Đang trong giai đoạn phát triển nghề tay trái là KOC (Key Opinion Consumer) bên cạnh công việc tự do khác, Đặng Tú Uyên (28 tuổi) quyết định tham gia khóa đào tạo KOC từ cuối năm 2023 để cải thiện kỹ năng review sản phẩm, quay - dựng video...
Tính đến nay, Uyên đã bỏ ra hàng chục triệu đồng cho 3 khóa đào tạo KOC ở cả hình thức online lẫn offline, song khẳng định sau khóa học không có chuyện "một bước lên mây" trong ngành này.
Học xong vẫn mông lung
Xuất phát điểm là sinh viên ngành quản lý đất đai, Tú Uyên nhận thấy bản thân chưa có nhiều kỹ năng để trở thành KOC chuyên nghiệp. Vì thế, Uyên xác định sẽ tham gia khóa học KOC và áp dụng kiến thức cho những job nhỏ lẻ, khi "cứng cáp" hơn thì xây dựng kênh riêng trên các nền tảng mạng xã hội.
Khởi đầu của Uyên là khóa học offline ở một trung tâm khá có tiếng tại TP.HCM trong vòng 6 ngày, kéo dài từ 8h-16h/ngày. Thời điểm đó, nghề KOC bắt đầu phát triển nên Uyên muốn nhân cơ hội này trở thành KOC nội bộ cho công ty nông sản nơi mình đang làm việc. Thế nhưng, khóa học chưa giảng dạy kiến thức như vậy nên Uyên chỉ có thể áp dụng cho job cá nhân.
"Ưu điểm của khóa học là được KOC nổi tiếng trực tiếp giảng dạy và cung cấp nhiều kỹ năng thực tế. Tuy nhiên, kiến thức liên quan đến từng kỹ năng riêng biệt thì không sâu; nội dung khá chung chung, gói gọn trong một xấp tài liệu; thời gian học quá ngắn, ít thực hành", Uyên nhớ lại.
Ngoài KOC, Tú Uyên còn làm mẫu ảnh cho các nhãn hàng. Ảnh: NVCC. |
Do đó mà khi kết thúc khóa học 10 triệu đồng, cô vẫn còn mông lung về ngành và quyết định học tiếp khóa thứ 2.
Lần này, Uyên học online 1 kèm 1 (1:1) để đảm bảo mình tiếp thu kiến thức hiệu quả, song những gì Uyên nhận lại là "nội dung 'na ná' khóa kia" và "lý thuyết nhiều hơn thực hành".
Người hỗ trợ 1:1 cho Uyên chỉ có trách nhiệm kiểm tra thời gian ra - vào phòng học trực tuyến của học viên, đồng thời nhận xét các yếu tố như nội dung, âm thanh... của kênh TikTok mà học viên tạo trong buổi cuối khóa học. Chưa kể, Uyên đánh giá tư duy cả hai không hợp nhau và người hỗ trợ cũng chưa kèm cặp sát sao vì còn là sinh viên với lịch trình bận rộn.
"Chi 14 triệu đồng cho khóa học này là việc tôi cảm thấy phung phí nhất", Uyên bày tỏ với Tri thức - Znews.
Với Uyên, khóa học thứ 3 cũng không khá khẩm hơn là bao khi nội dung giống với khóa đầu tiên. Sau cả 3 lần, cô đúc kết: "Lý thuyết lấy trên mạng nên không tránh khỏi sự trùng lặp giữa các khóa học. Tôi xác định bỏ tiền ra để mua động lực học mà thôi. Tuy nhiên, các khóa offline vẫn có chất lượng tốt hơn online".
Ngoài chấp nhận đầu tư vào các khóa đào tạo, Uyên cũng mất một thời gian bỏ tiền túi để mua sản phẩm về đánh giá nhưng không "sinh lời". Cách duy nhất để cô tiết kiệm chi phí là tận dụng những món đồ có sẵn trong nhà, từng bước xây dựng uy tín trên mạng xã hội rồi từ đó tiến gần hơn đến vị trí KOC chuyên nghiệp.
Con đường khác
Không học kỹ năng trở thành KOC qua trường lớp, cột mốc Á quân chương trình KOC Vietnam 2022 là bước đệm để Hoàng Việt (tên thật là Nguyễn Văn Việt, 25 tuổi, sinh sống tại TP.HCM) trở thành KOC kiêm MC, nhà sáng tạo nội dung và giảng viên livestream.
Tại cuộc thi, Hoàng Việt được huấn luyện thực chiến trong vòng 3-6 tháng và rút ra một số kinh nghiệm như tư duy kết hợp 2-3 thương hiệu/phiên live, tận dụng lợi thế cá nhân cũng như biểu thị ngôn ngữ sinh động.
Điều quan trọng là cuộc thi đã tạo ra môi trường để Việt cọ xát, thực hành với sản phẩm đến từ những thương hiệu nổi tiếng hoặc mới xuất hiện trên thị trường. "Thực hành đồng nghĩa với trải nghiệm và hình thành vốn kiến thức về các sản phẩm. Đó mới chính là điều làm nên một KOC thuần thục chứ không phải lý thuyết suông trên mạng", Việt chia sẻ.
Hoàng Việt (áo vàng) trong một sự kiện mua sắm. Ảnh: NVCC. |
Về những khóa đào tạo KOC ngày nay, Việt nhận thấy đa phần đều tập trung lý thuyết và học phí không hề rẻ, dao động 15-25 triệu đồng. Do đó, Việt cho rằng việc tham gia các khóa này chủ yếu để xây dựng mối quan hệ với người trong ngành, thay vì kỳ vọng quá nhiều vào kiến thức nhận lại - bởi chúng hoàn toàn có thể được tìm thấy trên Google.
"Nếu muốn học, mọi người nên chọn lọc địa chỉ uy tín, xem kỹ lộ trình học và cân nhắc điều kiện tài chính. Giáo trình KOC hiện chưa chuẩn hóa nên quan trọng là trải nghiệm nhiều, gia tăng kết nối với nhãn hàng và người trong ngành. Sau cùng, các khóa học không thể 'hô biến' học viên trở thành KOC ngày một, ngày hai", Việt kết luận.
Hiện tại, ngoài giảng dạy lớp livestream, Việt cũng tạo điều kiện cho ai có mong muốn trở thành KOC đi theo mình đến các sự kiện để quan sát cách review sản phẩm.
Tương tự, Pu Mét 7 (tên thật là Phạm Thị Phương Thảo, 30 tuổi) cũng trưởng thành từ cuộc thi giống Hoàng Việt và hiện là KOC lĩnh vực thời trang, làm đẹp. Sau cuộc thi, Thảo vẫn tiếp tục bồi dưỡng cách dựng video, xây dựng nội dung và nêu trải nghiệm tiêu dùng.
Một vài phiên live của Thảo. Ảnh: NVCC. |
Ba yếu tố Thảo cố gắng truyền tải trong mỗi video review là tính chân thật, hấp dẫn và cung cấp deal "hời" cho người mua. Làm trong lĩnh vực làm đẹp khoảng 2 năm, Thảo cũng nhận được yêu cầu khắt khe hơn từ thương hiệu khi phải chú trọng nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh video.
"Sử dụng sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da nên tôi càng phải cẩn trọng khi review, bởi không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với mọi loại da. Tôi thường lưu ý trước với nhãn hàng là mình cần sử dụng mỹ phẩm trong 10 ngày, quần áo thì 5-7 ngày. Khoảng thời gian này đảm bảo không quá lâu đến mức mặt hàng hết thịnh hành, đồng thời cho tôi trải nghiệm đủ để rút ra nhận xét khách quan nhất", Thảo nói.
Cô cũng sẽ từ chối lên video đối với sản phẩm chất lượng kém và làm việc lại với nhãn hàng đối với bất kỳ vấn đề nào của sản phẩm ảnh hưởng đến người tiêu dùng - đây là khâu "chăm sóc khách hàng" để Thảo khẳng định nét riêng trong ngành KOC.
Mặt khác, Thảo cũng đặt ra chính sách hỗ trợ nhãn hàng bằng việc bù đắp doanh số nếu chiến dịch bán hàng không như kỳ vọng hay chia sẻ video review đa nền tảng để tăng lượng người tiếp cận.
Sau cùng, Thảo cho rằng ai cũng có cơ hội làm KOC nhưng việc "trụ" lâu và trở thành người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
"Đừng chỉ nhìn vào con số tổng doanh thu có vẻ hào nhoáng mà hãy cân nhắc việc đánh đổi thời gian, sức khỏe...", Thảo thẳng thắn chia sẻ với Tri Thức - Znews trong khi chưa khỏi khan tiếng vì livestream liên tục những ngày qua.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.