Chân chống nghiêng được sử dụng với tần suất nhiều hơn chân chống giữa vì giúp đỗ xe nhanh chóng và dễ dàng. Người lái có thể gạt chống nghiêng ngay cả khi ngồi trên xe và không cần dùng nhiều sức lực.
Dù tiện lợi, hầu hết xe máy vẫn được lắp thêm chân chống giữa bên cạnh chân chống nghiêng. Vậy chân chống nghiêng và chân chống giữa có những đặc điểm nổi bật cũng như nhược điểm gì?
Chân chống nghiêng: Dễ dùng, không ổn định trên địa hình xấu
Chân chống nghiêng là một thanh kim loại hình trụ được kết nối với xe bằng một trục xoay, đi kèm là lò xo giúp chân chống không bị rơi xuống đường khi không sử dụng. Trang bị này thường được lắp bên trái phương tiện, tùy thuộc vào từng dòng xe mà vị trí lắp có thể thay đổi đôi chút.
Khi cần sử dụng, người lái chỉ cần dùng chân để đẩy chân chống xuống và nghiêng xe. Chân chống kết hợp cùng 2 bánh xe tạo thành 3 điểm tiếp xúc với mặt đường, giúp xe đứng vững.
Ưu điểm của chân chống nghiêng là rất dễ sử dụng và không cần tác động nhiều lực. Tuy nhiên trong một số trường hợp như đỗ xe trên bề mặt đất, cát hay không bằng phẳng, sử dụng chân chống nghiêng có thể khiến xe bị đổ.
Ngoài ra, chân chống nghiêng cũng khiến cho việc sửa chữa xe gặp bất tiện. Cách đặt xe lý tưởng nhất khi sửa chữa, kiểm tra phương tiện là dựng xe thẳng đứng và 2 bánh không tiếp xúc với mặt đất để có thể quay tự do.
Chân chống giữa: Nặng nề nhưng cứng cáp
Chân chống giữa có thể giải quyết gần như toàn bộ các nhược điểm của chân chống nghiêng. Thiết kế của loại chân chống này giúp phương tiện được giữ đứng thẳng.
Chân chống giữa thường được đặt phía sau động cơ. So với chân chống nghiêng, người dùng chống giữa phải tốn nhiều sức và thời gian hơn, ngoài ra cũng rất khó để sử dụng khi người lái ngồi trên xe.
Cách sử dụng chân chống giữa phức tạp hơn chống nghiêng và yêu cầu sử dụng nhiều sức hơn, thậm chí nhiều người sử dụng xe máy không thể dựng chân chống giữa chiếc xe của mình.
Đầu tiên, người dùng cần bước xuống và đứng bên trái xe, sau đó dùng chân phải ấn vào chân chống cho đến khi 2 thanh chống tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất. Bước cuối cùng là dùng lực để kéo xe lùi về sau, đồng thời giữ cố định điểm tiếp xúc của chân chống nghiêng với mặt đất.
Khả năng phương tiện bị đổ khi dùng chân chống giữa rất thấp, việc bảo dưỡng hay sửa chữa khi xe được dựng thẳng đứng với chống giữa cũng trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sử dụng chân chống giữa cũng giúp cho hệ thống treo và lốp không bị ảnh hưởng khi đỗ xe một thời gian dài.
Có thể 2 loại chân chống trên xe máy đều có ưu nhược điểm riêng. Tùy vào mục đích cũng như vị trí đỗ xe, người dùng có thể cân nhắc để lựa chọn sử dụng loại chân chống phù hợp.
Chân chống nghiêng giúp việc đỗ xe trở nên nhanh chóng và có thể thực hiện ngay cả khi người lái vẫn còn ngồi trên xe. Trong khi đó chân chống đứng thích hợp khi đỗ xe trên nền đất yếu hoặc cần dựng xe thẳng đứng để bảo dưỡng, kiểm tra...
Một số dòng xe máy ngày nay không được trang bị chân chống giữa. Loại bỏ chân chống giữa giúp tăng khoảng sáng gầm, cho phép xe có thể nghiêng nhiều hơn trong cua hay chạy qua địa hình gồ ghề dễ dàng hơn. Không lắp chân chống giữa cũng giúp nhà sản xuất giảm được một phần chi phí và giảm khối lượng, qua đó tối ưu hiệu năng của xe.