xảy ra khi đang điều khiển phương tiện, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của cả bản thân và những người tham gia giao thông xung quanh.
![]() |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, hiện làm việc ở khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, một số trường hợp dị dạng mạch máu não hoặc phình mạch bất thường có thể tồn tại trong cơ thể mà người bệnh không hề hay biết. Khi những mạch máu này bất ngờ vỡ ra, áp lực đè lên các vùng quan trọng của não có thể gây ngừng tim tức thì, khiến bệnh nhân tử vong trong tích tắc mà không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Môi trường làm việc căng thẳng, yêu cầu tập trung cao độ, lịch làm việc bất thường, thường xuyên thức khuya là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm nghề này.
Ngoài các nguyên nhân trên, tăng huyết áp không được kiểm soát cũng là yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt, những người thường xuyên căng thẳng, stress khi lái xe hoặc lao động nặng dễ bị tăng huyết áp đột ngột, làm tăng nguy cơ chảy máu não và đột quỵ ngay tại thời điểm xảy ra cơn tăng huyết áp cấp tính.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo những người làm công việc có áp lực cao như tài xế cần tầm soát sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu. Việc kiểm soát tốt các bệnh này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Không bỏ qua những yếu tố nguy cơ
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, nhiều bệnh nhân nhập viện quá muộn, khi tình trạng đã nghiêm trọng, hôn mê sâu, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa tính mạng. Những người may mắn vượt qua cơn đột quỵ cũng có nguy cơ cao để lại di chứng tàn phế nặng nề. Vì vậy, bác sĩ nhấn mạnh việc tầm soát đột quỵ sớm là rất quan trọng, không nên chờ đến khi có bệnh mới chữa.
Đột quỵ có thể xảy ra do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp không kiểm soát, nhưng những nguy cơ này hoàn toàn có thể phát hiện trước nếu thực hiện tầm soát kịp thời. Bác sĩ Cúc giải thích nếu bệnh nhân có dị dạng mạch máu hay phình mạch, các bác sĩ có thể phát hiện khi chụp mạch máu não. Nếu phát hiện phình mạch hoặc dị dạng mạch trước khi vỡ, có thể can thiệp sớm để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
![]() |
Bác sĩ Cúc can thiệp mở khí quản cho bệnh nhân đột quỵ não mức độ nặng, liệt chân tay, khả năng hô hấp yếu, không thể tự thở. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, tầm soát còn giúp phát hiện hẹp mạch máu não hoặc hẹp mạch vành tim - những tình trạng có thể dẫn đến tắc mạch gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Nếu phát hiện mức độ hẹp nguy hiểm, bác sĩ sẽ có hướng điều trị sớm để ngăn chặn biến chứng nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, khi gặp trường hợp đột quỵ, việc sơ cứu đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng và tăng cơ hội sống. Người dân có thể lưu ý các tình huống sau để xử lý kịp thời:
- Trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo: Nếu người bệnh không rối loạn hô hấp, không mất ý thức, không nôn trớ, hãy đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
- Trường hợp bệnh nhân hôn mê: Kiểm tra mạch đập và hơi thở của bệnh nhân. Nếu ngừng thở hoặc mất mạch, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức, đồng thời gọi cấp cứu khẩn cấp.
- Trường hợp bệnh nhân nôn trớ hoặc có dị vật: Người sơ cứu cần loại bỏ dị vật để khai thông đường thở, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Bác sĩ nhấn mạnh tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc hay di chuyển mạnh khi chưa có hướng dẫn từ nhân viên y tế, vì điều này có thể khiến tình trạng nặng hơn. Thời gian cấp cứu đóng vai trò quan trọng, đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm, khả năng phục hồi càng cao.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cũng khuyến cáo tài xế và những người có bệnh nền nên tầm soát định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm rủi ro đột quỵ.
"Khi gặp bệnh nhân đột quỵ là tài xế, tôi luôn khuyên họ nên cân nhắc chọn một nghề khác ít áp lực hơn, không phải thức khuya hay dậy sớm sau khi phục hồi, bất kể người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường", ông chia sẻ.
Theo ông, việc tài xế từng bị đột quỵ vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông công cộng là rất nguy hiểm. Người từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát cao, và hiệu quả điều trị trong lần tái phát thường thấp hơn so với lần đầu. Đây không chỉ là vấn đề đối với sức khỏe tài xế mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách và người tham gia giao thông.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.