PTSD có thể làm tăng hormone căng thẳng của một người trong thời gian dài và gây rụng tóc. Ảnh: Everydayhealth. |
Theo Insider, căng thẳng, yếu tố di truyền và hóa trị là những nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc. Tuy nhiên, các yếu tố khác như bệnh tật hay sự tích tụ vi khuẩn cũng có thể khiến tóc bạn bị rụng.
Dưới đây là 5 nguyên nhân gây rụng tóc tiềm ẩn mà bạn cần lưu ý.
Sử dụng quá nhiều dầu gội khô
Dầu gội khô là sản phẩm hấp thụ dầu để giữ cho mái tóc của bạn trông sạch sẽ mà không cần gội lại. Nhiều loại dầu gội khô có chứa tinh bột, bột mì hay bột talc và có dạng bột hoặc đựng trong bình xịt.
Bác sĩ da liễu nói với Insider rằng việc lạm dụng sản phẩm này có thể gây rụng tóc. Dầu gội khô tích tụ trên da đầu có thể giữ vi khuẩn, gây viêm nang tóc dưới dạng nổi mụn hoặc u nang. Các u nang khô lại và trở thành vảy, phá vỡ nang tóc cũng như dẫn đến rụng tóc.
Bác sĩ da liễu Marnie Nussbaum chia sẻ với Glamour dầu gội khô có chứa cồn cũng có thể làm khô sợi tóc, khiến tóc dính vào nhau. Bác sĩ Nussbaum cho biết tóc dính vào nhau có khả năng rụng nhiều hơn khi chải so với tóc khỏe mạnh.
Bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
Theo Refinery29, các nhà tâm lý học gần đây chia sẻ PTSD có thể làm tăng hormone căng thẳng của một người trong thời gian dài, gây rụng tóc nhiều tháng sau khi họ trải qua sự kiện đau buồn.
Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây rụng tóc, Insider cho biết. Theo các bác sĩ da liễu, căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần khiến cơ thể chuyển sang chế độ sinh tồn và ngừng các chức năng không cần thiết như mọc tóc.
Tiến sĩ Furqan Raja, chuyên gia về rụng tóc, cho hay vài tháng sau khi đối mặt với một tình huống căng thẳng, tóc có xu hướng mọc trở lại. Tuy nhiên, người bị PTSD vẫn tiếp tục rụng tóc vì cơ thể họ ở trong tình trạng "căng thẳng tột độ" trong thời gian dài hơn.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với dầu diesel hay bụi có thể làm giảm mức độ tế bào quyết định sự phát triển và giữ nếp của tóc. Ảnh: Pexels. |
Covid-19
Nhiều bệnh nhân Covid-19 báo cáo tình trạng rụng tóc tạm thời, tuyên bố này được ủng hộ bởi nghiên cứu vào tháng 1/2021 trên tạp chí The Lancet. Theo nghiên cứu, rụng tóc là triệu chứng lâu dài của hậu Covid-19.
Giống như PTSD, bệnh và sốt là yếu tố gây căng thẳng khiến cơ thể "tắt" các chức năng không cần thiết, theo Học viện Da liễu Mỹ. Nhóm nghiên cứu cho biết mặc dù rụng tóc là tình trạng phổ biến trong 2-3 tháng sau khi bị sốt hoặc ốm, hầu hết mọi người thấy tóc bình thường trở lại và ngừng rụng 6-9 tháng sau khi bị ốm. Nhưng nghiên cứu mới xác định rụng tóc là triệu chứng thường gặp ở người mắc hậu Covid-19.
Giảm cân
Chế độ ăn kiêng nhất thời và nhịn ăn gián đoạn có thể dẫn đến rụng tóc cũng như sự gián đoạn khác trong các chức năng của cơ thể vì chúng lấy đi các chất dinh dưỡng thiết yếu. Theo Penn Medicine, rụng tóc cũng phổ biến ở bệnh nhân phẫu thuật giảm cân.
Một người phụ nữ đã giảm gần 54 kg/năm chia sẻ với Insider rằng cô bị rụng tóc "cực độ" thành từng nắm khi tắm. Không ăn đủ chất đạm, thành phần cấu tạo nang tóc, cũng như lượng vitamin D và sắt thấp là thủ phạm phổ biến gây rụng tóc.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Alexander Zuriarrain cho hay chế độ ăn uống bao gồm cá hồi, đậu lăng, sữa tăng cường, rau lá xanh đậm và trứng có thể ngăn ngừa và hạn chế tình trạng rụng tóc.
Ô nhiễm không khí
Chất gây ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp thải ra góp phần dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh tim và phổi. Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu đang tìm hiểu cách các hạt này tác động đến da và tóc của chúng ta.
Nghiên cứu năm 2019 từ Hàn Quốc cho thấy việc tiếp xúc với dầu diesel và bụi làm giảm mức độ tế bào quyết định sự phát triển cũng như giữ nếp của tóc.
"Chúng tôi biết rằng sức khỏe da đầu rất quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của tóc và ô nhiễm có thể gây bất lợi cho làn da của bạn. Nếu da bị tổn thương, nang tóc có thể bị ảnh hưởng vì chúng là phần phụ của da”, Michelle Blaisure, nhà nghiên cứu về tóc nói với Allure.
Nhưng các bác sĩ nói thêm cần phải nghiên cứu nhiều hơn để hiểu rõ hơn ô nhiễm có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của tóc.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.