Chênh lệch mức lương hay khác biệt chi tiêu có thể gây ra nhiều bất đồng. Ảnh: Tirachardz/Freepik. |
Theo Northwestern Mutual, việc vượt qua được những khác biệt tiền bạc có thể cải thiện được mối quan hệ của hai người.
Nicolle Osequeda, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại Chicago (Mỹ), chia sẻ: “Những cuộc trò chuyện sẽ mang đến cảm giác an toàn cũng như giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề của nửa kia”.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng có tư tưởng trái ngược nhau về tiền bạc.
Khác biệt chi tiêu
Nhà trị liệu tâm lý và huấn luyện viên tài chính người Mỹ Nikiya Spence cho biết cách mọi người quản lý tiền chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh từ nhỏ. Một người luôn cố gắng tiết kiệm khi ở bên người thích tiêu xài hoang phí có thể sẽ xảy ra nhiều bất đồng.
“Những mâu thuẫn này thường rất căng thẳng và xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, hoặc tư tưởng được dạy từ thời thơ ấu của mỗi người. Ví dụ, con cái của gia đình với mức lương trung bình khá sẽ thường lo toan về các khoản tiết kiệm hơn so với những người lớn lên trong điều kiện giàu có”, bà chia sẻ.
Các cặp đôi nên tạo tài khoản chung đối với các chi phí sinh hoạt chính. Ảnh: Bach Hanzo/Pexels. |
Bước đầu giải quyết vấn đề là học cách chấp nhận. Các cặp đôi có thể xem xét đến việc dành ra một số tiền nhất định mỗi tháng, sau đó tạo tài khoản chung cho các phí sinh hoạt chính. Ngoài ra, hai người cũng có thể giữ riêng một số tiền tiết kiệm hoặc chi tiêu cá nhân riêng.
Theo Nikiya, vấn đề này cần phải công bằng, không thể ép buộc ai phải thay đổi hoàn toàn vì nửa kia.
“Người thích mua sắm nên được cho phép chi tiêu cho những gì họ muốn trong một chừng mực nhất định. Trong khi đó, người còn lại có thể thỏa mãn mong muốn tiết kiệm”.
Chênh lệch mức lương
Khi các cặp đôi có sự khác biệt lớn giữa các nguồn thu cá nhân, thậm chí có trường hợp một người không thể tự kiếm tiền, những bất đồng của họ càng thêm trầm trọng.
Người có mức lương thấp hơn dễ cảm thấy kém cỏi vì đóng góp vào thu nhập chung không đủ, người có tài chính vững vàng lại áp lực khi trở thành trụ cột gia đình.
Điều quan trọng trên hết là không được đề cao giá trị của bản thân chỉ vì có khả năng kiếm nhiều tiền hơn. Dù không có thu nhập ổn, nửa còn lại có thể đảm đương phần lớn việc chăm sóc con cái và lo toan nhà cửa.
“Có thể những đóng góp này không phải vật chất, song chúng vẫn có ý nghĩa đối với lợi ích chung của cả gia đình”, Osequeda cho hay.
Thu nhập chung của gia đình có thể phân chia dựa vào sự chênh lệch mức lương. Ảnh: Rodnae Productions/Pexels. |
Nếu cả hai vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi chia đôi các khoản chi, hãy cân nhắc phân chia theo mức phần trăm lương.
Osequeda chia sẻ: “Đối với các chi phí chung, hai người có thể chia ra như cách các bạn đóng góp vào thu nhập chung của gia đình, người này 75%, người kia 25%”.
Phương pháp này có thể giảm bớt các gánh nặng trên vai người có thu nhập kém hơn.
Nợ chung, nợ riêng
Tranh cãi có thể xảy ra nếu hai người đến với nhau nhưng lại không chia sẻ về những khoản nợ bên ngoài từ trước.
Cuối cùng, cách xử lý các khoản nợ sẽ phụ thuộc vào quyết định kết hợp tài chính của cả hai. Bên cạnh những người cho rằng sau khi kết hôn, các khoản nợ riêng sẽ thành nợ chung, nhiều người tin rằng đó là vấn đề không liên quan đến mình.
Nhà trị liệu Nikiya cho biết: “Vấn đề này không có câu trả lời đúng hay sai. Một vài người tin rằng khi bạn đã bắt đầu một mối quan hệ, tài chính phải là của chung, trong khi những người khác tin rằng nên tách biệt tài chính và các khoản nợ trong quá khứ”.
Nắm quyền chi tiêu
Trong vài trường hợp, giữa các cặp đôi chỉ có một người thường chịu trách nhiệm về tài chính.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Newport Beach (Mỹ) Lisa Bahar cho biết: “Vấn đề tiền bạc có thể tạo ra rất nhiều ảnh hưởng. Người nắm quyền kiểm soát tiền bạc thường có xu hướng kiểm soát mối quan hệ, trong khi đó người kia lại yếu thế hơn về mặt tài chính”.
Cả hai nên trao đổi trực tiếp với nhau về vấn đề tiền bạc. Ảnh: Melike Benli/Pexels. |
Cho dù chưa kết hôn hay đã ở bên nhau nhiều năm, điều quan trọng là các cặp đôi phải giải quyết vấn đề trực tiếp, tìm ra cách quản lý tiền chung.
Đây là những cuộc trò chuyện khá nhạy cảm, nhiều người thường né tránh vấn đề này. Cuối cùng, sự tôn trọng lẫn nhau mới là điều quan trọng.
Osqueda nói: “Bạn có thể không đồng ý 100% nhưng hãy thay đổi cách lắng nghe và tôn trọng nhu cầu cá nhân của mình”.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.