Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vòng lặp yoyo trong tình yêu

Nhiều đôi tình nhân luôn sống trong vòng lặp yêu - chia tay - tái hợp. Vài người xem đây là cách thử thách tình cảm. Số khác chỉ muốn né tránh cam kết lâu dài với nửa kia.

Suốt nhiều năm bên nhau, bạn và đối phương thường xuyên chia tay rồi tái hợp. Lý do chủ yếu xuất phát từ việc một trong hai người lo sợ việc ràng buộc. Dù quay lại với mong muốn gắn bó, đôi bên vẫn không thể giải quyết gốc rễ vấn đề.

Nếu thấy tình huống này quen thuộc, có thể bạn đã rơi vào hiệu ứng yoyo trong tình yêu. Đây là khái niệm chỉ tình trạng tan vỡ - quay lại của các đôi tình nhân. Người trong cuộc thường vật lộn với cảm giác bối rối, suy nghĩ tiêu cực về vấn đề trong mối quan hệ của mình. Đặc biệt, họ vẫn muốn bên cạnh nhau, song không đảm bảo về tương lai chung.

Muốn chấm dứt hành vi yoyo, bạn cần đối diện với sự thật, cũng như nỗ lực cải thiện tình trạng mối quan hệ cùng đối phương. Nếu không, tình yêu của hai bạn sẽ ngày càng độc hại.

Dưới đây là một số lý do khiến bạn và nửa kia mắc kẹt trong tình yêu yoyo, theo Psychology Today.

hieu ung yoyo anh 1hieu ung yoyo anh 2
hieu ung yoyo anh 3

Hiệu ứng yoyo trong tình yêu xuất phát từ việc một người chỉ trông chờ sự chăm sóc, dung thứ từ nửa kia. Ảnh: Ba Tik/Pexels.

Chỉ xem tình yêu là hầm trú ẩn

Nhiều trường hợp tìm kiếm yếu tố cha mẹ ở người yêu, chẳng hạn như sự chăm sóc, chiều chuộng, hy sinh và thứ tha.

Đó là lý do họ nghĩ mình không thể sống thiếu đối phương và luôn tìm cách tái hợp hậu chia tay.

Tuy nhiên, những người này luôn sẵn sàng rời đi nhằm tìm kiếm thú vui mới, và tìm về chốn cũ khi cảm thấy mệt mỏi.

Điều này chỉ khiến mối quan hệ phát triển theo xu hướng tồi tệ, bởi họ chỉ muốn lệ thuộc thay vì đồng hành, cùng phát triển.

hieu ung yoyo anh 4hieu ung yoyo anh 5
hieu ung yoyo anh 6

Nhiều người "bỏ chạy" khi đối phương muốn tăng mức độ thân mật cho mối quan hệ. Ảnh: Alfi Nuryaman/Pexels.

Nỗi sợ thân mật

Vòng lặp chia tay - quay lại có thể xuất phát từ tâm lý sợ gần gũi. Bạn sẽ không muốn nửa kia xuất hiện liên tục trong cuộc sống của mình, song lại chẳng muốn để họ ở quá xa.

Chỉ khi mọi thứ ở mức “vừa phải”, bạn mới thấy an toàn. Đó là lý do dẫn đến đổ vỡ khi đối phương muốn tăng mức độ thân mật của mối quan hệ.

Tuy nhiên, nỗi sợ của bạn có thể gây ra nhiều tình huống khó lường. Chẳng hạn, khi bạn tìm cách chạy trốn, người ấy sẽ cố giữ bạn lại bằng mọi cách, kể cả biện pháp mạnh.

Lúc này, cảm xúc lo âu trong bạn sẽ lại tăng cao, thậm chí khó kiểm soát dẫn đến một số hành động bộc phát, nguy hiểm cho đôi bên.

hieu ung yoyo anh 7hieu ung yoyo anh 8
hieu ung yoyo anh 9

Sợ bị đối phương hiểu rõ về quá khứ, gia đình riêng, nhiều người sẵn sàng chia tay. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Không muốn bị nhìn thấu

Khi mối quan hệ đạt một mức nghiêm túc nhất định, bạn sẽ hiểu hơn về những góc khuất trong gia đình, cuộc sống riêng của người kia.

Đó có thể là câu chuyện xấu xí, đáng quên, và họ khó tránh khỏi cảm giác xấu hổ khi đối diện với bạn.

“Thực tế, bị nhìn thấu chưa bao giờ là cảm giác dễ chịu. Một số khách hàng của tôi còn sợ đối phương sẽ dựa vào điểm yếu này và tấn công, bắt thóp họ.

Sự tổn thương đó là lý do khiến họ tìm cách trốn chạy, chấm dứt mối quan hệ. Việc này chỉ dừng lại khi người đó tìm lại được cảm giác an toàn, tin tưởng”, chuyên gia tâm lý Randi Gunther cho biết.

hieu ung yoyo anh 10hieu ung yoyo anh 11
hieu ung yoyo anh 12

Một số người chủ động chia tay để không bị bỏ rơi. Ảnh: Timur Weber/Pexels.

Lo sợ đổ vỡ, bị bỏ rơi

Không có gì đảm bảo cho sự tồn tại mãi mãi của một mối quan hệ. Sợ tan vỡ, nhiều người chọn cách chủ động chia tay, song luôn trong trạng thái dằn vặt, nhung nhớ đối phương.

Thực tế, bạn chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề khi trốn chạy. Hành động đó chỉ khiến đôi bên mệt mỏi, thậm chí khiến bạn tổn thương nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cá nhân có nhiều khả năng đánh mất người thân yêu mãi mãi vì quá trình hợp - tan khá vô nghĩa này.

Thay vì từ bỏ, bạn nên chia sẻ thẳng thắn nỗi lo với đối phương để được thấu hiểu, sẻ chia. Đồng thời, nếu có mong muốn gắn bó lâu dài, họ sẽ dành thời gian, công sức tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

hieu ung yoyo anh 13hieu ung yoyo anh 14
hieu ung yoyo anh 15

Nhiều người kỳ vọng mối quan hệ phải có nhiều rắc rối để không nhàm chán. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Thích kịch tính hóa mối quan hệ

Nhiều người thừa nhận không thể chịu được một tình yêu êm đềm. Ngược lại, họ liên tục tìm kiếm sự dữ dội, gay gắt.

Khi nhận thấy mối quan hệ quá bình yên, nhóm này sẵn sàng gây chuyện, bới móc quá khứ, công kích đối phương với mục đích tạo “gia vị” cho mối quan hệ.

Đây thường được đánh giá là một trong những thói quen độc hại nhất khi yêu. Thay vì hâm nóng tình cảm, bạn chỉ đang đẩy mọi thứ đến bờ vực đổ vỡ.

Bên cạnh đó, chuyên gia tin rằng người luôn mưu cầu kịch tính, căng thẳng thường có lòng tự trọng thấp hoặc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Nếu đang yêu đương với người có xu hướng thích sự gay cấn, căng thẳng, bạn cần trò chuyện, lắng nghe cũng như bày tỏ nguyện vọng “chung sống hòa bình”. Trong tình huống nặng nề hơn, hãy mạnh dạn đề xuất việc tham vấn tâm lý nhằm bảo vệ mối quan hệ và bản thân bạn.

hieu ung yoyo anh 16hieu ung yoyo anh 17
hieu ung yoyo anh 18

Thử lòng người yêu cũng là một trong những hành vi độc hại gây hiệu ứng yoyo. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Lạm dụng phép thử

Không ít người gây chuyện chia tay, chờ đối phương kết nối lại nhằm kiểm tra mức độ yêu thương dành cho mình. Nửa kia càng níu kéo, họ càng hả hê với cảm giác "kèo trên".

Tuy nhiên, những cá nhân này sẽ sớm phải trả giá. Bởi ai cũng có giới hạn riêng, và hành động của họ đang thách thức sự chịu đựng, lòng tự tôn của người khác.

“Hãy dẹp ngay suy nghĩ lệch lạc này. Thực tế, hành động của bạn không có ý nghĩa gì với mối quan hệ mà chỉ khiến nó suy tàn.

Có thể, nó sẽ làm đối phương tổn thương và ghét bỏ bạn. Việc chia tay - tái hợp vô nghĩa này chỉ chỉ khiến đôi bên cùng đau khổ, ám ảnh dài lâu”, chuyên gia tâm lý Randi Gunther nói.

Dấu hiệu bạn bấm nút 'tự hủy' tình yêu

Nổi giận vô cớ hay thiếu nỗ lực vun đắp tình cảm vừa là dấu hiệu nổi bật của tự hủy hoại bản thân, vừa là thủ phạm giết chết tình yêu của bạn.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Hoàng Kỳ

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm