Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam cần tập trung bao phủ 2 mũi vaccine Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, trong lúc chờ đánh giá biến chủng Omicron, chúng ta nên tập trung bao phủ hai mũi vaccine Covid-19 cho các tỉnh, thành.

Hôm 25/11 vừa qua, biến chủng mới của SARS-CoV-2 là B.1.1.529 với hơn 32 đột biến tại protein gai (S) đã được phát hiện. 24 giờ sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến chủng này là Omicron và liệt nó vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại".

Đứng trước những nguy cơ đó, vaccine tiếp tục trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà chuyên môn cũng như người dân. Trong bản cập nhật mới nhất, WHO nhấn mạnh chưa có đủ dữ liệu để kết luận vaccine Covid-19 hiện tại kém hiệu quả trước biến chủng này.

Trao đổi với Zing về nguy cơ từ biến chủng mới và đánh giá vai trò của mũi 3 vaccine, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận và cần tiếp tục theo dõi trong thời gian tới.

Vẫn ưu tiên bao phủ 2 mũi

Tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta chưa có những thông tin đầy đủ về biến chủng nCoV mới từ Nam Phi. Do đó, việc các loại vaccine cũ, hay 2 mũi tiêm, còn có hiệu lực với biến chủng này không cần thêm thời gian để đánh giá. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đang tiếp tục nghiên cứu để kết luận chính xác”.

tiem mui 3 truoc bien chung nam phi anh 1

Người dân tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam vẫn nên tiếp tục tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 như khuyến cáo của nhà sản xuất cho toàn dân. Ông khẳng định đây vẫn là mục tiêu số một.

“Bản thân với biến chủng cũ, các nhà khoa học cũng đã khẳng định hiệu lực của vaccine chỉ kéo dài trong khoảng 6-9 tháng. Do đó, việc tiêm mũi 3 là việc làm cần thiết trong tương lai”, ông nói.

Liên quan đến biến chủng mới, Pfizer và AstraZeneca cũng đang nghiên cứu và sản xuất những loại vaccine mới với thành phần gồm nhiều kháng nguyên hơn.

Tiến sĩ Điền giải thích: “Các loại vaccine hiện tại chỉ chứa các thành phần tương tự vỏ của SARS-CoV-2. Với biến chủng mới, các nhà nghiên cứu và sản xuất vaccine có thể phải bổ sung một số thành phần khác”.

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho rằng điều cốt lõi trong việc ứng phó với biến chủng mới không phải vaccine mũi 3.

“Chúng ta đang tiếp tục theo dõi ảnh hưởng của biến chủng Omicron. Nếu Việt Nam có thể thúc đẩy việc tiêm vaccine mũi 3 là rất tốt. Dẫu vậy, chúng ta còn nhiều tỉnh, thành phố chưa bao phủ được 2 mũi vaccine cho người dân. Đây là điều đáng quan tâm hơn”, PGS Hà nhận định.

Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine tại nhiều địa phương vẫn ở mức dưới 50%.

Địa phươngTỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine Covid-19
Thanh Hóa27,95%
Hải Dương45,22%
Đắk Lắk36,63%
Thái Bình35,49%
Nam Định41,1%
Gia Lai33,9%
Quảng Nam25,89%
Bình Định41,53%
Hà Tĩnh44,88%
Thái Nguyên38,85%
Sơn La25,55%
Thừa Thiên - Huế48,61%
Quảng Bình37,65%
Hà Giang38,82%
Tuyên Quang37,58%
Điện Biên39,47%

Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước Omicron

Theo tiến sĩ Vũ Minh Điền, SARS-CoV-2 sẽ liên tục có những biến chủng mới trong tương lai. Tốc độ phát sinh biến chủng của virus này cũng diễn ra rất nhanh.

“Biến chủng nào thích nghi được với môi trường sống và có khả năng nhân lên mạnh mẽ sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển. Ngược lại, biến chủng nào có khuyết tật, không có khả năng nhân lên sẽ bị đào thải”, ông giải thích.

Với Omicron, WHO cũng đã đánh giá biến chủng này đáng lo ngại và có thể có khả năng lây lan nhanh.

tiem mui 3 truoc bien chung nam phi anh 2

Người dân cẩn trọng khi tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh.

Theo PGS Nguyễn Hồng Hà, phương án ứng phó đầu tiên Việt Nam cần làm trước Omicron là kiểm soát người dân nhập cảnh từ nước ngoài, qua đó hạn chế sự lây lan của biến chủng này ở trong nước.

Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường xét nghiệm để đảm bảo trong cộng đồng đã tồn tại biến chủng đó hay chưa.

“Chúng ta phải theo dõi và cập nhật các quy định của quốc tế cũng như kết quả nghiên cứu liên quan biến chủng mới, khi các thông tin liên quan Omicron còn chưa thực sự rõ ràng”, ông nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng Việt Nam cần tập trung trong việc giám sát và có sự chuẩn bị từ trước nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến chủng mới.

Ông nói: “Sự chuẩn bị trước chủ yếu là từ chiến lược của Việt Nam trong phòng, chống dịch. Cụ thể là tăng cường tiêm chủng vaccine cho người dân, tiếp tục thực hiện 5K. Ngoài ra, chúng ta phải có chương trình giám sát phát hiện ca bệnh cũng như giám sát biến đổi gene của các biến chủng nhập cảnh”.

Trong trường hợp biến chủng có thể xâm nhập trong tương lai, PGS Hùng cho rằng những biện pháp phòng dịch đang được Việt Nam áp dụng hiện nay vẫn có hiệu quả, bất chấp khả năng lây nhiễm của virus có thể sẽ cao hơn.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động giám sát để phát hiện sớm biến chủng mới, tránh để virus xâm nhập sâu vào cộng đồng rồi mới phát hiện. Khi đó, tình hình sẽ rất phức tạp và nguy hiểm”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh.

Vì sao biến chủng Omicron có nguy cơ dễ lây lan hơn?

Sự xuất hiện của 32 đột biến trên protein gai của Omicron khiến giới chuyên gia lo ngại. Nhưng chúng ta vẫn chưa có gì chắc chắn nó nguy hiểm hơn chủng Delta trước đó.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm