Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ công an đánh chết dân: 'Hành vi chưa đến mức giết người'

Thừa nhận chỉ đạo và trực tiếp dùng dùi cui vụt vào người, lấy bút bi kẹp tay ông Thuận nhưng phó công an xã cho rằng hành vi đó chưa đến mức giết người.

Sáng 6/5, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án 4 công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) đánh chết người.

3 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Hoàng Ngọc Tuyên (31 tuổi, cựu phó công an xã), Hoàng Ngọc Thức (27 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (32 tuổi). Bị cáo Nguyễn Trọng Kiên (24 tuổi) kháng án phần tội danh sau đó đổi thành xin giảm án.

Vụ công an đánh chết dân: 'Hành vi các bị cáo quá dã man'

Người nhà nạn nhân nói hành vi của các bị cáo rất dã man, không những đánh đập mà còn dùng bút bi kẹp tay. Họ đã có sự phân công bàn bạc.

Phía bị hại là gia đình ông Nguyễn Mậu Thuận (57 tuổi) chống án toàn bộ bản án sơ thẩm. VKSND Hà Nội kháng nghị đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Tuyên và Kiên.

Là người đầu tiên bị xét hỏi, bị cáo Tuyên trình bày, trưa cuối tháng 8/2012, trưởng công an xã là ông Nguyễn Đức Vọng (60 tuổi) chỉ đạo xuống địa bàn giải quyết vụ ông Thuận đánh bà Bút (cùng thôn) gây thương tích. Khi triệu tập về UBND xã, ông Thuận say rượu và có lời lẽ chửi bới, ông Vọng hô các công an viên: "khóa tay, đưa vào trong phòng".

Theo bản án sơ thẩm, 4 công an xã gồm: Tuyên, Kiên, Tuyến, Thức khóa tay, dùng dùi cui vụt vào đùi ông Thuận tra khảo. Thấy nạn nhân chửi bới, Kiên dùng dùi cui thúc mạnh khiến ông Thuận ngã ngửa ra sau.

Thức, Tuyến và Kiên liền khóa tay và hai chân ông Thuận vào ghế. Tuyến giữ ghế để Tuyên và Kiên dùng dùi cui tiếp tục vụt vào hai bên đùi và lấy bút bi kẹp ngón tay ông Thuận. Còn Thức đứng bên cạnh cảnh giới.

Bị cấp sơ thẩm xử 17 năm, bị cáo Tuyên cho rằng mức án trên là quá nặng. Phó công an xã thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới dùng dùi cui đánh và hướng dẫn Kiên lấy bút bi kẹp ngón tay ông Thuận. Tuy nhiên, bị cáo chỉ khai nhận dùng dùi cui cao su đánh 5 cái vào đùi ông Thuận.

"Cái chết của ông Thuận ai là người trực tiếp gây ra", chủ tọa hỏi. Bị cáo Tuyên đáp: “Nạn nhân chết do một phần tác động của bị cáo”.

Chủ tọa giải thích, trong quy định tội Giết người, ngoài nguyên nhân trực tiếp còn có lỗi gián tiếp. Cựu phó công an xã tiếp tục khăng khăng cho rằng “hành vi đó chưa đến mức giết người”. Đồng thời bị cáo đề nghị được đổi tội danh sang Cố ý gây thương tích.

Trước câu hỏi ai là người đánh ông Thuận nhiều nhất, Kiên khai "bị cáo và Tuyên đánh như nhau".

So với phiên sơ thẩm, tại tòa sáng nay, bị cáo Tuyến thừa nhận nhìn thấy Kiên thúc dùi cui vào ngực ông Thuận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX và các luật sư đặt nhiều câu hỏi xoáy vào vai trò của trưởng công an xã. Đại diện bị hại là anh Nguyễn Mậu Công (con trai của nạn nhân) trình bày cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm đối với ông Vọng đồng phạm tội Giết người. Mặt khác, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân) cũng đề cập đến việc bản cung xét hỏi đối với ông Thuận là vật chứng quan trong nhưng đã bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án.

Cho rằng quá trình điều tra chưa đủ cơ sở xác định ông Vọng đồng phạm giết người, HĐXX bác bỏ các yêu cầu trên.

Cuối giờ trưa, tòa phúc thẩm nhận định do không xuất hiện tình tiết mới, tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm. Bị cáo Tuyên lĩnh án 17 năm tù; Kiên 16 năm; Tuyến và Thức cùng lĩnh 8 năm tù về tội Giết người.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm