Mới đây, thế giới ghi nhận trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Hong Kong (Trung Quốc). Bệnh nhân này từng mắc và đã được chữa khỏi Covid-19. Bốn tháng sau, người này nhiễm một biến chủng khác của SARS-CoV-2.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), đã trao đổi với Zing về vấn đề này.
Hai tình trạng khác biệt
- Tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu như thế nào?
- Tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.
Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi Covid-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm.
ThS Nguyễn Trung Cấp cho biết tái nhiễm và tái dương tính là hai khái niệm khác nhau. Ảnh: Việt Hùng. |
- Phương pháp nào được sử dụng để khẳng định bệnh nhân tái dương tính hay tái nhiễm?
- Nhiều phương pháp để xác định bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Trong đó, nuôi cấy virus có giá trị khẳng định cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện, tỷ lệ thành công thấp và cho kết quả muộn. Việt Nam hiện sử dụng phương pháp rRT-PCR để tìm chất liệu di truyền (ARN) của virus.
Theo tiêu chuẩn của WHO, ở ngưỡng phát hiện 100 bản sao trên mỗi phản ứng, xét nghiệm phải đạt độ nhạy 95%. Do đó, những bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu hoặc đang hồi phục sẽ có nồng độ virus ở ranh giới giữa âm và dương tính. Ngoài ra, kết quả còn phụ thuộc mức độ tập trung của virus trong mẫu bệnh phẩm.
Do xét nghiệm chỉ xác định được ARN (một mảnh trong cấu trúc) của virus, một số trường hợp khỏi bệnh, SARS-CoV-2 chết nhưng vẫn còn vài mảnh xác lưu lại trong mô. Lúc này, bệnh phẩm đưa vào xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Những trường hợp này được gọi là tái dương tính với virus.
Công tác xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Quốc Toàn. |
Trong khi đó, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là họ từng mắc Covid-19, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh và có thời gian dài sạch virus. Các trường hợp này mắc bệnh lần thứ 2, nuôi cấy virus có phát triển. Qua đó, chúng ta có thể kết luận bệnh nhân mang virus sống thay vì mảnh xác tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Nguy cơ từ tái nhiễm SARS-CoV-2
- Trên thế giới, một số trường hợp đã dương tính với SARS-CoV-2 sau khi được chữa khỏi Covid-19 vài tháng. Những trường hợp này có giống các ca tái dương tính tại Việt Nam?
- Các ca tái dương tính tại Việt Nam tương tự nhiều nước trên thế giới. Xét nghiệm máu của họ cho kết quả có kháng thể bảo vệ. Đây là bằng chứng khẳng định những ca này tái dương tính thay vì tái nhiễm.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân trên thế giới có kết quả dương tính trở lại nhưng không được nuôi cấy virus. Với những trường hợp này, chúng ta không thể kết luận họ tái dương tính hay tái nhiễm.
- Chúng ta thường sinh kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Tại sao vẫn có hiện tượng tái nhiễm virus?
- Đúng vậy. Chúng ta thường sinh kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, cơ thể có giữ được mức kháng thể giúp bảo vệ lâu dài hay không còn tùy từng loại virus và bản thân người bệnh.
Nhiều loại virus tạo được kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị... Một số kháng thể của virus chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn như cúm. Một vài trường hợp có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV...
Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu tùy đặc tính riêng của từng người. Hiện thế giới chưa xác định được ca tái nhiễm xuất phát từ đặc tính chung của SARS-CoV-2 hay đặc điểm miễn dịch riêng của con người.
- Người tái dương tính với virus có nguy cơ mắc Covid-19 ở lần sau cao hơn không?
- Một số nhà nghiên cứu ở Hà Lan đã tìm hiểu các chủng của virus corona gây bệnh cảm lạnh (họ hàng gần với SARS-CoV-2) trong nhiều năm. Họ nhận thấy sau mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể đều sinh kháng thể. Tuy nhiên, chúng thường suy giảm sau vài tháng. Họ tái nhiễm cảm lạnh hàng năm.
Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (bên phải) cho rằng nguy cơ của bệnh nhân tái nhiễm hiện chưa rõ ràng. Ảnh: Việt Linh. |
Đó là đặc tính của loại virus này. Chúng tạo miễn dịch không bền. Với SARS-CoV-2, các bệnh nhân khỏi Covid-19 sau vài tháng có mức kháng thể suy giảm khá nhanh. Tuy nhiên, chúng ta chưa rõ virus này có gây tái nhiễm nhanh như họ hàng của chúng hay không.
Với những người tái dương tính, chúng ta tìm thấy một số đặc điểm miễn dịch khác các ca thông thường. Dẫu vậy, y học hiện đại chưa thể xác định họ có nguy cơ tái nhiễm bệnh cao hơn hay không.
- Người tái nhiễm SARS-CoV-2 có khác biệt về khả năng lây lan cũng như đáp ứng điều trị?
- Hiện nay, thế giới mới ghi nhận một số ca tái nhiễm. Do đó, chúng ta chưa có dữ liệu để xác định người tái nhiễm có khả năng lây lan virus cao hay thấp, diễn biến bệnh có điều gì khác biệt. Về điều trị, các bác sĩ sẽ căn cứ vào diễn biến cụ thể của bệnh nhân để đưa ra phương án phù hợp.