Người bệnh viêm đại tràng cần thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện và điều hòa tâm trạng. Ảnh: Freepik. |
Ở thể nhẹ viêm đại tràng mạn tính có thể khiến niêm mạc đại tràng dễ tổn thương, chảy máu, tình trạng nặng sẽ xuất hiện những vết loét, xung huyết, thậm chí là áp xe. Vì vậy, việc ngăn ngừa biến chứng là rất quan trọng.
Viêm đại tràng mạn tính do đâu?
Viêm đại tràng mạn tính được chia thành 2 nhóm bệnh theo nguyên nhân, bao gồm:
Viêm đại tràng mạn tính có nguyên nhân: lao, bệnh crohn, viêm đại tràng chảy máu,... Do nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm nấm gây viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm mà diễn tiến thành.
Ngoài ra, viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu.
Theo đó, các nhóm nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính được cho là ảnh hưởng gây bệnh gồm:
- Nhiễm ký sinh trùng: Giun tóc, giun kim, giun đũa,...;
- Nhiễm vi trùng gây bệnh đường ruột: Salmonella, Shigella,...;
- Chế độ ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn gây kích thích, tổn thương dạ dày, niêm mạc đại tràng…
Khi mắc viêm đại tràng mạn tính không được điều trị đúng có thể dẫn đến biến chứng. |
Viêm đại tràng mạn tính có nguy hiểm không?
Khi mắc viêm đại tràng mạn tính không được điều trị đúng có thể dẫn đến biến chứng, nhất là những bệnh nhân càng cao tuổi, bệnh càng diễn tiến lâu dài thì nguy cơ dẫn tới biến chứng nguy hiểm càng cao.
Đối với viêm đại tràng mạn tính lâu năm, trên biểu mô niêm mạc đại tràng xuất hiện những tổn thương, viêm loét sâu và rộng, khó chữa lành nên có nguy cơ biến chứng thành các căn bệnh nguy hiểm như: giãn đại tràng cấp tính (2-6%), thủng đại tràng (2-8%), chảy máu nặng (1-5%) và ung thư đại trực tràng - một trong năm loại ung thư nguy hiểm nhất.
Ngoài ra, các chuyên gia tại bệnh viện còn đề cập nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như: Phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon) với nguy cơ bị thủng ruột; Hội chứng tăng urê tán huyết gồm cụ thể 3 tình huống là thiếu máu tán huyết, suy thận cấp (tăng urê huyết) và giảm tiểu cầu...
Ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mạn tính
Viêm đại tràng mạn tính nghĩa là bệnh đã tiến đến giai đoạn rất khó điều trị dứt điểm, các phương pháp điều trị có thể làm giảm triệu chứng tạm thời mà không thể chữa khỏi hoàn toàn nên dễ dàng tái phát nhiều lần, càng gây khó khăn cho điều trị.
Do đó, để ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mạn tính thì việc điều trị cần đảm bảo nguyên tắc chung là kết hợp điều trị nội khoa toàn diện, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc phù hợp.
Tùy theo tình trạng bệnh và thể trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, bao gồm thuốc nội khoa kết hợp với chế độ sinh hoạt.
Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng mạn tính thường là kết hợp thuốc phục hồi tổn thương và thuốc loại trừ nguyên nhân gây bệnh cũng như tái phát bệnh như: thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc chống ký sinh trùng, chống nấm, chống tiêu chảy, chống loạn khuẩn, thuốc giảm đau và chống co thắt,... Người bệnh cần sự kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh.
Trong liệu trình điều trị, qua các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định tình trạng tổn thương của đại tràng và từ đó sẽ sử dụng thuốc ngăn ngừa biến chứng. Trên thị trường cũng có nhiều loại thuốc, thực phẩm dinh dưỡng ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mạn tính, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Về chế độ dinh dưỡng:
- Các loại thực phẩm được khuyên dùng là: gạo, khoai tây, thịt nạc, sữa không có lactose, cá, các loại rau xanh, hoa quả...
- Các loại thực phẩm cần hạn chế là đồ xào rán, thực phẩm khó tiêu hóa như: trứng, sữa, thịt mỡ, hành sống... và các chất kích thích như: rượu, bia, nước ngọt có ga,...
- Đồng thời tránh ăn các thực phẩm có thể khiến vi khuẩn, nấm,... xâm nhập gây hại như: thức ăn sống, gỏi, rau sống, tiết canh,...
Về sinh hoạt:
- Nếu tính chất công việc quá căng thẳng, người bệnh có thể điều hòa tâm trạng bằng cách tập thể dục hoặc áp dụng kỹ thuật thư giãn.
- Cần luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe cơ thể, sức đề kháng để phục hồi bệnh tốt hơn, tránh các tác nhân gây bệnh, ngoài ra còn có tác dụng cải thiện tâm trạng cho bệnh nhân rất tốt. Các môn thể dục thể thao được khuyên chọn cho bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính gồm: đi dạo, bơi lội, nhảy múa, leo cầu thang, yoga, đạp xe...
Tóm lại: Viêm đại tràng là vấn đề thường gặp, để tránh mắc phải các bệnh về đại tràng, mỗi cá nhân cần phải có chế độ vệ sinh sạch sẽ cũng như thực đơn ăn uống lành mạnh (ăn chín uống sôi, đa dạng rau, củ, quả); thực hiện sổ giun định kỳ 6 tháng/ lần; hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng các men tiêu hóa sống.
Ngoài ra, khi có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm đại tràng, bệnh nhân nên đi khám sớm. Đồng thời tiến hành nội soi dạ dày, đại tràng để được phát hiện bệnh kịp thời và có biện pháp điều trị chính xác. Người bệnh tuyệt đối không nên tự chẩn đoán và tự tìm thuốc uống vì bệnh viêm đại tràng không điều trị đúng cách sẽ càng nặng hơn, dễ kích ứng và khó chữa trị.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.