Theo chuyên gia tài chính, lựa chọn nào cũng có ưu điểm riêng, tùy thuộc vào ngân sách, mục tiêu và sự đồng thuận giữa hai phía.
Nên thuê hay mua nhà là một trong những câu hỏi lớn nhất của các đôi khi bước vào hôn nhân. An cư lập nghiệp từng là quan niệm phổ biến. Tuy vậy, hiện nhiều người trẻ có hướng suy nghĩ mới mẻ hơn.
Zing đã trò chuyện với 3 đôi vợ chồng cùng chuyên gia tài chính để tìm hiểu.
Nhà chung cư thích hợp với vợ chồng trẻ
Hoàng Trâm - Quốc Thái (TP Thủ Đức)
Từ trước khi cưới, chúng tôi đã quyết định mua nhà vì muốn có "tổ ấm" riêng - nơi hai vợ chồng tự do bài trí, đầu tư.
Dù vậy, trong thời gian đầu, vì mọi chuyện diễn ra chưa suôn sẻ nên chúng tôi thuê nhà.
Cá nhân tôi thấy ở nhà thuê có một số bất tiện như khó cải tạo không gian, cảm giác không phải nhà mình và nếp sinh hoạt đôi khi mâu thuẫn với người thuê cùng.
Sau đó, chúng tôi "đánh liều" xoay xở tài chính và tìm mua một căn hộ chung cư nhỏ.
Nhờ sự hỗ trợ của gia đình với một ít tiền dành dụm, chúng tôi mua căn hộ dưới dạng vay 70% từ ngân hàng và thanh toán trước 30%.
Chi phí trả gốc và lãi mỗi tháng tương đương với tiền thuê nhà trước đây. Nhưng, điểm khác biệt là chúng tôi đang thực sự đầu tư vào tài sản của mình.
Ở nhà đất thường lợi hơn về mặt kinh tế. Nhưng với vợ chồng trẻ, tôi nghĩ chung cư là lựa chọn thích hợp vì chính sách vay và giá khá ổn. Ngoài ra, sự an toàn, tiện nghi của chung cư khiến tôi an lòng khi có việc đi xa dài ngày.
Ở nhà thuê để dư tiền kinh doanh
Mỹ Anh - Hoàng Việt (Quận 7, TP.HCM)
Thời điểm chúng tôi kết hôn, cả hai chưa đủ ngân sách cho việc mua nhà và thường xuyên rời thành phố đi công tác, du lịch, do đó chỉ thuê một căn hộ nhỏ với giá khoảng 13 triệu đồng/tháng.
3 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến vấn đề sở hữu nhà riêng. Lý do là ở nhà thuê khá thuận tiện trong việc di chuyển, chủ nhà cũng rất vui vẻ, tử tế.
Thay vì phải tiết kiệm một quỹ lớn từ 2 tỷ đồng trở lên, chúng tôi được ở những vị trí đẹp và khu chung cư cao cấp với ít tiền hơn, đồng thời dư một khoản để kinh doanh bên cạnh công việc chính.
Quan trọng là chăm sóc không gian sống
Quỳnh Anh - Việt Nguyễn (Quận Phú Nhuận, TP.HCM)
Chúng tôi kết hôn đã gần 2 năm. Hiện tại, hai vợ chồng sống cùng 4 chú mèo và đang chuẩn bị chào đón thành viên mới.
Vì chúng tôi may mắn có nhà trước cưới nên không phải bận tâm việc thuê hay mua.
Nhưng từ trước đến nay, quan điểm của tôi vẫn là ưu tiên thuê nhà và sử dụng tiền đầu tư. Bởi việc dồn hết quỹ vào nhà cửa thường gây áp lực tài chính và tạo không khí ngột ngạt không đáng có.
Người trẻ như tôi đa phần mất 2/3 thời gian hàng ngày cho công việc, vì vậy nhà thuê hay nhà mình thực ra không thành vấn đề. Điều quan trọng là ta đảm bảo chất lượng cuộc sống như thế nào.
Chúng tôi dự định mua thêm một căn nhà trong tương lai, nhưng có lẽ chỉ khi đã đầu tư kênh khác đủ nhiều và dư dả một chút.
Việc có em bé càng khiến tôi cân đo đong đếm tiền bạc hơn trước. Chúng tôi muốn tiết kiệm để sửa sang nhà đẹp hơn và có nhiều không gian cho em bé sinh hoạt.
Lưu ý gì khi mua hay thuê nhà cùng nhau?
Chia sẻ với Zing, Mina Chung, diễn giả - đại sứ nền tảng tài chính cá nhân, cho rằng việc mua hay thuê nhà thực tế là lựa chọn riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, vì nhà là tài sản chung trong hôn nhân, các đôi cần cân nhắc kỹ để dung hòa ý kiến.
Thứ nhất, bạn có thể thống nhất mục tiêu tài chính của mình và bạn đời.
Bất động sản là một tài sản lớn nên việc dành nhiều thời gian nghiên cứu trước khi mua là rất cần thiết. Tùy nhu cầu ở hay đầu tư mà vị trí, tiện ích đi kèm sẽ khác nhau.
Trong trường hợp thuê nhà, hãy thỏa thuận giá thuê với nhau.
Tiền thuê nhà trung bình chiếm một khoản lớn trong thu nhập của cư dân TP.HCM. Quyết định thuê dài hạn nhưng thiếu chuẩn bị tài chính có thể khiến bạn gặp khó khăn sau này.
Thứ hai là xem xét về hoàn cảnh, tâm lý.
Không ít người trẻ có thể trả nợ dài hạn nhờ thu nhập ổn định và khả năng phát triển sự nghiệp. Lúc này, câu hỏi nên đặt ra là nếu mua nhà, mỗi bên sẽ đóng góp bao nhiêu hàng tháng?
Giả sử tổng thu nhập của hai bạn là 50 triệu đồng/tháng, tiền trả gốc và lãi không nên quá 35-40%, nghĩa là 20 triệu đồng. Số nợ lớn hơn có thể ảnh hưởng các chi tiêu khác.
Về tâm lý, nợ nần có làm một trong hai người áp lực không? Nhiều bạn xem đây là cách để tích lũy kỷ luật hơn, nhưng vài người lại muốn sống bình yên, không lo lắng về nợ.
Điều này dẫn đến điểm thứ ba, và thực ra là điểm quan trọng nhất: Số vốn hai bạn đang có là bao nhiêu?
Nếu bạn không có sẵn tiền và phải vay con số quá lớn, dĩ nhiên, bạn cần tiếp tục thuê nhà cho đến khi dành dụm được một khoản nhất định.
Một số yếu tố khác, bao gồm:
- Nếu mua, ai là người đứng tên căn nhà hay cả hai?
- Giá trị căn nhà muốn mua không nên vượt 4-5 lần tổng thu nhập năm. Nếu hai bạn kiếm được 600 triệu đồng/năm thì nhà nên ở mức dưới 3 tỷ đồng.
- Những chi phí và giấy tờ khi mua hoặc thuê.
- Nhà có thể là tài sản khi về hưu, đặc biệt với gia đình sẽ sinh con.
- Trước khi mua, bạn có thể thuê ở thử vài tuần hay vài tháng xem nhà có phù hợp và đúng như những gì được quảng cáo không.
- Mua nhà khi giá trị thật thấp hơn giá bán - chiến thuật value investing (đầu tư giá trị).
- Tiền thuê nhà không nên quá 25-30% tổng thu nhập của gia đình.
- Một số ứng dụng công nghệ bất động sản (property technology) với hợp đồng thuê để mua có thể là lựa chọn cho ai không quyết định được việc mua hay thuê. Mỗi tháng, bạn vừa trả phí thuê vừa góp tiền mua nhà trong 10-20 năm.
Khi thuê nhà, bạn góp tiền cho người chủ, còn khi trả nợ mua nhà, bạn đang góp cho ngân hàng nhưng trong đó vẫn có một phần sở hữu của gia đình mình.
Thế nhưng, nếu không thích bất động sản, các đôi hoàn toàn có thể nghĩ đến việc thuê nhà và đem vốn đi đầu tư vào kênh có tỷ suất sinh lời cao hơn.
Mua hay thuê nhà cũng tốt, miễn là đôi bên đồng ý với nhau và hạnh phúc với điều mình chọn.