Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ án bầu Kiên: Bầu Kiên có định lừa bầu Long?

Bầu Kiên vẫn khẳng định lại tình bạn của mình, không oán trách, chỉ đề nghị bầu Long nói lên sự thật.

Bầu Kiên bị VKS đề nghị mức án từ 16 đến 18 năm tù vì hành vi lừa đảo Bầu Long. Hai ông bầu cùng trải qua những thăng trầm của bóng đá. Ngoài sân cỏ, bầu Kiên thành công với Ngân hàng ACB, một trong những ngân hàng cổ phần tốt nhất. Trong lĩnh vực thép và một số lĩnh vực công nghiệp khác được mở rộng sau này, bầu Long cũng xây dựng Tập đoàn Hòa Phát thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam, vững mạnh về tài chính và đạt hiệu quả kinh doanh cao.

Gắn bó với nhau hơn mười năm từ trước khi bầu Kiên bị bắt. Hàng ngày, người ta thấy bầu Kiên, bầu Long, một số người bạn khác ở Tập đoàn Hòa Phát cùng nhau ăn trưa, uống café tại một quán tại phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ngoài tình bạn, ngoài sở thích chung là bóng đá, cả hai ông bầu còn làm ăn chung rất nhiều dự án như bất động sản, thép… Ngân hàng ACB là ngân hàng tài trợ vốn chính của Tập đoàn Hòa Phát trong thời kỳ mới phát triển. Bầu Kiên cũng là người có nhiều ý tưởng góp ý cho bầu Long trong quá trình xây dựng Tập đoàn.

Không có ai có thể ngờ có ngày bầu Kiên dính vòng lao lý vì một giao dịch có liên quan đến người bạn của mình.

Gian dối hay sơ suất?

Công ty ACBI do bầu Kiên làm chủ tịch ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần của Công ty CP thép Hòa Phát cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100% vốn. 

Trước đó, số cổ phần này đang thế chấp tại Ngân hàng ACB, việc thế chấp được các bên thông báo và được xác nhận phong tỏa, cấm chuyển dịch sở hữu bởi chính Công ty cổ phần thép Hòa Phát do ông Trần Tuấn Dương làm chủ tịch. Ông Dương cũng đồng thời làm Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát (bên mua cổ phần) và Tổng giám đốc Tập đoàn thép Hòa Phát.

Do Công ty cổ phần thép Hòa Phát sơ suất trong lưu trữ, quản lý thông tin, không thực hiện phong tỏa theo đúng như nội dung đã xác nhận, nên ông Trần Tuấn Dương đã xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để sang tên khi chưa có thông báo giải tỏa của Ngân hàng ACB.

Tại tòa, Công ty CP thép Hòa Phát thừa nhận sơ suất trong việc lưu trữ, quản lý thông tin phong tỏa cổ phiếu. Việc sơ suất của Công ty CP thép Hòa Phát nằm ngoài ý thức chủ quan của bầu Kiên. Sau đó, các bên đã cùng nhau làm lại các thủ tục để giải tỏa, sang tên cổ phần theo quy định.

Cũng tại tòa, luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần khi đang thế chấp là sơ suất của cả Công ty ACBI (bên bán) và Công ty cổ phần thép Hòa Phát do ông Trần Tuần Dương là Chủ tịch, cũng là Chủ tịch của bên mua và Tổng giám đốc của Tập đoàn. Ông Kiên dù có muốn cũng không thể gian dối với bên mua trong trường hợp này. Đồng thời, một doanh nhân như ông Kiên, nếu có ý định cũng không thể lựa chọn cách thức lừa đảo như trên. Vào thời điểm ông Kiên bị khởi tố về tội lừa đảo, phía Tập Đoàn Hòa Phát cũng vẫn đang quản lý hàng trăm tỷ tài sản khác của ông Kiên, lớn hơn số tiền chuyển nhượng cổ phần mà Công ty ACBI đã nhận. Bản chất đây chỉ là mối quan hệ dân sự, kinh doanh giữa hai pháp nhân.

Theo quy định của pháp luật, lừa đảo là hành vi gian dối, cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật để chiếm đoạt tài sản của người khác. Các sơ suất trong các giao dịch kinh tế, dân sự nếu không phải là cố ý, không phải là hành vi gian dối thì không phải là hành vi phạm tội.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát phát biểu tại tòa: “Làm sao anh Kiên lại lừa tôi được”.

Tiền có bị chiếm đoạt?

Tại phiên tòa, đại diện ACBI xác nhận, Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát đã chuyển cho Công ty ACBI 264 tỷ đồng. Công ty ACBI đã sử dụng số tiền này cho các mục đích của Công ty, toàn bộ việc sử dụng tiền này đều được theo dõi, hạch toán tại sổ sách kế toán của Công ty theo đúng quy định pháp luật và sau đó đã hoàn trả lại. Cá nhân ông Kiên khẳng định không sử dụng riêng một đồng nào ngoài sổ sách kế toán của Công ty.

ACBI là công ty cổ phần, có nhiều cổ đông là các công ty khác, các công ty này lại có nhiều cổ đông hoặc thành viên góp vốn khác. Cá nhân ông Kiên không sở hữu cổ phần tại Công ty ACBI. Do đó, việc cả hai bên cùng có sơ suất, sau đó, Công ty ACBI nhận tiền của Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát và sử dụng cho mục đích chung của Công ty thì không thể coi là hành vi chiếm đoạt của ông Kiên.

Tình bạn

Trong những ngày tham gia phiên tòa, bầu Kiên đã nêu hành vi bị cho là lừa đảo Tập đoàn Hòa Phát là chuyện làm cho bầu Kiên đau buồn nhất. Bầu Kiên vẫn khẳng định lại tình bạn của mình với những người chủ Tập đoàn Hòa Phát, không oán trách, chỉ đề nghị bầu Long nói lên sự thật.

Bầu Long luôn xuất hiện với một vẻ mặt đau khổ của một người bị hại “bất đắc dĩ”. Ngay từ đầu phiên tòa, Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát nêu không tố cáo, không đòi tiền bầu Kiên. Khi phát biểu tại tòa, bầu Long đã nghẹn ngào “làm sao anh Kiên lại lừa tôi được”

Theo quy định của pháp luật, lừa đảo là hành vi gian dối, cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật để chiếm đoạt tài sản của người khác. Các sơ suất trong các giao dịch kinh tế, dân sự nếu không phải là cố ý, không phải là hành vi gian dối thì không phải là hành vi phạm tội.

http://m.baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/vu-an-bau-kien-bau-kien-co-dinh-lua-bau-long-3040352/

Theo Công Minh/Đất Việt

Bạn có thể quan tâm