Mới đây, Bộ Y tế vừa chính thức điều chỉnh thời gian cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine. Quy định này khiến nhiều người bày tỏ lo ngại trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể từ người trở về nước ngoài và xâm nhập trong cộng đồng.
Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng không nên quá căng thẳng và sợ hãi trước biến chủng mới.
'Omicron đến Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian'
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Calvin Q Trịnh, thạc sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng ở Mỹ, hiện công tác tại Bệnh viện 1A (TP.HCM), ủng hộ quy định mới về cách ly 3 ngày tại nơi lưu trú với người nhập cảnh của Bộ Y tế.
Bác sĩ này cho rằng người nhập cảnh qua đường chính ngạch đã tiêm đủ liều vaccine, có xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh vốn đã được kiểm soát chặt chẽ.
Trường hợp đáng lo ngại hơn là người nhập cảnh trái phép, không tiêm vaccine, khó kiểm soát. Đây cũng là đối tượng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn.
Khi Omicron lây nhanh lấn át các chủng khác, kết hợp triệu chứng chứng nhẹ thì đó có thể là dấu hiệu chấm dứt đại dịch
Bác sĩ Calvin Q Trịnh
"Chúng ta không nên quá căng thẳng và lo lắng về Omicron, mà thay vào đó, cần chuẩn bị các điều kiện về vaccine, điều trị tốt nhất để ứng phó biến chủng mới một cách nhẹ nhàng", bác sĩ Trịnh nói thêm.
Phân tích cụ thể hơn về biến chủng Omicron, bác sĩ Trịnh cho biết hiện tại, nhiều bằng chứng cho thấy biến chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh nhưng tỷ lệ tăng bệnh nặng và tử vong rất thấp.
Omicron chứa 50 đột biến là điều khiến các nhà khoa học lo ngại, tuy nhiên, bác sĩ Trịnh cho rằng chưa chắc chứa nhiều đột biến sẽ khiến chúng tăng độc lực hơn. Hiện ở Anh chỉ báo cáo một ca tử vong do Omicron, ở Nam Phi, con số tử vong được báo cáo cũng khá thấp.
"Ở Mỹ, nhiều nghiên cứu cho thấy Omicron chứa nhiều gene của virus cúm. Với mức độ lây lan nhanh, triệu chứng lâm sàng nhẹ, tôi cho rằng đây không hẳn là tình huống xấu. Thậm chí, khi Omicron lây nhanh lấn át các chủng khác, kết hợp triệu chứng chứng nhẹ thì đó có thể là dấu hiệu chấm dứt đại dịch", bác sĩ Trịnh chia sẻ về kịch bản lạc quan.
Những vị khách quốc tế đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng bằng chuyến bay thương mại sau khi Việt Nam nới lỏng giãn cách. Ảnh: Khánh Huyền. |
Cùng quan điểm về kịch bản lạc quan, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng cho rằng Bộ Y tế quy định cách ly 3 ngày tại nơi lưu trú với người nhập cảnh (đạt đủ điều kiện về xét nghiệm, vaccine) là hợp lý và cần thiết để hòa nhập quốc tế.
Theo bác sĩ Khanh, biến chủng mới không chỉ xâm nhập qua duy nhất đường hàng không mà còn rất nhiều con đường khác. Bởi chỉ khoảng một tháng, Omicron đã lây lan đến 70 quốc gia. Chuyên gia này cho rằng điều Việt Nam cần làm lúc này là 'câu giờ' để tranh thủ thời gian chuẩn bị ứng phó.
"Omicron đến Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều báo cáo đã nhận định biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nhưng không làm tăng mức độ bệnh nặng. Thế giới đã sẵn sàng đón nhận biến chủng mới, vậy không lý do gì Việt Nam vẫn tiếp tục thu mình?", bác sĩ Khanh nói thêm.
Trao đổi với Zing trước đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nhận định Omicron sẽ tới TP.HCM nếu biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn.
"Chúng ta không bao giờ ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này. Chúng sẽ vào. Nhưng nếu khi biến chủng này xâm nhập mà chúng ta không kịp chuẩn bị kịch bản thì sẽ rơi vào tình thế bị động", ông nhấn mạnh.
"Vũ khí" ứng phó biến chủng mới
Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, những trường hợp nhập cảnh tiêm chủng đầy đủ và xét nghiệm rRT-PCR âm tính, đã đến lúc có thể được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, trong bối cảnh này, Việt Nam cũng đã thực hiện F0 cách ly và điều trị tại nhà.
"Đã đến lúc dần dần khôi phục các hoạt động bình thường của xã hội và hồi phục kinh tế sau 2 năm quá khó khăn", bác sĩ Trịnh chia sẻ.
Vị bác sĩ này cho rằng ở thời điểm hiện tại, về mặt quản lý, các địa phương nên tập trung nguồn lực vào các đối tượng nhập cảnh lậu, chưa tiêm chủng vaccine.
Omicron đến Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Về mặt sức khỏe nhân dân, đội ngũ y tế nên tập trung nguồn lực bảo vệ các đối tượng có nguy cơ cao, người cao tuổi và mắc bệnh lý nền. Ông cũng nhấn mạnh chúng ta có thể huy vọng rằng thế giới sắp chuyển tiếp sang giai đoạn 'bệnh Covid-19" và kết thúc từ khóa "dịch Covid-19".
Trước đó, khoảng đầu năm, bác sĩ Calvin Q Trịnh đã gửi thư đóng góp ý kiến về các giải pháp chống dịch cho nước Mỹ. Ông đặt vấn đề đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, duy trì xã hội mở cửa và phục hồi nền kinh tế.
"Cuối tháng 11, Chính phủ Mỹ đã gửi thư phản hồi ý kiến của bác sĩ Trịnh. Trong thư, Tổng thống Mỹ cũng đề cập bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều biến chủng mới. Do đó, chúng ta phải xác định vũ khiến chiến đấu, đó là vaccine, thuốc điều trị chứ không thể chạy theo sự phong tỏa để ngăn chặn virus", bác sĩ Trịnh chia sẻ.
Những vị khách đến từ Hàn Quốc đang làm thủ tục lưu trú tại Phú Quốc. Họ đến Việt Nam ngày 20/11 theo diện hộ chiếu vaccine. Ảnh: Chí Hùng. |
Từ quan điểm này, vị bác sĩ cho rằng trong giai đoạn "câu giờ" trước khi biến chủng xâm nhập, Việt Nam cần chuẩn bị tốt nhất các kịch bản, bao gồm "vũ khí" để ứng phó. Trong đó, vấn đề quan trọng là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao, hoàn thiện phác đồ điều trị, mua và dự trữ thuốc điều trị Covid-19.
Nâng cao chất lượng y tế cơ sở là mấu chốt
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện về dự phòng, vaccine và thuốc điều trị Covid-19, ngành y tế cần được xây dựng, củng cố và vực dậy tinh thần.
"Sau hơn một năm chống dịch miệt mài, lực lượng y tế cơ sở có phần mệt mỏi và rệu rã. Để ứng phó với tình huống Covid-19 còn kéo dài thì tăng cường nhân lực và tiếp thêm sức mạnh cho y tế cơ sở là điều cấp thiết", bác sĩ Khanh nói.
Chuyên gia này đề xuất cần tăng cường thêm nhân lực cho y tế địa phương, tăng cường bác sĩ từ bệnh viện để vừa hỗ trợ chăm sóc F0, vừa song song hướng dẫn chuyên môn.
Trạm y tế lưu động phường Đại Kim, tại trường Tiểu học Đại Kim (Hà Nội) được thành lập trong bối cảnh số ca F0 tại Hà Nội tăng cao. Ảnh: Hải Nam. |
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong quá trình theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 cũng nên được đơn giản hóa. Đặc biệt, chuyên gia này nhấn mạnh đến việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà bằng cách lắng nghe mong muốn của họ.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng nhấn mạnh rằng trong giai đoạn này, việc nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở là vấn đề mấu chốt.
Chuyên gia này cũng đề xuất tăng cường thêm nhân lực, đội ngũ có chuyên môn, tránh tình trạng quá tải khiến nhân viên y tế địa phương rệu rã, F0 lại không tìm thấy chỗ dựa về tinh thần.
"Cần triển khai tốt công tác cách ly, theo dõi F0 tại nhà, không thể F0 tăng bao nhiêu thì xây dựng lên bấy nhiêu bệnh viện dã chiến, đảm bảo khi Omicron xâm nhập, dứt khoát không để tái diễn tại những câu chuyện đau lòng như giai đoạn trước", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Để chuẩn bị cho các kịch bản ứng phó với biến chủng mới tốt nhất, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh 4 giải pháp gồm:
- Tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây lan dịch bệnh.
- Theo dõi y tế sớm, phát hiện sớm F0 có nguy cơ chuyển nặng.
- Điều trị đúng theo phác đồ để F0 được chăm sóc tốt nhất và nhanh khỏi bệnh.
- Hệ thống hỗ trợ khám, chữa bệnh và hỗ trợ người bệnh từ xa. Mọi tỉnh, thành phố đều phải vận hành tốt hệ thống này.
Đến nay, hơn 80 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron. Vương quốc Anh là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất cho tới nay, với hơn 10.000 trường hợp mắc biến chủng mới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/12 đã cảnh báo biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng có. WHO kêu gọi các quốc gia cần nhanh chóng hành động để kiềm chế sự lây lan của virus và bảo vệ hệ thống y tế.
Chuyên gia WHO Abdi Mahamud cũng cảnh báo một số quốc gia châu Âu có thể sẽ chứng kiến Omicron thành biến chủng thống trị trong vài ngày tới.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.