BS.CKII Kiều Mạnh Hà - Chủ nhiệm Khoa Thần kinh - Bệnh viện Quân Y 7A (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhân. |
Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, số bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ. Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ.
Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế
Lơ mơ, lúc tỉnh, lúc mê là tình trạng của N.N.A. (22 tuổi, quê Quảng Nam) - hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM. A. nhập viện điều trị do đột quỵ trong giờ làm việc.
A. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, vỡ mạch máu não. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não dẫn đến đột quỵ. Sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục, tuy nhiên các chức năng sinh hoạt hàng ngày như đi lại, cảm nhận, nói chuyện bị suy giảm nhiều, cần phải có thời gian tập phục hồi.
Với tấm bằng khá tốt nghiệp đại học, ra trường, A. khá thành công với công việc sale mảng du lịch. Gia đình chia sẻ A. thường có thói quen thức khuya, ăn uống thất thường và tắm đêm. Tuy gia đình nhắc nhở nhiều lần nhưng A. không nghe. Thời gian gần đây, áp lực công việc nhiều khiến A. liên tục cảm thấy mệt mỏi.
ThS.BS Phạm Nguyên Bình, Phó Khoa bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), nhận định dị dạng mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ ở người trẻ. Sự phát triển mạch máu bất thường trong não gây ra sự hình thành của túi phình, khi vỡ gây xuất huyết, hoặc hẹp tắc mạch máu, dẫn đến nhồi máu não.
“Sự nghi ngờ trên thăm khám lâm sàng và sự hỗ trợ của hình ảnh học như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ dựng hình mạch máu giúp phát hiện và chẩn đoán sớm các bệnh lý này”, BS Bình cho hay.
Ngoài vấn đề về dị dạng mạch máu não, tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng, trong đó nguyên nhân chủ yếu do thói quen sinh hoạt không lành mạnh trong ăn uống, ít vận động; thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy; thức khuya.
Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đáng báo động. |
Bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận một trường hợp rất trẻ, mới 16 tuổi. Đó là N.V.C. (ngụ ở Cà Mau) nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, phù não nặng, có dùng ma túy đá.
Bố của C. kể, con thường xuyên tụ tập với bạn xấu, gia đình đã nhiều lần ngăn cấm nhưng không được. Hôm đó, C. về nhà trong trạng thái bần thần, hỏi, gọi không trả lời. Tiếp đó, C. la hét và nói đau đầu, buồn nôn nên gia đình đưa nhập viện.
Tại đây, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân C. bị xuất huyết, phù não nặng. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm cho thấy C. dương tính với ma túy tổng hợp.
Trẻ hóa đột quỵ có nguyên nhân khác biệt
Theo BS Bình, các yếu tố nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân trẻ cũng tương tự trong dân số chung, bao gồm các yếu tố kinh điển như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Hiện nay, với lối sống thiếu khoa học, thường xuyên ăn các loại thức ăn chế biến sẵn với hàm lượng muối cao, nhiều dầu mỡ, ít chất xơ… người trẻ dễ tăng nguy cơ bị các rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, liên quan cao đến khả năng mắc đột quỵ.
Ngoài ra, áp lực công việc phải ngồi máy tính hàng giờ đồng hồ, lối sống tĩnh tại lười vận động, ít tập thể dục, sử dụng các thực phẩm với lượng đường cao, thói quen ăn khuya… là các nguyên nhân khiến tình trạng béo phì và đái tháo đường.
Phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) liên tục tiếp nhận những ca bệnh trẻ đột quỵ. |
“Tuy nhiên, nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ thường có một số điểm khác biệt hơn, trong đó các vấn đề về bệnh lý mạch máu, bất thường ở tim, các rối loạn về huyết học, chuyển hóa, dị dạng mạch máu và lạm dụng chất kích thích thì thường gặp hơn so với các bệnh nhân lớn tuổi”, BS Bình cho hay.
BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM cho rằng, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá ở thanh niên được chẩn đoán mắc đột quỵ là thường gặp và đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, thuốc lá là nguy cơ kinh điển gây ra đột quỵ.
Theo BS Hà, trong thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hóa học và khi đi vào máu sẽ phá hủy tế bào, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu. Bệnh nhân hút thuốc lá có nguy cơ tương đối mắc đột quỵ nhồi máu khoảng 2,9 lần (ở những người dưới 55 tuổi) và 1,3 lần đối với đột quỵ xuất huyết.
“Đối với rượu bia, nếu lạm dụng với lượng lớn có thể tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, bệnh lý cơ tim dãn nở, tăng huyết áp, tình trạng tăng đông máu hệ thống, tất cả đều góp phần tăng nguy cơ của đột quỵ”, BS Hà thông tin.
Để phòng chống đột quỵ, nhất là thời tiết nắng nóng, giao mùa, BS Hà cho rằng, người trẻ cần hạn chế lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá. Chỉ số cân nặng quá mức cũng sẽ gây nên tình trạng đột quỵ.
Người trẻ cần thay đổi lối sống, duy trì một chế độ ăn uống khoa học với giảm lượng chất béo, muối và hạn chế thức ăn chế biến sẵn; hạn chế rượu bia, thuốc lá và ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước mỗi ngày.
Tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần, mỗi ngày khoảng 30 phút giúp tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ đột quỵ. Mọi người nên có chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt hợp lý, giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống; tuân thủ điều trị thuốc và thường xuyên theo dõi các chỉ số huyết áp, đường huyết và mỡ máu đạt ở mức cho phép.
BS Hà đánh giá đột quỵ người trẻ là vấn đề cần được quan tâm đúng mức, cần thiết để giảm tỷ lệ đột quỵ ở nhóm tuổi này, vì đây là độ tuổi đóng vai trò là lực lượng lao động chính cho xã hội.
“Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn và có biện pháp phòng ngừa, điều trị sớm, đạt hiệu quả cao nhất. Nếu phát hiện các triệu chứng sớm nghi ngờ đột quỵ cần nhanh chóng đến các bệnh viện có đơn vị đột quỵ gần nhất để cấp cứu kịp thời”, BS Hà khuyến cáo.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.