Năm 2022, đội IMO của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 và có thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Ảnh: Moet. |
Hàng chục năm qua, khi kỳ thi Olympic Toán Quốc tế (IMO) được tổ chức, Việt Nam vẫn luôn có đại diện tham gia thi đấu và đạt được những thành tựu nhất định.
Nổi bật nhất là trong 10 năm qua, đội tuyển IMO của nước ta có 5 lần lọt vào top 10, lần xếp hạng cao nhất là năm 2022, đứng ở vị trí thứ 3.
Để đạt được những thành tựu nổi bật như vậy, đội tuyển IMO Việt Nam qua các năm phải trải qua nhiều vòng thi tuyển chọn, thời gian ôn luyện căng thẳng và được bồi dưỡng bởi đội ngũ giáo viên kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm.
Cách Việt Nam đào tạo đội IMO
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết 6 thành viên chính thức của đội IMO được tuyển chọn thông qua kỳ thi cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố, cấp quốc gia và cuối cùng là kỳ tuyển chọn cuối cùng.
6 thành viên của đội olympic toán là cố định. Sau khi thông qua vòng thi tuyển cuối cùng, các bạn sẽ tập hợp để tham gia huấn luyện cùng đội ngũ giáo viên. TS Dũng cho biết số lượng giáo viên bồi dưỡng có thể thay đổi tùy từng năm, nhưng thường dao động ở con số 15-20 người.
Sau các vòng tuyển chọn, học sinh trong đội tuyển sẽ tập trung bồi dưỡng để đi thi quốc tế. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bên cạnh việc chọn đội tuyển, việc chọn giáo viên cũng rất quan trọng. Những người được chọn tham gia bồi dưỡng đội IMO đều là chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ cao trong lĩnh vực toán học để thay phiên huấn luyện đội tuyển theo từng chuyên đề.
Thông thường, 6 thành viên đội IMO học 2 buổi mỗi ngày (sáng, chiều), buổi tối là thời gian để các bạn tự học và nghỉ ngơi. Ngoài việc học theo chuyên đề và luyện giải dạng đề olympic, học sinh tham gia thi đấu cũng được chăm sóc kỹ về mặt tinh thần vì đây cũng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng và phong độ thi đấu của các bạn.
TS Trần Nam Dũng lấy ví dụ một số bạn khả năng học và giải đề trong thời gian ngắn rất tốt, nhưng khi bước vào kỳ thi lớn và phải làm việc trong 4 giờ, các bạn dễ đuối và tinh thần đi xuống, thậm chí mất khả năng suy nghĩ, tư duy. Đó là lý do công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội tuyển IMO cũng rất được chú trọng.
Nếu so với 2 quốc gia rất mạnh tại IMO là Mỹ và Trung Quốc, cách chọn đội tuyển của Việt Nam vẫn có một số điểm khác. Ví dụ tại Trung Quốc, để được tham gia đấu trường IMO, học sinh phải trải qua 8 vòng thi tuyển gắt gao. Thông qua 8 vòng này, 6 thí sinh nổi bật nhất được cử đại diện Trung Quốc để thi đấu quốc tế.
Còn tại Mỹ, đội tuyển olympic toán được tuyển chọn qua 3 vòng thi là AMC (thi cấp trường, dành cho học sinh lớp 8, 10 và 12), AIME (gồm 2 bài thi và thí sinh chọn một trong 2) và USAMO (kỳ thi cấp quốc gia), sau đó được mời tham gia trại hè để luyện tập thêm.
Khác với Việt Nam chọn 6 thí sinh cố định cho đội IMO, Mỹ lại chọn ra 12 em, sau đó tiếp tục chọn ra 6 em nổi bật nhất để đại diện đi thi. Chưa dừng lại ở đó, 6 em đội tuyển, cùng 6 em còn lại và 30 học sinh dự bị khác sẽ cùng tham gia trại hè trong 3 tuần như một cách huấn luyện trước khi thi đấu.
Việt Nam còn thiếu gì để mạnh hơn ở IMO?
Là người có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh đội IMO qua các năm, thầy Trần Nam Dũng nhận xét học sinh trong đội có những ưu điểm, nhược điểm riêng.
Ví dụ với những bạn là học sinh ở tỉnh, dù xuất phát điểm thấp, nhưng khi đến Hà Nội học và được bồi dưỡng bài bản cùng giáo viên, các bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.
Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong việc dạy toán cho học sinh nên việc thi IMO cũng gặp khó khăn so với các đội mạnh ở nước khác. Ảnh minh họa: Freepik. |
Còn nếu so với Mỹ, Nga hoặc Hàn Quốc và Trung Quốc, điểm mạnh của học sinh Việt Nam là phần kỹ thuật, các bạn sẽ giải quyết rất tốt những bài toán mang tính kỹ thuật, có lớp lang bài bản - đôi khi các nước khác cũng rất ngại để giải.
Đổi lại, điểm yếu của học sinh Việt Nam lại nằm ở những bài toán mang tính mới lạ, đòi hỏi người giải phải có khả năng sáng tạo và tư duy mạnh mẽ, linh hoạt.
TS Dũng lấy ví dụ trong kỳ thi IMO 2024, ý tưởng đề thi có sự pha trộn giữa đại số và hình học, trong khi đề thi tuyển chọn học sinh giỏi ở Việt Nam rất ít dạng như vậy, học sinh chưa được rèn luyện nhiều nên các bạn không quen giải.
Hơn nữa, học sinh Việt Nam còn hạn chế ở một điểm là kiến thức nền tảng của các bạn chưa được bài bản, đồng đều vì mỗi nơi dạy mỗi khác và phần nhiều còn thiên về lý thuyết.
Khi học sinh vào đội tuyển, TS Dũng nhận thấy khả năng của các bạn trong đội có sự chênh lệch, mỗi bạn lại mạnh ở một mảng khác nhau nên công tác bồi dưỡng cũng cần được thiết kế phù hợp để đảm bảo 6 học sinh rèn luyện đồng đều.
Vài tháng trước, huấn luyện viên olympic toán của Trung Quốc - ông Vương Vệ Hoa - đề cập đến việc AI đang tác động đến phương pháp bồi dưỡng olympic toán.
Hiện tại, trí tuệ nhân tạo vẫn còn kém hơn con người một chút trong việc đưa ra giải thích và lập luận, nhưng thầy Vương tin rằng chúng hoàn toàn có thể bắt kịp con người trong tương lai. Thậm chí, ông tin rằng AI có thể chinh phục IMO.
Bàn luận về vấn đề này, thầy Trần Nam Dũng nói rằng nếu AI thực sự có thể chinh phục IMO, chúng ta phải dạy cho con người giỏi hơn AI.
Thầy giáo nhận định AI có những thế mạnh riêng như phân tích được rất nhiều trường hợp của đề bài trong thời gian ngắn. Nhưng nếu thực sự chúng ta có thể dạy AI cách suy nghĩ, chúng ta cũng có thể làm được điều đó với con người và học sinh xuất sắc vẫn mạnh hơn AI.
Còn về việc bồi dưỡng cho học sinh Việt Nam nói riêng, TS Dũng nói rằng Việt Nam không hề kém trên đấu trường IMO, học sinh cũng đang được học rất tốt.
Nhưng điều quan trọng chúng ta cần làm trong thời gian tới là điều chỉnh, khắc phục điểm yếu trong việc dạy toán để học sinh được học đều và bài bản hơn. Các kỳ thi chuyên, thi học sinh giỏi cũng cần có những định hướng tiệm cận kỳ thi quốc tế để trẻ được tiếp xúc và rèn luyện với các dạng đề mới ngay từ sớm.
"Đề thi quốc tế đôi khi chỉ dùng những kiến thức đơn giản nhưng lại thiên về sự sáng tạo, tư duy nhiều hơn. Trong khi đó, đề chọn học sinh giỏi trong nước vẫn sử dụng nhiều kiến thức nặng. Điều này đôi khi khiến học sinh mất sức và không thể phát triển tư duy của các em. Cái quan trọng ở toán vẫn là phát huy tư duy của học sinh chứ không phải đặt nặng vấn đề kỹ thuật", TS Dũng nhấn mạnh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.