Các bác sĩ đang ghép phổi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Sáng 23/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, công bố đã thực hiện thành công ca ghép tạng thứ 100 từ người cho chết não.
Người hiến là người đàn ông 32 tuổi ở Bắc Giang, bị chấn thương sọ não nặng, được cấp cứu ở đơn vị này vào ngày 6/3.
Sau khi chồng được khẳng định chết não, người vợ quyết định hiến mô, tạng của anh để hồi sinh những cuộc đời mới với tim, gan, 2 thận, 2 sụn, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn.
Được ghép trái tim là bệnh nhân nữ 53 tuổi, quê Bắc Giang. Gan ghép cho người đàn ông 33 tuổi ở Ninh Bình. Hai người khác ở Hải Phòng được ghép thận. Các mô còn lại được lưu giữ trong ngân hàng mô tạng để chờ ghép cho bệnh nhân phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, cho biết đây là ca hiến nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay. Các ca ghép tạng thành công. Sức khỏe các bệnh nhân hiện ổn định.
Bệnh nhân chờ ghép đã lên bàn mổ nhưng gia đình người hiến vẫn đổi ý
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện vào ngày 9/5/2010. Đến nay, 100 ca thành công, bao gồm ghép tim (50 trường hợp), phổi (6 trường hợp), gan (63 trường hợp) và thận (157 trường hợp).
Theo ông Giang, số liệu này không lớn nhưng là sự cố gắng vận động của đội ngũ chuyên môn.
"Ngoài Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cả nước chỉ có gần 50 trường hợp đồng ý hiến tạng. Con số này rất ít so với số người bị chết não hàng ngày tại nước ta. Không ít người bệnh cần ghép tạng đã không thể chờ đợi và tử vong", GS Giang nói.
Đến nay, cả nước có khoảng 170.000 người đăng ký hiến mô tạng. Con số này so với gần 100 triệu dân là quá nhỏ. Hơn thế, nguồn tạng lấy từ những trường hợp đăng ký hiến lại rất ít.
"Dù người hiến có nguyện vọng được hiến tạng từ trước nhưng chúng tôi vẫn phải nhận được sự đồng ý của gia đình", GS Giang nói.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Phương Anh. |
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, cho hay từng có bệnh nhân đã lên bàn mổ nhưng gia đình người hiến tạng thay đổi ý định, không đồng ý. Do đó, cuộc phẫu thuật phải dừng lại.
Theo PGS Quang Nghĩa, một người hiến có thể ghép tối thiểu cho 5 bệnh nhân (tim, phổi, gan, thận (2)). Ngoài ra, các mô như gân, xương, da, dây thần kinh, tĩnh mạch, van tim và giác mạc cũng có thể hiến.
Chi phí phẫu thuật cao nhưng không phải gia đình người hiến được hưởng
Thạc sĩ Phạm Thị Đào, Trưởng đơn vị tư vấn và điều phối trung tâm ghép tạng, đã hơn 12,5 năm rong ruổi khắp nơi để xin mô tạng.
Bà chia sẻ khi gia đình có bệnh nhân chết não, họ luôn trong tình trạng sốc vì người thân thường là lao động chính. Bên cạnh đó, họ cũng lo sợ nghĩa cử của mình sẽ bị đồn thổi thành buôn bán tạng.
"Không ít người hiểu lầm rằng chi phí phẫu thuật ghép tạng rất cao, lên tới vài trăm triệu đồng. Số tiền này gia đình người hiến tạng được hưởng. Tuy nhiên, điều này không chính xác", thạc sĩ Đào nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh các gia đình chỉ được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân và một chút mai táng phí với trường hợp người thân chết não. Người sống hiến tạng được tặng bảo hiểm y tế và được ưu tiên nếu sau này có nhu cầu ghép tạng.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho rằng chi phí ghép tạng tốn kém do bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ được một phần. Bệnh viện vẫn phải tiếp tục nuôi các tạng trong điều kiện tối ưu, vật tư y tế đắt đỏ.
Trước thông tin việc ghép tạng chỉ dành cho các gia đình có điều kiện về kinh tế tốt, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng rất nhiều trường hợp là người dân tộc, hộ chính sách từng được ghép tạng. Ví dụ, trong ghép thận, việc tính toán chi phí so với chạy thận lại tiết kiệm hơn rất nhiều nên các bận nhân vẫn cố gắng có thể ghép tạng.
Đặc biệt, dù đi sau thế giới gần 40 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước. Thậm chí tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển với chi phí rẻ hơn.
"So với các nước trên thế giới, chi phí ghép tạng tại nước ta vẫn rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ", ông Giang cho hay.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.