VÕ ĐƯỜNG GIÚP NGƯỜI TẬT NGUYỀN TẬP VẬN ĐỘNG
Hơn 10 năm nay, võ đường của võ sư Lê Hoàng Mai (Phú Nhuận, TP.HCM) đã giúp đỡ nhiều người tật nguyền tìm thấy một "cuộc đời mới" bằng các bài tập vận động.
- Cố lên, em làm được mà, chỉ một bước nữa thôi. Báo, nhìn thẳng vào mắt thầy nè, em làm được mà, bước chân lên đi em, một bước nữa thôi!
Đó là những lời động viên quen thuộc của võ sư Lê Hoàng Mai (Chủ nhiệm CLB võ thuật Team 404, cựu Trưởng bộ môn Aikido quận Tân Bình) tại võ đường nằm trên lầu ba Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận. Đây là nơi mỗi tối thứ ba, năm, bảy hàng tuần có rất đông người khuyết tật đến tập phục hồi chức năng miễn phí.
Võ sư Mai đang khích lệ cậu học trò Nguyễn Khắc Báo, người từng nằm liệt giường sau vụ tai nạn giao thông vào hai năm trước. Giờ đây, Báo đã có những bước đi đầu tiên kể từ biến cố kinh hoàng.
Lớp tập vận động miễn phí dành cho những ca khó
"Ở đây toàn tập trung những ca khó không à", thầy Mai nói trong lúc ánh mắt vẫn dõi theo những cô cậu học trò đang mướt mồ hôi tập với sự hỗ trợ của phụ huynh hoặc các trợ giảng (là các thành viên trong Team 404, những người đã theo thầy Mai học võ trong nhiều năm).
Những người tìm đến lớp tập phục hồi chức năng của thầy Mai đa phần là phụ huynh có con gặp tai nạn, tai biến nặng, mất hoặc suy giảm khả năng vận động bẩm sinh, mất ý thức,...
Lớp tập vận động có diện tích khoảng 100 m2, cao điểm lên đến 50 người cả võ sư, phụ huynh và người cần chữa trị. |
5 tháng trước, bé Nguyễn Trọng Nghĩa (4 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) bị chấn thương sọ não, gần như không còn cử động được tứ chi, mắt lúc nào cũng sụp xuống và nằm một chỗ. Không đầu hàng với số phận, chị Tiên quyết định nghỉ việc, hàng ngày đưa con đến lớp của thầy Mai để tập vận động.
Chị Tiên quyết định nghỉ việc, hàng ngày đưa bé Nghĩa đến lớp của thầy Mai để tập vận động. |
Cũng như những trường hợp khác, bé Nghĩa được thầy Mai và các thành viên trong Team 404 hỗ trợ tập các động tác phục hồi chức năng.
Các động tác tập luyện được thầy Mai áp dụng bằng kinh nghiệm về võ thuật, điển hình là động tác bò bằng tay, đu xà. Để tập được các động tác này, cả người bệnh và người hỗ trợ đều phải nỗ lực hết sức, đồng thời kiên nhẫn trong thời gian dài mới có thể mang lại kết quả.
Ngoài ra, để bổ trợ tốt hơn cho các bài tập vận động, người bệnh phải chịu thêm những cơn đau do massage, bấm huyệt của võ sư Mai và học trò. Nhiều bé còn nhỏ, sức chịu đựng kém, không nén được đau đã bật khóc.
Nhiều bé không chịu được đau và bật khóc trước các bài tập "khó nhằn" tại phòng tập của võ sư Mai. |
Ròng rã theo các bài tập gần một tháng trời, giờ đây, chị Tiên có thể yên tâm phần nào khi tình hình của bé Nghĩa đã có tiến triển khá khả quan. Những ngày gần đây, bé đã có thể cử động nhẹ được một tay, nhận biết được cha mẹ và đòi ăn.
Tình trạng của bé Nghĩa đã có tiến triển tốt. Em đã có thể cử động nhẹ được tay chân, ăn uống bình thường và ngồi được. |
Nguyễn Khắc Báo cũng là một trong những ca khó ở lớp tập vận động vì bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Vừa chạy ăn từng bữa, vừa phải dành chi phí lớn để điều trị cho con nên vợ chồng ông Đăng rất vất vả.
"Từ khi cho con tập ở đây và nhận được sự giúp đỡ tận tình của các anh chị em, con tôi bắt đầu tự đi đứng được, tôi cũng bớt lo lắng đi phần nào", ông Đăng tâm sự.
"Hồi nó bị tai nạn, tôi chỉ mong sao cho nó sống được, còn bây giờ khi nó đã sống rồi thì tôi lại phải vất vả nuôi con, chạy chữa cho con. Nhưng biết sao được, con của mình mà", ông Đăng ngậm ngùi kể về hành trình chữa trị cho con trong suốt 2 năm nay. |
Ngôi nhà của những phận đời khốn khó
Không chỉ giúp đỡ những bệnh nhân tại võ đường, võ sư Mai còn hỗ trợ nơi ăn, chốn ở cho một vài trường hợp đặc biệt, nhà ở xa và không có người chăm sóc thường xuyên.
Trần Xuân Triều (25 tuổi) bị tai nạn rơi từ tầng 5 khi đang làm phụ hồ từ 9 tháng trước. Vụ tai nạn khiến chàng trai này bị gãy cột sống lưng, mất chức năng chân. Nhà ở cách phòng tập hơn 10 km nên những ngày có buổi tập, Triều được người thân đưa đến nhà thầy Mai để tiện chăm sóc, sinh hoạt. Sau đó, Triều được các thành viên của Team 404 hỗ trợ đưa đến võ đường vào buổi tối.
Nhà ở cách xa phòng tập, Triều được võ sư Mai cho về nhà ở để tiện chăm sóc, sinh hoạt và tập luyện. Triều bị tai nạn lao động cách nay 9 tháng dẫn đến gãy cột sống lưng, mất chức năng chân, phải phẫu thuật bắt ốc dọc cột sống. |
Ngoài ra, ngôi nhà võ sư Mai còn là nơi ở của các học trò, những thành viên của Team 404 và đã theo thầy học võ lâu năm.
Trần Hữu Tài (17 tuổi) là người theo thầy Mai được gần một năm nay. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp, công việc chính của Tài là phụ thầy Mai hỗ trợ những người khuyết tật tại nhà, bao gồm chăm sóc vết thương, cõng đến lớp tập vận động.
"Làm công việc này đã quen nên em không thấy cực lắm. Sau này, em cũng muốn theo nghề võ giống thầy Mai", Tài tâm sự.
Ngoài việc phụ giúp trong việc chăm sóc người khuyết tật tại nhà võ sư Mai, mỗi buổi tập, Nguyễn Thành Tài còn hỗ trợ cõng người bệnh lên phòng tập ở tầng 3. |
Hiện tại, ngôi nhà của võ sư Mai là nơi sinh sống của gia đình cùng 3 môn đệ và 4 người khuyết tật. Tất cả đều được thầy Mai cho ăn ở miễn phí.
"Đôi lúc, cũng có gia đình hỗ trợ tiền cơm một ít nhưng không đều. Thầy trò cứ sống dựa vào nhau, biết đủ là đủ thôi", võ sư Mai cho biết.
Đang học ngành Dược năm I, Nguyễn Thị Bích Lợi (người cầm lái) nhận ra không hợp với ngành này nên theo thầy Mai tập võ và chuyển sang Đại học Thể dục thể thao với ước mơ làm cô giáo dạy võ. Hàng ngày, ngoài giờ học, Lợi phụ thầy Mai trong việc đi chợ, nấu cơm, hỗ trợ và chăm sóc các bạn khuyết tật. |
Lo lắng cho cuộc đời mới của người khuyết tật
"Ngày trước, tôi đã từng là một thằng nhóc lêu lổng, quậy phá, nhờ có thầy định hướng nên tôi mới có ngày hôm nay. Vì vậy, bây giờ, tôi cũng muốn làm gì đó để hỗ trợ các em có một hướng đi đúng, tránh đi vào vết xe đổ như tôi ngày xưa và giảm bớt gánh nặng cho xã hội", võ sư Mai cho biết.
Không chỉ vất vả trong việc phục hồi thể chất cho những người khuyết tật, thầy Mai còn đau đáu suy nghĩ hướng đi tiếp theo, một "cuộc đời mới" cho họ.
"Mình phải làm sao cho họ hiểu rằng mình không phải là người khuyết tật. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng của mình. Mất chân thì lấy tay làm chân, kiểu nào cũng sống được. Quan trọng là mình phải truyền tinh thần, nghị lực sống tiếp một cuộc sống mới cho họ", võ sư Mai cho biết thêm.
Với Xuân Triều, do không còn đôi chân để làm phụ hồ, bốc vác, thầy Mai đã cử một học trò của mình là Đặng Hồ Thi Thơ (32 tuổi) đến lớp để dạy vi tính cho Triều. Ông hy vọng sau này, Triều có thể kiếm sống được bằng chiếc máy vi tính.
Anh Đặng Hồ Thi Thơ đang hướng dẫn Trần Xuân Triều học vi tính tại phòng tập ở Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận. |
"Nhưng tôi đang tính sắp tới cho Triều đi bán vé số trước, vì học vi tính phải mất thời gian, không thể kiếm tiền ngay được. Thiếu vốn thì tôi hỗ trợ, rồi sau đó trả lại. Nhưng phải tự mình lao động để sinh sống chứ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mãi được", võ sư Mai chia sẻ.
Còn đối với những học trò đã theo lâu năm, thầy Mai luôn định hướng họ phải học hành tử tế, đến nơi đến chốn. "Ngày xưa, tôi vì ham chơi mà không học hành đàng hoàng nên bây giờ, tôi muốn các em phải học cho thật tốt", thầy Mai cho biết thêm.
Anh Nguyễn Xuân Danh (30 tuổi) là người đã theo thầy Mai được 10 năm. Lúc trước, anh chỉ học đến lớp 9, nhưng từ khi gặp thầy Mai, được thầy động viên, anh đã đi học trở lại và hiện tại là sinh viên năm 2 của Đại học Sư phạm TP.HCM. Ngoài ra, nhiều môn đệ của võ sư Mai trước đó cũng đã được thầy kết nối, giới thiệu cho đi du học ở Nhật Bản.
Anh Nguyễn Xuân Danh, học trò của võ sư Mai, phụ trách dạy võ cho các môn đệ nhỏ tuổi hơn sau giờ tập vận động cho người khuyết tật. |
Chia sẻ về kinh phí để duy trì Team 404 và phòng tập vận động, võ sư Mai cho biết tình hình hiện tại khá khó khăn. Lúc trước, thầy Mai cùng các học trò chia nhau đi dạy võ ở các trung tâm khác, riêng thầy Mai còn nhận đi chia sẻ ở các chương trình dạy kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, từ sau đợt dịch Covid-19, những công việc này đang phải tạm hoãn lại.
Khó khăn là thế nhưng võ sư Mai chưa giờ có ý định tạm ngưng lớp tập vận động miễn phí này. Thầy Mai tâm niệm rằng đã làm công việc này thì phải quên hết những khó khăn vật chất và phải có tâm sáng thì mới giúp người được.