Ngày 22/11, khi uống cà phê tại văn phòng, Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh của Nam Phi, đã tiết lộ một bí mật cho đồng nghiệp.
“Có điều gì đó đang xảy ra. Họ tìm thấy một biến chủng chưa từng thấy trước đây” ông nói với Alex Sigal, nhà virus học đang nghiên cứu virus corona ở phòng thí nghiệm của Nam Phi.
Nhiều ngày sau đó, số ca nhiễm chủng này tại Nam Phi tăng lên chóng mặt. Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm bối rối nhận lại hàng loạt xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng protein S của virus bị thiếu một số đột biến. Điều này báo hiệu nCoV đã trải qua quá trình biến đổi. Các nhà khoa học giải trình tự gene của virus và tìm thấy hơn 50 đột biến so với chủng ban đầu.
Hai ngày sau cuộc trò chuyện, GS Oliveira đã chuyển tin tức cho Tổng thống Nam Phi, cảnh báo về một biến chủng với những điểm đáng lo, đang khiến các F0 gia tăng ở nước này. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nam Phi và các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu.
Chưa đầy 24 giờ sau, Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho biến chủng mới là Omicron và xếp nó vào danh sách biến chủng đáng quan ngại. Chưa bao giờ một biến chủng mang tới nhiều động thái nhanh như vậy kể từ khi nó phát hiện lần đầu tiên cho đến khi được WHO công bố. Việc phát hiện và phản ứng nhanh chóng của giới chức y tế toàn cầu cho thấy cuộc chiến chống lại Covid-19 của thế giới đã thay đổi thế nào qua thời gian.
Mặc dù mối nguy hiểm do biến chủng Omicron gây ra vẫn chưa rõ ràng, chính phủ các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Trung Đông ngay lập tức đưa lệnh hạn chế đi lại từ miền Nam châu Phi. Cổ phiếu, giá dầu và thị trường cũng có những biến động vì sự xuất hiện của biến chủng mới.
Nhân viên y tế xét nghiệm tìm nCoV trong một phòng thí nghiệm ở Dải Gaza. Ảnh: ZUMA Press. |
Câu hỏi về đột biến
Nguồn gốc của Omicron vẫn còn là bí ẩn. Điều duy nhất khiến chúng ta lo ngại đó là sự xuất hiện bất thường của 32 đột biến. Sau một tuần Omicron xuất hiện, câu trả lời về 32 đột biến này vẫn chưa có chính xác. WHO trong bản cập nhật ngày 28/11 cho biết chúng ta có thể mất nhiều tuần để có được nó.
Theo một thí nghiệm do nhóm chuyên gia Mỹ thực hiện (trước khi Omicron được xác định là biến chủng đáng quan ngại), những đột biến này đều đã từng cho thấy khiến vaccine kém hiệu quả. Đặc biệt, một số đột biến hoàn toàn mới và để hiểu được mức độ nguy hiểm của nó cần có thời gian đủ dài.
“Điều đáng lo nhất hiện nay là sự tích tụ rất nhiều đột biến. Tôi không biết liệu chúng sẽ kết hợp và trở thành bất kỳ biến chủng mang đặc tính nào đó khác ngoài kháng thuốc không”, nhà virus học Theodora Hatziioannou, Đại học Rockefeller, cho biết.
Tiến sĩ Sigal, làm việc tại phòng thí nghiệm an ninh cấp cao ở thành phố Durban, Nam Phi, là một trong hàng trăm nhà khoa học trên toàn cầu đang nghiên cứu biến chủng Omicron. Ông kiểm tra xem nó có khả năng chống lại kháng thể huyết thanh từ người đã tiêm chủng, khỏi Covid-19 không.
Còn quá sớm để biết liệu Omicron có khiến những người mắc phải bị bệnh nặng hơn hay triệu chứng nhẹ hơn. Những F0 đang nhiễm chủng này cần vài ngày đến vài tuần để xem tình trạng sức khỏe của họ sẽ diễn biến như thế nào.
Hãng dược Pfizer-BioNTech và Moderna đồng loạt khẳng định họ sẵn sàng điều chỉnh các mũi tiêm cho biến chủng mới nếu cần thiết. Ngay cả khi Omicron không phải mối đe dọa, sự xuất hiện của nó cũng mang tới thách thức về việc đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài nhiều năm.
Ông Sigal dự đoán: “Chúng ta có thể sẽ phải làm quen với nhiều bảng chữ cái Hy Lạp nữa bởi sự xuất hiện của những biến chủng mới là điều không thể tránh khỏi”.
Các hành khách tại sân bay Johannesburg, Nam Phi ngày 28/11, sau khi một số hãng dừng bay. Ảnh: Reuters. |
Cho đến nay, WHO đã công bố 5 biến chủng đáng quan ngại, bao gồm Omicron, Delta, Alpha, Beta và Gamma. Trong đó, Alpha và Delta đã chứng minh khả năng lây lan nhanh hơn. Beta – chủng được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi – cũng có đột biến có thể làm suy yếu vaccine.
Theo TS Sigal và những người đã nghiên cứu bộ gene này, rất có thể Omicron đã phát triển trong hơn một năm trước khi nó đột biến. Nó có thể tiến hóa từ chủng corona cổ hơn và gần như biến mất trước đó – B.1.1. Omicron cũng có thể trải qua nhiều tháng ẩn náu trong cơ thể một bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch – có thể là người mắc HIV/AIDS – sau đó, dần chiếm lấy những ưu thế tiến hóa.
Phát hiện ít nhất 160 F0 trên toàn cầu sau một tuần
Các quốc gia đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron | |||||||||||||
Nguồn: GISAID. Số liệu tính đến 18h ngày 29/11 | |||||||||||||
Nhãn | Nam Phi | Botswana | Hà Lan | Australia | Canada | Đan Mạch | Đức | Hong Kong | Anh | Israel | Italy | Bỉ | |
Số ca nhiễm | F0 | 110 | 19 | 13 | 5 | 2 | 2 | 2 | 3 | 2 | 1 | 1 | 1 |
Ngày 11/11, các mẫu bệnh phẩm đầu tiên nhiễm Omicron được thu thập ở tỉnh Gauteng của Nam Phi. Cùng ngày, một người đàn ông 32 tuổi rời Nam Phi tới Hong Kong – một trong những thành phố có quy định kiểm soát dịch nghiêm ngặt nhất. Ngày 13/11, khi đang cách ly tại khách sạn, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV và đã nhiễm chủng Omicron. Đây cũng là ca bệnh sớm nhất được phát hiện bên ngoài châu Phi.
5 ngày sau, một người 62 tuổi ở phòng khách sạn đối diện cũng cho kết quả tương tự. GS Yuen Kwok-yung, Đại học Hong Kong, cho biết cụ ông nhiễm biến chủng và giải trình tự gene cho thấy hai mẫu giống nhau gần như 100% đến mức khó xác định ai là nguồn lây của ai.
Tuy nhiên, màn hình CCTV cho thấy họ chưa từng tiếp xúc, gặp mặt, cũng không mở cửa hay dùng chung đồ đạc mà chỉ liên lạc với nhân viên khách sạn – người vốn được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ. Theo GS Yuen, rất có thể, không khí từ một trong hai phòng khách sạn mang theo virus và bay ra ngoài khi mở cửa, người còn lại hít phải. Từ giả thuyết này, GS Yuen kết luận Omicron có khả năng lây truyền cao, thậm chí nhiều hơn cả Delta.
Biển kêu gọi tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Zimbabwe, một trong những quốc gia ở miền nam châu Phi đang phải đối mặt các hạn chế đi lại do biến chủng Omicron. Ảnh: Shutter Stock. |
Quay trở lại Nam Phi, các quan chức y tế nhận thấy tốc độ lây nhiễm ở tỉnh Gauteng đang gia tăng. Ngày 11/11, thời điểm ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, 120 F0 được phát hiện ở tỉnh này – con số trong ngày thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Nhưng chỉ 3 ngày sau, 14/11, số F0 trong ngày đã vọt lên 2.308 ca. Hàng loạt xét nghiệm rRT-PCR đều cho thấy sự bất thường giống nhau ở gần như tất cả mẫu bệnh phẩm được tìm thấy.
Tỷ lệ ca dương tính không còn là 1/100 xét nghiệm nữa mà đã tăng lên 1/5, cho thấy số người thực tế mắc Covid-19 tại tỉnh Gauteng cao hơn nhiều lần. Theo Giáo sư de Oliveira, rất có thể hàng chục nghìn người ở nước này đã bị nhiễm biến chủng mới trong vài tuần qua.
Vị chuyên gia cho rằng thời điểm Giáng sinh, các gia đình di chuyển đến/đi các nước để đoàn tụ cùng người thân là yếu tố khiến Omicron ngấm ngầm lây lan nhanh như vậy.
Theo bà Jinal Bhiman, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Johannesburg, nguyên nhân khác khiến WHO có các động thái nhanh chóng cảnh báo về biến chủng này đó là những người mới khỏi Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến chủng Omicron.
Chỉ vài tiếng sau khi WHO liệt Omicron vào danh sách biến chủng đáng quan ngại, châu Âu đã cấm nhập cảnh cho hành khách đến từ châu Phi. Một phụ nữ nhiễm chủng này chưa được tiêm phòng rời Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ và đến Bỉ. Hai hành khách khác rời Cape Town đến Munich, Đức, cũng có kết quả nhiễm chủng mới.
Nhiều giờ trôi qua, số F0 nhiễm chủng này ngày càng tăng lên và hầu hết được phát hiện ở các du khách có tiền sử liên quan châu Phi. 13 người có kết quả dương tính với nCoV khi đi từ Nam Phi đến Amsterdam, Hà Lan.
Những manh mối quan trọng đầu tiên về Omicron được cho là nằm ở nơi nó được tìm thấy - tỉnh Gauteng của Nam Phi. Hiện tại, chỉ 1/4 của 60 triệu dân số nước này được tiêm vaccine Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân khiến giới khoa học lên tiếng cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng vaccine. Các biến chủng mới xuất hiện hầu hết đều bắt đầu từ những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới.
Một tuần đã trôi qua kể từ khi Omicron được phát hiện. Đây có lẽ là tuần rung chuyển nhất với thế giới khi hàng loạt lệnh cấm nhập cảnh được đưa ra. Nhưng những thông tin ít ỏi hiện có về Omicron khiến điều chúng ta có thể làm hiện tại là tăng cường biện pháp phòng dịch hiện có và chờ đợi kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.