Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh điều này tại cuộc họp nhóm Đối tác Y tế với chủ đề “Hợp tác và đối tác trong phòng, chống đại dịch Covid-19” do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (3/12). Theo ông Long, hiện Việt Nam có 4 công ty nghiên cứu, sản xuất vaccine, trong đó, 3 công ty nhà nước và một công ty tư nhân.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ Y tế đã cắt ngắn toàn bộ thủ tục hành chính, đưa ra thủ tục được rút gọn nhưng vẫn đảm bảo về chuyên môn. Đồng thời, Bộ Y tế sẵn sàng đầu tư, hợp tác với các nước để Việt Nam có thể sản xuất vaccine.
Công ty VABIOTECH tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine Covid-19 trên chuột, đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh: VABIOTECH. |
"Trong giai đoạn này, vaccine phòng Covid-19 sẽ được đăng ký nhanh nhất theo quy trình khẩn cấp. Khi các công ty sản xuất vaccine phòng Covid-19 ở ngước ngoài đã đăng ký ở nước đó, chuyển cho Việt Nam toàn bộ dữ liệu lâm sàng, vaccine sẽ được cấp phép đăng ký ngay ở nước ta", ông Long nói.
Việt Nam đã tham gia vào COVAX (sáng kiến hợp tác toàn cầu thúc đẩy phát triển, sản xuất, tiếp cận công bằng vaccine, xét nghiệm và các phương pháp điều trị) để tạo ra cơ chế cung ứng vaccine phòng Covid-19.
Theo ông Long, Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch và kịch bản tiêm chủng cho người dân. Theo kinh nghiệm của thế giới, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 phải được ưu tiên cho những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 như nhân viên y tế, người làm dịch vụ thiết yếu, người già, có bệnh lý nền...
Bộ Y tế cũng đang thảo luận phương án để vaccine khi được cung ứng và sử dụng cho người dân đảm bảo tính an toàn, hiệu quả. Ông Long cho biết Bộ Y tế tạo mọi cơ chế chính sách, tài chính để thử nghiệm vaccine Covid-19 sớm.
Tuy nhiên, điều kiện khách quan trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng khiến việc này đang bị gián đoạn. Về mặt luật pháp, do Covid-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ, các công ty nghiên cứu vaccine chưa thể vượt qua một số quy định pháp chế.