Có nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét, làm rõ các dấu hiệu vi phạm hoạt động tư pháp để xử lý nghiêm.
Giám sát thúc đẩy giải quyết án oan
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén có dấu hiệu oan sai từ năm 2000 - 2001.
“Khi còn là đại biểu Quốc hội, có nhà báo đã chuyển đơn của gia đình ông Huỳnh Văn Nén đến cho tôi. Qua nghiên cứu tôi thấy vụ án có nhiều tình tiết chưa rõ ràng, bản án kết tội Huỳnh Văn Nén thiếu thuyết phục.
Hơn nữa, lại có người tố cáo, chỉ rõ thủ phạm gây án là người khác chứ không phải ông Nén. Vì thế, tôi đã chuyển đơn kêu oan đến các cơ quan tư pháp đề nghị xem lại bản án trên, bảo đảm không làm oan người vô tội”, ông Thước cho hay.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Tuy nhiên, theo ông Thước, dù đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, đơn vị nhưng cuối cùng chẳng đơn vị nào trả lời về vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén.
“Điều này cho thấy các cơ quan chức năng chưa thực sự làm tròn trách nhiệm. Nếu có trách nhiệm và vào cuộc một cách quyết liệt, công tâm, khách quan thì có lẽ ông Nén đã được giải oan từ lâu rồi, chứ không phải chờ cho đến tận bây giờ”, ông Thước nói.
"Qua nghiên cứu tôi thấy vụ án có nhiều tình tiết chưa rõ ràng, bản án kết tội Huỳnh Văn Nén thiếu thuyết phục", trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Ông Thước cũng cho rằng, ngoài công lao của các cá nhân như ông Nguyễn Thận, luật sư, báo chí thì việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, trong đó chỉ rõ những dấu hiệu oan sai đã tạo “sức ép” buộc các cơ quan tư pháp vào cuộc có trách nhiệm. Từ đó đi đến kết quả là ông Nén được giải oan.
Làm rõ vi phạm hoạt động tư pháp
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, ngoài việc minh oan, xin lỗi, bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, tới đây các cơ quan tư pháp cũng cần phải tiến hànhđiều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp.
Trong đó, VKSND Tối cao có trách nhiệm làm rõ xem quá trình điều tra, xác minh đơn của Nguyễn Phúc Thành tố cáo hung thủ phạm tội là người khác có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật không? Có vì một lý do nào đó mà việc xác minh không được bảo đảm khách quan, trung thực không…
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa. |
Ông Thước đề nghị, khi xem xét, giải quyết bồi thường cho ông Nén cần xem xét trách nhiệm bồi hoàn của các cán bộ đã gây ra án oan. “Tiền của nhà nước là tiền thuế của người dân. Nên sau khi nhà nước bồi thường cho ông Nén thì các cán bộ làm sai phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi hoàn lại cho nhà nước, chứ không thể vô can được”, ông Thước nói.
Ông Đinh Khắc Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử, Viện KSND Tối cao cho hay, có thể hiện tại các cơ quan chưa tính đến vấn đề trên, bởi đang tập trung đến câu chuyện tuyên bố ông Huỳnh Văn Nén không phạm tội. Sau khi minh oan cho ông Nén, các cơ quan chức năng sẽ khởi động theo một thủ tục tố tụng riêng. Theo đó, trước hết cần xem xét toàn diện diễn biến cũng như hồ sơ liên quan đến vụ án, sau đó Cục Điều tra - VKSND Tối cao sẽ rút hồ sơ để xem xét đến yếu tố lỗi, có thể là chủ quan hay khách quan, từ đó mới tính đến khả năng truy cứu hình sự các cá nhân liên quan.
"Trong vụ án của ông Huỳnh Văn Nén có nhiều dấu hiệu vi phạm hoạt động tư pháp", Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa.
Cũng theo ông Tiến, quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, các tội danh có thể tính đến đối với những người tiến hành tố tụng, như: Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; Ra bản án trái pháp luật; Dùng nhục hình; Bức cung; Làm sai lệch hồ sơ vụ án…