Sáng 30/5, lần đầu tiên ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) trình bày về những vấn đề mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã khai nhận trước tòa.
Bầu Long: "Không nghĩ anh Kiên lừa tôi được"
Nhắc đến lời khai của bị cáo Kiên, ông Long nói: "Tôi và anh Kiên có thời gian quan hệ rất lâu, thường xuyên ngồi cà phê. Khi ký hợp đồng thì tôi không nghĩ anh Kiên lừa".
Theo ông Long, thời điểm 2012, Hòa Phát có chủ trương co cụm lại vào ngành nghề chính. "Anh Kiên có điều kiện về vốn, khuyên tôi không rút bất động sản. Tôi rất muốn mua cổ phiếu này và đến nay chúng tôi đã mua xong. Tôi nói với anh Kiên cổ phiếu bất động sản là tốt, nhiều bên muốn mua nhưng tôi không muốn bán. Việc hoán đổi cổ phiếu là nói thế thôi nhưng pháp lý thì tôi mua cổ phiếu thép, anh mua cổ phiếu bất động sản của tôi", Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát nói.
Ông Trần Đình Long: "Khi ký hợp đồng thì tôi không nghĩ anh Kiên lừa tôi được”. |
Trình bày tại tòa, bà Đặng Ngọc Lan đề nghị HĐXX xem xét công ty B&B là bị đơn dân sự trong vụ án này. Ông Kiều Chí Công (đại diện Thép Hòa Phát) cho biết trước đó đã gửi công văn nêu rõ đơn gửi cơ quan điều tra yêu cầu điều tra làm rõ, không phải là đơn tố cáo/khiếu nại. Hiện tại công ty đã thu hồi được tiền công ty có phải là nguyên đơn dân sự hay không?
Đại diện công ty ACI, ACI Hà Nội xác nhận quan hệ hợp tác với công ty chứng khoán ACB đã tất toán xong, toàn bộ tài sản cổ phiếu thuộc sở hữu của 2 công ty. Hiện nay ACI, ACI – Hà Nội có nghĩa vụ hoàn trả trái phiếu Vietinbank nhưng công ty không đủ khả năng để tất toán khoản lãi, gốc và không có yêu cầu gì với các bị cáo.
Đại diện 19 nhân viên đề nghị HĐXX yêu cầu Vietinbank trả lại tiền cho vào tài khoản nhân viên hoặc trả thẳng cho ACB.
Quan điểm đối đáp của VKS
Sáng cùng ngày, đại diện VKSND đưa ra quan điểm đối đáp với luật sư.
Đối với hành vi kinh doanh trái phép, VKS khẳng định giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo. Đại diện VKS viện dẫn các điều luật để chứng minh hợp đồng kinh doanh mua cổ phần, cổ phiếu góp vốn là hợp đồng kinh doanh có mã ngành cấp vốn do đó hành vi kinh doanh của bị cáo Kiên thông qua 5 công ty là trái với điều 9 Luật doanh nghiệp. Về hành vi kinh doanh vàng trái phép qua công ty Thiên Nam, VKS nhận thấy Kiên giữ vai trò chỉ đạo công ty này kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, ACB chỉ là trung gian. Công ty Thiên Nam không được Ngân hàng nhà nước cấp giấp phép kinh doanh do đó là trái với Điều 2, 4 Nghị định của Thống đốc Ngân hàng.
Quan điểm về việc tách, nhập vụ án, VKS cho rằng: Do tính chất phức tạp của từng hành vi phạm tội, cơ quan điều tra tách vụ án Huyền Như đã thỏa mãn khoản 2 điều 110 đáp ứng được yêu cầu đấu tranh tội phạm kịp thời. Hành vi của Như, Kiên thuộc loại tội phạm khác nhau dù có mối quan hệ liên quan nhưng mỗi hành vi là độc lập. Việc tách vụ án, chúng tôi khẳng định là đúng luật. Luật sư nói việc tách vụ án là không đúng, “án chồng án”, chưa từng có tiền lệ tố tụng trong lịch sử Việt Nam là luận cứ thiếu kiểm chứng thực tế.
Về tội Trốn thuế, VKS nhận thấy khi Nghị quyết 32 của Quốc hội, điều 4 quy định miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân nhưng chưa có hướng dẫn thi hành, công ty B&B đã không kê khai nộp thuế của bà Nguyễn Thúy Hương 6 tháng cuối năm 2009 là trái Thông tư của Bộ Tài chính. Năm 2009 - 2010, thanh tra thuế tại công ty B&B kết luận công ty này không kê khai thuế số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ hợp đồng ủy thác là 25 tỷ đồng. Như vậy có đủ cơ sở kết luận Kiên chỉ đạo Đặng Ngọc Lan (đại diện B&B) ký hợp đồng ủy thác tài chính với Hương để chuyển lợi cho Hương sau đó người phụ nữ này chuyển lại tiền cho Kiên.
Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS nhấn mạnh bị cáo Nguyễn Đức Kiên biết rõ cổ phiếu đang thế chấp vẫn chỉ đạo Thanh và Yến ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần cho công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát để nhận số tiền 264 tỷ đồng. Do đó, truy tố 3 bị cáo chiếm đoạt tài sản là phù hợp.
Quá trình bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, các luật sư cho rằng số tiền 264 tỷ đồng chuyển vào tài khoản ACBI, cơ quan pháp luật khẳng định lợi nhuận của ACBI trong đó có lợi nhuận của Kiên (với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị) nên Kiên phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền này. VKS cũng cho rằng trong hợp đồng đã đưa ra thông tin không đúng sự thật để hiểu rằng 20 triệu cổ phiếu đã được giải chấp. Điều này là cơ sở chứng minh hành vi gian dối của các bị cáo. Do đó, VKS truy tố Kiên, Thanh, Yến lừa đảo là đúng pháp luật trong đó Thanh, Yến giữ vai trò giúp sức tích cực.
Đại diện giữ quyền công tố tại tòa cho biết giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo tại tòa. |
Tranh luận về tội Cố ý làm trái, VKSND nhận thấy trong vụ án này các bị cáo là thành viên lãnh đạo ACB biết rõ quy định pháp luật nhưng làm với động cơ lợi ích nhóm cho riêng ACB nên phải chịu trách nhiệm chung.
Đơn cử về hành vi đề ra chủ trương đầu tư mua cổ phiếu, nội dung cuộc họp thường trực Hội đồng quản trị ngày 2/11/2009 đã họp bàn rất sâu, cụ thể tính toán cả phương án rủi ro. Theo VKS, các hợp đồng mà ACB, ACBS ký với các đối tác nếu đặt riêng từng hợp đồng thì đều tuân thủ pháp luật nhưng đưa vào mối liên quan hệ đều đáng nghi. Tiền của ACB lại quay về chính ACB. Để tránh sự phát hiện cơ quan chức năng, dòng tiền này được núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp đồng hợp tác đầu tư, có thể gọi là "dòng tiền tội lỗi".
Còn về hành vi ủy thác gửi tiền, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm, chủ trương của thành viên thường trực Hội đồng quản trị là trái pháp luật, không đúng giấy phép kinh doanh của ACB. 19 nhân viên gửi tiền chỉ đứng tên hình thức, bản chất là hợp đồng vay liên ngân hàng. Do sai phạm của Huyền Thị Huyền Như đã được xem xét ở vụ án khác nên tại phiên tòa này không đề cập xem xét ai trả lại khoản tiền 718 tỷ đồng mà chỉ chứng minh hậu quả thiệt hại.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang) cho rằng khi truy tố luận tội các bị cáo làm trái phải có nghĩa vụ chứng minh hậu quả thiệt hại do Huyền Như chiếm đoạt là tiền của ai?