Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam lần đầu vượt mốc 40.000 ca mắc mới trong ngày

Số F0 tại Việt Nam trên đà tăng mạnh kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đáng chú ý, 14 tỉnh, thành phố thuộc miền Bắc có trên 1.000 ca nhiễm nCoV.

Tính từ 16h ngày 17/2 đến 16h ngày 18/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 42.439 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 42.427 ca trong nước. Như vậy, hôm nay, tổng ca nhiễm tăng 6.237 ca so với ngày trước đó. 63 tỉnh, thành phố ghi nhận thêm ca bệnh mới. Số lượng F0 phát triện trong cộng đồng là 31.028 người.

Số ca nhiễm mới tại Việt Nam vẫn có xu hướng tăng mạnh và liên tục vượt mức của ngày trước đó. Cả nước có 16 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới trong ngày gồm: Hà Nội (4.549), Vĩnh Phúc (2.158), Quảng Ninh (2.018), Phú Thọ (1.789), Nam Định (1.678), Thái Nguyên (1.652), Hòa Bình (1.567), Bắc Ninh (1.556), Ninh Bình (1.540), Hải Phòng (1.504), Bắc Giang (1.443), Nghệ An (1.339), Lào Cai (1.310), Hải Dương (1.302), Lạng Sơn (1.175), Bình Định (1.109).

Hà Nội vượt mốc 4.500 F0

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 18/2, thành phố ghi nhận 4.549 F0, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số trường hợp dương tính. Trong đó, 964 F0 được phát hiện trong cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly. Trong 7 ngày gần đây, Hà Nội có trên gần 25.000 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày tăng hơn 3.600 người dương tính mới.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (308); Hoàng Mai (282), Nam Từ Liêm (244), Sóc Sơn (242), Bắc Từ Liêm (236), Hoài Đức (225), Chương Mỹ (218).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 191.547 ca mắc.


Tính đến hết 16/2, Hà Nội có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hơn 3% còn lại (khoảng 4.000 ca) phải nhập viện điều trị.

Số lượng bệnh nhân nặng tại Hà Nội cũng có xu hướng tăng nhẹ, trong đó khoảng 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%).

Số còn lại là bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), lọc máu, ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).

Các tỉnh phía Bắc gia tăng ca nhiễm

Theo thống kê của Bộ Y tế trong ngày 18/2, 14/16 địa phương có số ca mắc Covid-19 trên 1.000 trường hợp đều thuộc miền Bắc (trừ Nghệ An, Bình Định). Vĩnh Phúc xếp ngay sau Hà Nội với 2.158 ca. Đây cũng là lần đầu tiên số ca mắc trong ngày của địa phương này vượt mức 2.000 người.

Theo báo Vĩnh Phúc, trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán, tỉnh này đã yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng cường phòng, chống dịch, góp phần hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả công nhân, người lao động, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được quay trở lại doanh nghiệp làm việc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm, tuyệt đối không để cán bộ, nhân viên, người lao động tổ chức tiệc tùng, lễ chùa, lễ hội, vui chơi, du lịch.

Theo báo cáo cập nhật dịch Covid-19 Quảng Ninh, trong 24h qua, 13 địa phương trong toàn tỉnh đã ghi nhận 2.018 ca mắc Covid-19 mới (1.703 ca cộng đồng, 315 ca đã quản lý, cách ly), giảm 459 ca so với ngày 17/2.

Số mắc trong ngày ghi nhận 496 ca là học sinh (chiếm 24,6%), 23 ca là giáo viên (1,1%). 367 trường hợp là công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệp (chiếm 18,2%).

Hiện Quảng Ninh điều trị cho 9.226 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 6.722 F0 điều trị tại nhà, 1.048 F0 ở khu cách ly tập trung, 1.456 F0 tại cơ sở y tế. 7 trường hợp diễn biến nặng đang điều trị các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1.131.722 người được tiêm vaccine phòng Covid-19.

10 tỉnh, thành phố có số lượng ca mắc Covid-19 trung bình cao nhất trong 7 ngày
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn Hà Nội Hải Dương Nam Định Hải Phòng Nghệ An Hòa Bình Vĩnh Phúc Phú Thọ Bắc Ninh Ninh Bình
Số F0 trung bình 7 ngày qua Người 3675 1651 1353 1262 1129 1052 1077 989 925 813

Phú Thọ cũng là địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, trong 24 giờ qua, địa phương này ghi nhận 1.791 ca mắc Covid-19 mới.

Trong các ca mắc Covid-19 mới, 970 trường hợp từ F1 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa đã được quản lý. 821 ca phát hiện từ cộng đồng.

Số bệnh nhân đang điều trị là 9.039. Trong đó, 2.861 trẻ dưới 16 tuổi; 54 trường hợp phụ nữ có thai; 1.247 người trên 50 tuổi; 521 người trên 65 tuổi và 307 người có bệnh nền.

Trong ngày, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm 40.661 liều vaccine Covid-19. Đến nay, địa phương có 98,5% người trên 18 tuổi và 96,7% trẻ 12-17 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế, ngày 18/2, Thái Nguyên ghi nhận 1.652 trường hợp mắc Covid-19, giảm 826 ca so với ngày 17/2. Sau các đợt triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được gần 2,3 triệu liều. Trong đó, tỷ lệ người tiêm đủ liều là 95,3%. Tỷ lệ người tiêm mũi 3 là 39,79%.

Ngoài ra, địa phương này cũng tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 107.000 trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đạt 96,7%. Hiện nay, lực lượng y tế tích cực đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng để tiêm đủ 3 liều cơ bản và liều bổ sung cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 23 đợt tiêm chủng.

Vaccine Covid-19 cho trẻ em an toàn tương tự loại dành cho người lớn

Tại tọa đàm tiêm vaccine cho trẻ - những lưu ý quan trọng - diễn ra chiều 18/2, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng nhấn mạnh vaccine Covid-19 cho trẻ em an toàn tương tự loại dành cho người lớn.

Theo bà Hồng, nghiên cứu trên được công nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất. Do đó, tiếp nối việc tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, hơn 60 quốc gia trên thế giới đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi. Việt Nam cũng triển khai việc này trong thời gian tới.

"Chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn, bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch Covid-19", bà Hồng nói.

Nói về những lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, PGS Dương Thị Hồng cho biết quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ em rất cần sự tham gia hỗ trợ tích cực của ngành giáo dục vì trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt.

Theo bà Hồng, thầy cô cũng cần nắm được các nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. Đó là theo dõi các phản ứng bất thường của các cháu ngay sau khi tiêm chủng.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết mỗi nhóm tuổi sẽ tiêm loại vaccine khác nhau. Với nhóm trẻ em 5-11 tuổi, Việt Nam sử dụng vaccine do hãng Pfizer sản xuất nhưng hàm lượng kháng nguyên chỉ bằng 1/3 so với vaccine đã tiêm cho lứa tuổi trẻ 12-17 tuổi và vaccine cho người lớn.

tinh hinh dich Covid-19 o Viet Nam anh 1

Vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi có nắp màu cam để tránh nhầm lẫn. Ảnh: The New York Times.

Về việc nhiều phụ huynh lo ngại phản ứng lâu dài với trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19, PGS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin. Thành phần này khi đi vào trong tế bào sẽ tạo ra các protein phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.

"Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng", ông Điển nói và mong muốn các phụ huynh cho con mình có cơ hội phòng chống dịch, hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn phủ được rộng vaccine ở nhóm tuổi thấp hơn nữa là nhóm dưới 5 tuổi vì đây là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ.

Trong ngày 17/2, 1.867.419 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 190.215.794 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 173.482.549 liều; mũi một là 70.853.682 liều; mũi 2 là 67.217.008 liều, mũi bổ sung: 13.167.375 liều; mũi 3 là 22.244.484 liều. Số liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 16.733.245 liều: Mũi một là 8.599.830 liều; mũi 2 là 8.133.415 liều.


WHO đề xuất cách ly 7-10 ngày với F0 không triệu chứng

Trong thông báo mới, WHO khuyến cáo các quốc gia nên điều chỉnh quy định, tùy từng trường hợp, người mắc Covid-19 không triệu chứng có thể cách ly từ 7 đến 10 ngày.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm