Đầu năm 1980, thi thể một nam giới được người dân phát hiện tại rừng bạch đàn ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Nạn nhân là ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng.
Do cơ quan tố tụng xác định nhầm hung thủ gây án khiến 3 người khác phải mang thân phận bị can suốt nhiều năm.
Chiếc áo bông và xác chết trên rừng bạch đàn
Vụ án xảy ra đã 40 năm nhưng anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Trần Trung Thám - người từng bị cáo buộc liên quan đến vụ án) vẫn không thể quên biến cố xảy ra với gia đình mình.
Anh kể, sau năm 1975, Nguyễn Đình Ký (hung thủ vụ án) xuất ngũ trở về địa phương. Là hàng xóm với nhau, gia đình Ký và gia đình ông Quản thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về đất đai, chuồng trại...
Ông Khổng Văn Hậu (con trai ông Đệ) bức xúc khi nhắc lại câu chuyện bố mình bị bắt. Ảnh: Huy Hoàng. |
Cho rằng ông Quản không tạo điều kiện giúp đỡ mình trong cuộc sống, Ký nảy sinh hãm hại trả thù.
4h ngày 28/1/1980, ông Quản dậy sớm, đi bộ sang nhà người thân ở thôn bên. Ký nắm được lịch trình đã bám theo, chờ thời cơ trả thù.
Tới khu vực gần nhà anh em ông Trần Ngọc Chinh và Trần Trung Thám, Ký bất ngờ lao tới đánh ông Bí thư chi bộ thôn bất tỉnh. Sau khi ra tay, tên này lôi nạn nhân tới rừng bạch đàn phía sau nhà ông Khổng Văn Đệ. Tại đây, Ký lấy dây lưng đánh đập, siết cổ khiến ông Quản tử vong.
Chia sẻ thêm về vụ án, ông Khổng Văn Hậu (con trai ông Đệ) nói hung thủ dự định mang xác ông Quản ra bờ sông để phi tang. Tuy nhiên, khi đó trời đã hửng sáng nên Ký để thi thể ở lại rừng, lấy áo bông của nạn nhân vứt ra chỗ khác trước khi rời đi.
Tới trưa, người dân trong thôn lên rừng lấy củi phát hiện sự việc đã báo cho ông Đệ.
Sau khi kiểm tra, ông Đệ tới UBND xã Đồng Thịnh trình báo. UBND xã hôm đó đóng cửa, người đàn ông này đạp xe sang nhà trưởng công an xã thông báo.
Ông Đệ bị công an bắt ngay sau đó để điều tra. Do nơi ông Quản bị sát hại gần nhà nên anh em ông Chinh và Thám cũng bị khoanh vùng để điều tra.
Nói về lý do công an bắt cha mình, ông Hậu cho rằng do khả năng người thân sinh ra mình nhặt chiếc áo bông ở rừng mang về giặt để mặc nên bị nghi. "Hôm đó, áo bông ở một nơi, thi thể ở một nơi, bố tôi không biết được cái áo đó là của người chết", ông Hậu nói.
Là người trực tiếp bị cáo buộc có liên quan đến vụ án, ông Chinh nói, đêm đó, ông và cha đi ngủ sớm để sáng hôm sau sang làm mả cho một người quen trong thôn. Tuy nhiên, ông vẫn vướng lao lý.
"Bị bắt một tuần, gia đình tôi mới biết"
Sau khi xảy ra án mạng, ba người được xác định là nghi phạm bị bắt và đưa về trại giam Thủ Đức, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Nguyễn Đình Ký cũng bị bắt sau đó một tháng.
"Hôm đấy, UBND xã có giấy mời cha tôi lên tỉnh để họp. Ông đi một mình, mang theo 10.000 đồng và một quyển sổ. Khi cha tôi bị bắt, gia đình không hề hay biết, không có cán bộ nào tới nhà thông báo", ông Hậu chia sẻ.
Giống gia đình ông Đệ, gia đình ông Chinh và ông Thám không nhận được bất cứ thông tin gì khi người thân của họ bị bắt.
Bà Trần Thị Thắm (vợ ông Thám) cho biết chồng bà nhận lệnh tái ngũ ngày 28/2/1980. Bốn ngày sau, khi 2 anh em lên tập trung tại Huyện đội Lập Thạch thì bị bắt đi.
Ông Chinh bị bắt khi đang tập trung trên Huyện đội Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô). Ảnh: Huy Hoàng. |
Hung thủ lĩnh án chung thân
Về phần Ký, sau khi bị bắt, người đàn ông này khai có đi 3 cùng nghi phạm trên nhưng chỉ hỗ trợ, không trực tiếp ra tay sát hại ông Quản. Ký nói ông Chinh là chủ mưu gây ra vụ án.
Lời khai này cũng được một người phụ nữ tự nhận là nhân chứng xác nhận.
Sau 3 năm (tức năm 1983), với những chứng cứ từ công an có được, Ký thừa nhận bản thân là người duy nhất sát hại ông Quản. Tên này phải nhận mức án chung thân. Lúc này, ông Đệ và Chinh mới được tại ngoại, còn ông Thám đã mất.
Gia đình ông Đệ và ông Chinh nói, mặc dù người thân của họ được ra khỏi tù nhưng họ không nhận được bất cứ lời xin lỗi hay cải chính nào từ cơ quan tố tụng của tỉnh. Ông Chinh là người duy nhất nhận được quyết định đình cứu của VKSND tỉnh.
Tới ngày 9/10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức buổi xin lỗi công khai với gia đình ba người bị oan. Ngày 20/3 vừa qua, hai gia đình còn lại mới nhận được quyết định đình cứu của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc (bản sao).
Tuy nhiên, do những bất đồng trong việc thỏa thuận số tiền đền bù của một số gia đình, đến nay vụ án oan vẫn chưa thể khép lại.
Độc giả đón đọc bài 2 lúc 7h ngày 6/9: 40 năm đi tìm công lý của 3 gia đình mang án oan