Mỹ ghi nhận thêm những trường hợp gia súm nhiễm cúm gia cầm. Ảnh: New York Times. |
New York Times ngày 25/3 cho biết những con bò được cho là nhiễm virus từ chim hoang dã, và các báo cáo thông tin một số trường hợp chim chết ở những trang trại. Ủy ban Sức khỏe Vật nuôi Texas xác nhận virus cúm gia cầm H5N1 ở những trường hợp nhiễm bệnh.
Trước đó, nhiều cơ quan tại Mỹ đã điều tra về những trường hợp bò bị ốm ở bang Texas, Kansas và New Mexico. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những con bò già, khiến chúng chán ăn, sốt và giảm sản lượng sữa đột ngột. USDA nói rằng chưa ghi nhận trường hợp chết ở những đàn bò bị nhiễm.
Trong một số trường hợp, virus cúm được phát hiện ở các mẫu sữa chưa tiệt trùng lấy từ những con bò bị ốm. Các chuyên gia cho biết phương pháp tiệt trùng sẽ vô hiệu hóa virus cúm, do đó nguồn cung sữa là an toàn.
“Ở thời điểm này, không có lo ngại về tính an toàn của nguồn cung sữa thương mại, hoặc rủi ro đến sức khỏe người tiêu dùng”, USDA cho biết.
Trước đó, Mỹ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên gia súc nhiễm virus cúm gia cầm, sau khi một con dê ở bang Minnesota dương tính với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI).
USDA thông tin các mẫu virus cúm từ những con bò bị ốm không chứa đột biến gene, được cho là khiến virus dễ lây sang người, nói thêm rủi ro với công chúng vẫn ở mức thấp.
Song, Stacey L. Schultz-Cherry, nhà virus học và chuyên gia về bệnh cúm tại bệnh viện St. Jude Children’s Research, nói rằng bò không phải loài dễ nhiễm cúm gia cầm, do đó đây vẫn là trường hợp đáng lo ngại trong bối cảnh cúm gia cầm bùng phát trên toàn cầu trong những năm qua.
Phiên bản virus cúm gia cầm H5N1 lây lan giữa những loài chim hoang dã gần đây liên tục nhiễm sang các loài ăn xác thối, chẳng hạn cáo, khi có thể ăn thịt những con chim nhiễm bệnh.
Chim hoang dã có thể lây lan virus qua phân và dịch tiết từ miệng sang những loài gia cầm nuôi và loài vật khác. Những đợt bùng phát thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè, thời điểm chim di cư.
Các chuyên gia cho rằng những trường hợp gia súc nhiễm cúm gia cầm là dấu hiệu cần tăng cường theo dõi tình trạng cúm, đặc biệt khi virus càng lây nhiễm lên động vật có vú thì càng có nguy cơ virus tiến hóa.
Cúm A/H5 lây nhiễm thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, cúm A/H5 là vi rút cúm lây từ gia cầm sang người thông qua việc hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) từ những con vật bị nhiễm bệnh.
Khi vi rút tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ, sau đó nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể. Điều này khiến hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi nhanh chóng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Người nhiễm cúm A/H5 thường có các triệu chứng tương tự khi nhiễm cúm thông thường và kèm theo một vài dấu hiệu nguy hiểm hơn. Những triệu chứng nhận biết cúm A/H5 ở người thường bắt đầu trong khoảng 2 - 5 ngày kể từ lúc bị vi rút xâm nhập như sốt cao, đau đầu, rét run, tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, bị đau ngực, ho…
Các triệu chứng cúm A/H5 diễn ra nặng hơn sau đó. Lúc này, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp với các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, tím tái da, thậm chí cảm thấy đau toàn thân, mê man...