Tiến sĩ A.R. Siders - từ Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa, Trường Chính sách Công Biden thuộc Đại học Delaware (Mỹ) - nhận định biến đổi khí hậu đang khiến một số sự kiện cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Do đó, trong tương lai, nhiều người có thể phải di dời.
“Mực nước biển dâng cũng khiến một số khu vực ngập vĩnh viễn. Một số quốc đảo ở vị trí thấp như Kiribati, Tuvalu hoặc quần đảo Marshall có thể bị ngập lụt thường xuyên đến mức mất nguồn nước uống”, bà chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, những thay đổi này không xảy ra chỉ sau một đêm.
“Cách mô tả hoạt động di dời do khí hậu như ‘cuộc đại di cư’ có thể tạo ra nỗi sợ hãi. Dù cần quan tâm đến biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến con người, chúng ta không nên sợ những người phải di dời vì biến đổi khí hậu”, bà kết luận.
Tiến sĩ A.R. Siders đến từ Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa, Trường Chính sách Công Biden thuộc Đại học Delaware (Mỹ). Ảnh: ResearchGate. |
Trước đó, hôm 14/2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo thế giới sẽ “chứng kiến cuộc di cư hàng loạt của toàn bộ dân số trên quy mô như trong Kinh thánh”.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự tranh giành khốc liệt hơn bao giờ hết đối với nước ngọt, đất đai và các nguồn tài nguyên khác”, Guardian dẫn lời ông nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Guterres đưa ra cảnh báo này giữa lúc dữ liệu mới từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy mực nước biển đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, trong thế kỷ qua nhiệt độ đại dương toàn cầu đã tăng lên nhanh hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong 11.000 năm.
Mực nước biển được dự đoán có khả năng dâng khoảng 50 cm vào năm 2100, và dâng 2-3 m trong 2.000 năm tới nếu sự ấm lên của nước biển giới hạn ở mức 1,5 độ C, và dâng 2-6 m nếu nhiệt độ tăng giới hạn ở 2 độ C.
“Những nạn nhân bị thế giới lãng quên”
Bà Elizabeth Fussell - giáo sư Nghiên cứu Dân số, Môi trường và Xã hội, tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Dân số của Đại học Brown (Mỹ) - đã cùng đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu đánh giá về tác động của mực nước biển dâng với khả năng sinh sống và di cư từ những vùng ven biển thấp.
Từ đó, bà Fussel cho rằng dù không có cuộc di cư hàng loạt nào, tài nguyên thiên nhiên của những khu vực ven biển này sẽ suy giảm, trong khi dân cư đối mặt với những cơn bão nguy hiểm với mức độ thiệt hại lớn hơn.
Vị giáo sư dẫn ví dụ, nước biển dâng sẽ khiến mực nước ngầm và đất mặn hơn, làm giảm năng suất cây trồng cũng như khả năng tiếp cận nước uống của người dân và gia súc. Bão nhiệt đới gây ra thiệt hại lớn về nhà cửa, đường sá và các cơ sở hạ tầng. Cư dân các vùng ven biển trũng thấp có thể phải di cư nhằm đối phó với những thay đổi này.
Bà Elizabeth Fussell là giáo sư Nghiên cứu Dân số, Môi trường và Xã hội, tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Dân số của Đại học Brown (Mỹ). Ảnh: Brown University. |
“Tuy nhiên, rất khó để nói khi nào những cuộc di cư này sẽ diễn ra. Rất có thể điều này sẽ xảy ra dần dần và trước khi toàn bộ khu vực bị ngập”, bà Fussel nói với Zing.
Thêm vào đó, giáo sư cũng nhận thấy khó khăn, khi không nắm rõ thông tin về tốc độ mực nước biển dâng cao gây trở ngại trong quá trình dự đoán.
“Tuy nhiên, viễn cảnh nước biển dâng chắc chắn xảy ra, dựa trên những gì chúng ta đang chứng kiến. Người dân cũng như chính phủ có thể lường trước được sự thay đổi này và thực hiện những biện pháp tại chỗ, hoặc di dời các khu dân tới nơi cao hơn”, bà kết luận.
Trong 30 năm qua, số người sống ở khu vực ven biển có nguy cơ cao do mực nước biển dâng tăng từ 160 triệu lên 260 triệu người. 90% trong số này đến từ các quốc gia đang phát triển hoặc quốc đảo nhỏ.
Zurich dẫn số liệu của UNHCR - cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc - cho biết kể từ năm 2008, trung bình hàng năm có 21,5 triệu người buộc phải di dời do các sự kiện liên quan đến thời tiết như lũ lụt, bão, cháy rừng và nhiệt độ khắc nghiệt.
Con số này dự kiến tiếp tục tăng lên trong thập niên tới, với dự báo từ tổ chức tư vấn quốc tế IEP cho biết khoảng 1,2 tỷ người có thể phải di dời vào năm 2050 do biến đổi khí hậu và thiên tai.
Vào tháng 3/2018, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhận định nhiều cá nhân tị nạn vì khí hậu không trùng khớp với định nghĩa về người tị nạn. Cơ quan này gọi họ là “những nạn nhân bị thế giới lãng quên”, khi họ không thể tiếp cận các biện pháp pháp lý bảo vệ quyền con người và đối mặt với mối đe dọa bị trục xuất.
Giải pháp tiềm năng
Dù nhận định thế giới không nên quá lo ngại về một cuộc “đại di cư” như trong Kinh thánh, tiến sĩ Siders cho rằng các quốc gia cần sớm có giải pháp thích ứng với tình trạng nước biển dâng.
“Thứ nhất, thế giới phải hạn chế biến đổi khí hậu càng nhiều càng tốt. Các quốc gia và cộng đồng cần nỗ lực đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Chỉ giảm được 1/10 độ C mức tăng nhiệt cũng sẽ ngăn chặn được nỗi đau cho nhiều người”, bà nói.
Ngoại trưởng Tuvalu quay lại bài phát biểu trước hội nghị COP26 khi đứng dưới biển ở Funafuti để nhấn mạnh hậu quả từ biến đổi khí hậu hồi năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Thứ hai, bà Siders cho rằng các cộng đồng và quốc gia đang đối mặt với nước biển dâng và tác động khác của biến đổi khí hậu có thể hành động để hạn chế những tác hại con người sẽ gặp phải.
“Mực nước biển không tăng trong một đêm, nhưng việc chuẩn bị sẽ mất nhiều thời gian. Trong một số trường hợp, biện pháp thích ứng có thể bao gồm nâng nhà cửa và đường xá, trồng rừng ngập mặn và bờ biển sống để hấp thụ sóng triều cường, hoặc thay đổi cây trồng có khả năng chịu mặn cao hơn”, bà nói với Zing.
Trong các trường hợp khác, một số cộng đồng có thể cần phải di dời vào đất liền hoặc nơi có độ cao lớn hơn.
“Càng nhiều cộng đồng lên kế hoạch cho việc di cư và được hỗ trợ nhiều hơn (về tài chính, cơ sở hạ tầng, quy hoạch,...) thì càng tốt. Các quốc gia như Mỹ có thể thực hiện nghĩa vụ quốc tế và cung cấp kinh phí hỗ trợ nỗ lực toàn cầu”, bà nhận định.
Thứ ba, các quốc gia và tổ chức quốc tế cần tạo ra quy trình hỗ trợ người di cư vì khí hậu tốt hơn.
“Hiện tại, không có sự bảo vệ pháp lý nào cho những người buộc phải di dời sang nước khác do biến đổi khí hậu. Các tổ chức đang nỗ lực thay đổi điều này, nhưng quá trình diễn ra chậm. Ngay cả trong cùng quốc gia, những người di cư đôi khi phải đối mặt với thách thức như thiếu nhà ở giá rẻ hoặc bị phân biệt đối xử”, bà Siders dẫn chứng.
Trong khi đó, vị chuyên gia Đại học Delaware cho rằng các cộng đồng không bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cần chuẩn bị "tiếp nhận" người di cư tốt hơn, “bằng cách mở rộng các nguồn lực giúp đỡ (chẳng hạn nhà ở, trường học, chăm sóc sức khỏe) và chào đón sự đa dạng văn hóa”.
Ngoài việc chuẩn bị cho làn sóng di cư, một số quốc gia cũng lựa chọn thích ứng với nước biển dâng bằng các công trình tiên tiến, chẳng hạn nhà nổi.
Tại Hà Lan, sự quan tâm với những công trình này ngày càng tăng sau nhiều đợt lũ lụt nghiêm trọng và tình trạng thiếu nhà ở. Những khu dân cư nổi đang truyền cảm hứng cho các dự án đầy tham vọng do Hà Lan dẫn đầu ở khu vực dễ bị lũ lụt, từ Polynesia đến Maldives.
Schoonschip, dự án phát triển nhà nổi ở Amsterdam. Ảnh: Isabel Nabuurs/Yale Environment 360. |
Theo BBC, một ngôi nhà nổi có thể được xây dựng trên bất kỳ bờ biển nào. Không giống nhà thuyền có thể dễ dàng tháo neo và di dời, nhà nổi được cố định vào bờ và nối với hệ thống cống rãnh, lưới điện địa phương.
Những ngôi nhà này có cấu trúc tương tự nhà được xây trên cạn nhưng thay vì có tầng hầm, chúng có một lớp bê tông chìm đóng vai trò đối trọng, giúp ngôi nhà ổn định trong nước.
Với các thành phố đang đối mặt với lũ lụt ngày càng nghiêm trọng và tình trạng thiếu đất, đây là một giải pháp tiềm năng để mở rộng nhà ở đô thị trong thời đại biến đổi khí hậu.
“Đối mặt với bão, chúng tôi cảm thấy an toàn hơn khi đang nổi”, Siti Boelen - nhà sản xuất truyền hình chuyển đến Schoonschip, Amsterdam hai năm trước - chia sẻ. “Tôi cảm thấy thật kỳ lạ khi xây dựng nhà trên mặt nước không phải là ưu tiên hàng đầu trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, Nienke van Renssen - Ủy viên hội đồng thành phố Amsterdam thuộc đảng GreenLeft - nhận định thành phố muốn tiếp tục mở rộng khái niệm nhà nổi, “vì đây là cách tận dụng không gian nhà ở đa chức năng và bền vững để tiến về phía trước”.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.