Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc cần làm để đảm bảo an toàn khi nối lại đường bay quốc tế

Các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam có thể ứng phó với tình hình dịch bệnh khi nối lại đường bay quốc tế trong thời gian này.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thiện phương án khôi phục các đường bay quốc tế, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét. Theo đó, 6 đường bay được đề xuất nối lại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia và Lào.

"Quyết định có thể mạo hiểm nhưng nên làm"

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, 6 đường bay quốc tế mở lại từ ngày 15/9. Dự kiến, số hành khách nhập cảnh cần cách ly mỗi tuần là gần 5.000 người tại Hà Nội và TP.HCM.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng dịch Covid-19 khiến hàng không Việt Nam dừng toàn bộ chuyến bay quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới thay đổi biện pháp phòng dịch, không ưu tiên giãn cách xã hội, Việt Nam cần lên kế hoạch kiểm soát hành khách nhập cảnh khi nối lại đường bay quốc tế.

mo rong chuyen bay quoc te anh 1

Hành khách nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ông cho biết mở lại đường bay quốc tế điều cần làm để khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, do đó, kế hoạch phối hợp giữa hai nước khi nối lại đường bay cần được xây dựng chi tiết.

“Chúng ta có thể hiểu theo cách đơn giản hơn là việc nối lại chuyến bay quốc tế tương tự người đi về giữa các tỉnh, thành phố trong nước. Trong tình hình mới, chúng ta quản lý người về từ địa phương có dịch như thế nào thì cách ly, kiểm soát hành khách nhập cảnh cũng giống như vậy. Điều này không khó đối với y tế Việt Nam khi chúng ta đã làm tốt từ đầu mùa dịch đến nay”, bác sĩ Khanh nhận định.

mo rong chuyen bay quoc te anh 2

Trong khi đó, một chuyên gia về truyền nhiễm tại TP.HCM cho rằng khi tình hình lây nhiễm trong cộng đồng chưa kiểm soát tốt, khôi phục đường bay quốc tế có thể làm tăng gánh nặng cho ngành y tế. Bởi nguy cơ xuất hiện bệnh nhân, ổ dịch mới vẫn luôn thường trực.

“Đây là quyết định mạo hiểm, tuy nhiên, chúng ta cần làm và thay đổi cách tiếp cận khi chống dịch. Để việc này diễn ra thuận lợi và nhẹ nhàng đối với ngành y tế, chúng ta cần thay đổi chiến lược cách ly, mở rộng xét nghiệm. Các biện pháp phòng, chống dịch cần thực hiện nghiêm túc để cân đối giữa sự phát triển kinh tế và y tế”, chuyên gia này cho nêu quan điểm.

Hành khách nhập cảnh cần có giấy chứng nhận âm tính với nCoV

Để đảm bảo an toàn khi nối lại đường bay quốc tế, các bác sĩ đều cho rằng cơ quan quản lý cần có yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc với hành khách nhập cảnh. Cụ thể, hành khách cần có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 trước khi đến Việt Nam.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam cần chấp nhận sự có mặt của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chúng ta cần bảo vệ các vị trí trọng yếu là cơ sở y tế, khoa điều trị bệnh nặng, người lớn tuổi, có bệnh mạn tính.

Ngoài ra, các ổ dịch trong cộng đồng cần được xử lý triệt để, đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Lúc này, nước ta hoàn toàn có khả năng ứng phó khi tiếp nhận hành khách nhập cảnh.

Để đảm bảo an toàn khi mở lại đường bay quốc tế, các chuyên gia nhận định ngành y tế của Việt Nam cần làm tốt 3 việc: Khoanh vùng cách ly, thay đổi chiến lược xét nghiệm và tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch của người dân, nhân viên y tế.

Do số lượng người nhập cảnh Việt Nam sẽ tăng mạnh khi mở lại đường bay quốc tế, các chuyên gia cho rằng chúng ta phải thay đổi chiến thuật cách ly, chọn đúng đối tượng, không cách ly đại trà.

mo rong chuyen bay quoc te anh 3

Hành khách từ London (Anh) nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn. Ảnh: Duy Hiệu.

Mới đây, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn về việc cách ly tập trung đối với chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Cụ thể, nếu làm việc trong thời gian ngắn, họ không phải cách ly tập trung 14 ngày. Sau thời gian này, nếu có nhu cầu ở lại Việt Nam, các chuyên gia cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 3/9, chiến lược xét nghiệm của Việt Nam trong thời gian tới là sử dụng sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên tại những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… Kỹ thuật này cho kết quả nhanh, chính xác, giúp sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời gian tới, chúng ta phải trở về trạng thái bình thường mới như 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần cảnh giác, tích cực phòng, chống dịch phải nâng cao gấp nhiều lần.

Các chuyên gia cho rằng nhiều người dân, thậm chí nhân viên tại cơ sở y tế còn chủ quan với dịch bệnh. Vì vậy, để sống chung với dịch, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp đơn giản như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

"Trên thế giới, số ca nhiễm chưa dừng lại nhưng cũng không thể tiếp tục giãn cách xã hội như giai đoạn đầu. Covid-19 khó bị tiêu diệt nhưng cũng không dễ lây lan. Vấn đề quan trọng là chúng ta biết rõ đường lây để phòng ngừa”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào như thế nào? Sau khi xâm nhập tế bào thành công, virus SARS-CoV-2 bắt đầu sinh sôi và tấn công cơ thể người.

Người nhập cảnh làm việc dưới 14 ngày không cần cách ly tập trung

Đây là một trong những nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, vừa được Bộ Y tế xây dựng.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm