Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Virus cúm thay đổi thế nào trong mùa đông xuân năm nay?

Tình hình dịch bệnh phức tạp, thời tiết mùa thu đông thất thường khiến “mùa cúm" năm nay có thể thêm nhiều ca mắc mới nếu không có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức - BS chuyên khoa cấp 2 Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - chia sẻ về một số lưu ý trong mùa cúm năm nay.

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Lịch sử thế giới nhắc nhiều đến các đại dịch liên quan đến loại virus này. Với nhiều nước xứ lạnh, cúm - thường được gọi là “cúm mùa”, thực sự là gánh nặng phải ứng phó hàng năm.

Ở Bắc bán cầu, mùa cúm có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 10 và kéo dài đến cuối tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau. Ở vùng ôn đới của Nam bán cầu, hoạt động cúm thường xảy ra vào khoảng tháng 4 đến tháng 9.

cum mua anh 1

Bệnh cúm A có thể gây biến chứng nặng và tử vong, đặc biệt ở trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính.

Thế giới phải đối mặt với dịch cúm A trong mùa hè

Mùa cúm ở Australia năm nay là mùa cúm tồi tệ nhất trong vòng 5 năm, sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19.

Kể từ đầu năm, gần 40.000 trường hợp trong cả nước đã được báo cáo, 26.000 trong số đó nhiễm cúm trong tuần thứ hai và thứ ba của tháng 5. Số người nhập viện đang tăng gấp đôi mỗi tuần ở bang Queensland. Trên toàn quốc, tỷ lệ nhập viện đặc biệt cao ở những người trẻ tuổi.

Tại vùng nhiệt đới như Đông Nam Á, cúm thường xảy ra suốt cả năm. Năm nay, các nước này cũng ghi nhận số ca mắc cúm tăng cao từ tháng 7 với chủng cúm A chiếm ưu thế.

cum mua anh 2

Thống kê các chủng virus cúm trên thế giới đến giữa tháng 10. Ảnh chụp website World Health Organization.

Dịch cúm trở lại sau Covid-19 tại Việt Nam

Từ tháng 7, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc cúm A tăng cao bất thường, bao gồm cả đối tượng trẻ em và người trong độ tuổi lao động. Lý do hàng đầu khiến dịch cúm bùng phát trong thời gian qua là người dân không tiêm vaccine cúm giai đoạn Covid-19, dẫn đến miễn dịch với cúm suy giảm. Hơn nữa, các biện pháp phòng bệnh như giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay… cũng giảm sau đại dịch.

Có thời điểm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận hơn 100 ca mắc cúm A thăm khám và nhập viện điều trị. Có ngày, cùng lúc 20 bệnh nhân tại một khu công nghiệp nhập viện do cúm A.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận điều trị hàng trăm bệnh nhi mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não, nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp.

Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây biến chứng nặng và tử vong, đặc biệt ở trẻ em; người trên 65 tuổi; người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Đến tháng 10, Sở Y tế Bắc Kạn ghi nhận gần 700 học sinh huyện Chợ Đồn sốt phải nghỉ học. Trong đó, một em 8 tuổi tử vong. Sau khi gửi các mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) xét nghiệm, bước đầu xác định dịch cúm B đang xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, không loại trừ bệnh khác như adenovirus.

Khuyến cáo của WHO cho mùa cúm đông xuân

3 loại virus gây cúm gồm virus cúm A, B và C. Trong đó, cúm A và B có nguy cơ cao nhất vì khả năng gây thành dịch, đại dịch. Cúm B là virus cúm chỉ gây bệnh cho người, bao gồm 2 dòng B/Victoria và B/Yamagata. Nhìn chung, cúm B ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Các chủng cúm A thường lưu hành phổ biến là A/H1N1, A/H3N2 và có thể gây ra dịch hoặc đại dịch.

Hệ thống giám sát và ứng phó với dịch cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - GISRS) đã theo dõi sự biến đổi tính kháng nguyên của virus cúm, đưa ra khuyến cáo cho các nhà sản xuất vaccine. 4 chủng cúm có khả năng lưu hành phổ biến trong mùa cúm Bắc bán cầu năm 2022-2023 được cập nhật gồm cúm A/Victoria/2570/2019 (H1N1)pdm09-like virus, cúm A/Darwin/9/2021 (H3N2)-like virus, cúm B/Austria/1359417/2021 (B/Victoria lineage)-like virus và cúm B/Phuket/3073/2013 (B/Yamagata lineage)-like virus.

cum mua anh 3

Người dân cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để luôn được bảo vệ tốt nhất.

Hiện nay, Việt Nam đã có vaccine cúm tứ giá cập nhật chủng mới Bắc bán cầu 2022-2023 phòng ngừa cả 4 chủng virus cúm (2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B) theo khuyến cáo của WHO. Đây là các loại vaccine cúm bất hoạt, không gây bệnh cúm mà chỉ tạo kháng thể khi tiêm vào cơ thể, bao gồm vaccine phân mảnh và vaccine tiểu đơn vị. Vaccine tiểu đơn vị chứa thành phần kháng nguyên chọn lọc của virus cúm nhằm hạn chế tác dụng ngoại ý như sốt, đau tại chỗ tiêm.

Vaccine có hiệu quả phòng bệnh cúm khoảng 2-3 tuần sau tiêm. Thời gian duy trì miễn dịch thường kéo dài 6-12 tháng. Vì vậy, người dân cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để luôn được bảo vệ tốt nhất.

Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ em từ 6 tháng tuổi; người lớn, đặc biệt người cao tuổi; người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch… nên đến trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm phòng cúm hàng năm với vaccine cập nhật chủng mới nhằm phòng tránh biến chứng nguy hiểm, bảo vệ bản thân và gia đình.

Để hiểu thêm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm, độc giả có thể truy cập: acare.abbott.vn

Cúm A tăng, người cao tuổi có nên tiêm vaccine giai đoạn này?

Số ca nhiễm cúm thường tăng khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, với sự biến đổi thời tiết bất thường, tỷ lệ nhiễm cúm đang tăng lên cả trong mùa hè, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Giang Đăng Nguyên

Bạn có thể quan tâm