Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc đi chữa tâm lý ở Trung Quốc đã thay đổi

Việc đi khám tâm lý từng bị coi là biểu hiện của sự yếu đuối và đáng xấu hổ nay đã trở thành hoạt động thường xuyên tại Trung Quốc, theo Sixthtone.

Xie Bin, phó chủ tịch của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, cho biết trái ngược với quá khứ, ngày nay, trung tâm trị liệu tâm lý lại trở thành địa điểm “check-in” quen thuộc, thậm chí được ưa chuộng tại Trung Quốc.

“Người tới trung tâm của chúng tôi đăng tải lên mạng xã hội những bức ảnh cầm trên tay những chiếc cốc có in dòng chữ “No.600”, địa chỉ của trung tâm. Không chỉ vậy, khẩu trang có logo và tên trung tâm còn trở thành một món phụ kiện được săn lùng. Đến cả bánh trung thu trong canteen được đặt làm riêng để bán cho nhân viên có ký hiệu trung tâm trên đó cũng trở thành vật sưu tầm”, ông nói.

Tri lieu tam ly anh 1

Nhu cầu tư vấn tâm lý tại Trung Quốc tăng vọt sau đại dịch. Ảnh: CNA.

Cách nhìn nhận của người Trung Quốc đối với sức khỏe tinh thần đã thay đổi một cách rõ rệt trong thời gian gần đây. Đại dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thay đổi này.

Covid-19 hoành hành đã khiến cho những cảm giác tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, tức giận, trầm cảm và tuyệt vọng lan rộng hơn bao giờ hết. Đặc biệt việc thi hành biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về tâm lý của người dân nước này.

Chính điều đó là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu tìm tới các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp như tư vấn hay trị liệu tâm lý.

Mở phòng khám dễ dàng

Tuy nhiên, theo Xie, chính sự gia tăng đột ngột về nhu cầu này đã khiến cho các chuyên gia trong ngành mất cảnh giác và khiến cho Ngành tư vấn tâm lý tại Trung Quốc trở nên hỗn loạn.

Không có bất cứ quy chuẩn chung nào cho các phòng khám, không có quy trình đúng thẩm quyền để công nhận hay cấp chứng nhận hành nghề hợp pháp và cũng không có một tổ chức hay một bộ phận chuyên nghiệp nào được trao quyền để giám sát và đảm bảo mọi quy định được tuân thủ.

Tri lieu tam ly anh 2

Việc mở phòng khám tâm lý tại Trung Quốc không bị kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: College Choice.

Tuy dịch vụ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp vẫn được cấp phép ở một số cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhưng do số lượng quá ít và chỉ tập trung ở một vài thành phố nên nhu cầu của người dân về cơ bản không được đáp ứng đủ.

Trong bối cảnh cầu vượt quá cung, các phòng khám tư nhân bất hợp pháp và không qua kiểm định bùng nổ tại nước này.

Xie cho biết: “Có rất nhiều phòng khám kiểu như vậy ở xung quanh Trung tâm tôi làm việc. Họ hoạt động mà không qua kiểm soát của các cơ quan quản lý và phí dịch vụ tại đó thường cao hơn nhiều so với những cơ sở công lập”.

Ông cho rằng để mở phòng khám tư vấn ở Trung Quốc, về cơ bản, chẳng khác gì việc mở tiệm cắt tóc. Họ không bị yêu cầu phải có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp, chỉ cần đăng ký “cửa hàng” với cơ quan giám sát thị trường tại địa phương là có thể kinh doanh.

Dễ dàng trở thành bác sĩ tâm lý

Ở những phòng khám này, không ai có thể biết được có bao nhiêu nhân viên đã qua đào tạo. Ngay cả những người có giấy chứng nhận cũng không có nghĩa là họ đạt chuẩn.

Năm 2001, chính phủ Trung Quốc cho ra mắt chương trình chứng nhận cố vấn tâm lý. Giấy chứng nhận sẽ được cấp thông qua một đợt kiểm tra định kỳ 6 tháng và Xie đánh giá đây là chứng chỉ thuộc loại “dịch vụ thương mại”. Có nghĩa là tư vấn tâm lý được coi như nấu ăn, làm bánh hay các kỹ năng lao động mà chỉ cần đào tạo vài tháng và vượt qua kỳ kiểm tra là đạt.

Tri lieu tam ly anh 3

Thương mại hóa hoạt động tư vấn tâm lý trở thành vấn đề nhức nhối. Ảnh: The Seattle Times.

Từ năm 2002 đến năm 2017, hàng trăm nghìn người Trung Quốc đã được cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý. Nhưng rõ ràng kiến thức cơ bản mới học qua vài tháng là không đủ để cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

Chứng chỉ này đã bị loại bỏ vào năm 2017. Tư vấn tâm lý đang ngày càng được coi trọng và quan tâm, bởi vậy, tiêu chuẩn hành nghề cũng cần cao hơn.

Tuy nhiên, kể từ khi chứng chỉ này bị loại bỏ, nước này vẫn chưa có một chương trình thay thế nào khác và phần lớn tư vấn viên hiện có đều không có chứng chỉ vì chưa từng trải qua khóa đào tạo cũ.

Hiểm họa từ những phòng khám “rởm”

Theo Xie, không chỉ bằng cấp, mà mục đích hoạt động của những phòng khám này cũng là vấn đề lớn. Bản chất của họ là những doanh nghiệp tư nhân chỉ hướng tới kiếm tiền.

“Sẽ không thể kiếm được nhiều tiền nếu người tư vấn làm việc quá chuyên nghiệp. Bởi dịch vụ tư vấn theo đúng chuẩn sẽ tốn nhiều thời gian và những người có tâm sẽ phải dành thời gian học hỏi, tham gia các khóa đào tạo để bắt kịp với tiến bộ trong nghề. Và thực hiện tất cả theo quy trình đó sẽ tốn nhiều tiền hơn là kiếm được”, ông nói.

Tri lieu tam ly anh 4

Nghe theo chẩn đoán ở những phòng khám thiếu uy tín có thể gây hậu quả lớn. Ảnh: Palo Alto Mind Body.

Đối với bệnh nhân, sự bùng nổ của những phòng khám bất hợp pháp đang tạo ra ảnh hưởng xấu. Dịch vụ chất lượng thấp không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn có thể gây nguy hiểm.

Một tư vấn viên chân chính sẽ tìm hiểu trường hợp nào có khả năng hỗ trợ và giới thiệu những trường hợp ngoài phạm vi của mình cho những nhà trị liệu hoặc cơ sở phù hợp khác, nhưng người chỉ muốn chuộc lợi sẽ không làm vậy. Việc nhận và làm theo những phán đoán sai có thể khiến cho tình trạng của bệnh nhân trở nên tệ hơn.

Nhiều phụ nữ mắc kẹt với cảnh bị ngược đãi trong hôn nhân 

“Tôi cũng có lỗi” hay “Chỉ lần này mới vậy” rồi “Anh ấy sẽ thay đổi”, là những câu nói phổ biến tiến sĩ Geraldine Tan thường nghe từ các nạn nhân bị lạm dụng trong hôn nhân.

Bình Nhi

Bạn có thể quan tâm