Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vũ khí' giúp các bà mẹ Hàn Quốc giảm cảm giác tội lỗi

Một bên chính phủ khuyến khích sinh đẻ, một bên người dân Hàn Quốc vẫn tin trách nhiệm chăm sóc con cái hoàn toàn thuộc về người mẹ. Gánh nặng này khiến nhiều phụ nữ mệt mỏi.

6 năm trước, Chung Jee-yea tình cờ nghe thấy một đồng nghiệp bật khóc nức nở trong phòng tắm, vì không thể nhờ một người quen nào đến đón đứa con bị ốm của cô đang ở trường học, theo Bloomberg.

Nếu trong hoàn cảnh tương tự, Chung tin mình cũng sẽ có phản ứng tương tự. Chính tình huống của người đồng nghiệp đã vô tình thúc đẩy Chung nghỉ công việc lúc bấy giờ, bắt đầu một dịch vụ giúp đỡ các bậc cha mẹ, cụ thể là cung cấp người trông trẻ cho các phụ huynh bận rộn.

Hiện tại, ứng dụng có tên Momsitter do Chung sáng lập đã có hơn một triệu người dùng. Theo quan điểm của cô, nền văn hóa ở Hàn Quốc vẫn đầy rẫy những định kiến, tiêu chuẩn kép về chuyện các bà mẹ vừa đi làm vừa chăm sóc con.

"Số đông đã mặc định chỉ có mẹ nuôi dạy con cái. Do đó, phụ nữ vẫn luôn dễ thấy mặc cảm, tội lỗi khi không dành đủ thời gian cho đứa trẻ", cô nói.

tu choi sinh con anh 1

Dù chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho những bà mẹ, câu chuyện không muốn đẻ con không chỉ nằm trong phạm vi tiền bạc. Ảnh: Reuters.

Giằng xé

Những áp lực xã hội như vậy chính là yếu tố làm trầm trọng thêm mối đe dọa lâu dài đối với nền kinh tế Hàn Quốc: dân số giảm.

Một phần của vấn đề là sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng ở nước này khiến các gia đình sống xa nhau và mạng lưới hỗ trợ mang tên người thân, họ hàng ít dần đi.

Hàn Quốc xếp hạng cuối cùng về vốn xã hội trong các nước phát triển, có nghĩa là mức độ tin tưởng giữa mọi người là cực kỳ thấp. Theo Viện Legatum có trụ sở tại London (Anh), điều này tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Nhà nghiên cứu Bae Yun-jin thuộc Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc, đánh giá: “Cần rất nhiều sự tin tưởng để giao con bạn cho ai đó, nhưng số lượng người đủ đáp ứng rất có hạn. Khả năng tiếp cận cơ sở hỗ trợ cho các bà mẹ cũng khác nhau đối với từng vùng".

Khi phụ nữ cảm thấy bị giằng xé giữa con cái và sự nghiệp, Hàn Quốc tiếp tục phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Xứ củ sâm hiện là đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​năm 2021, một phụ nữ Hàn Quốc dự kiến ​​chỉ sinh trung bình 0,81 con trong suốt cuộc đời, tức là số trẻ sơ sinh chỉ chiếm 0,5% dân số nước này.

tu choi sinh con anh 2

Chung hy vọng ứng dụng của cô sẽ cung cấp công cụ cho phép phụ nữ thách thức quan điểm rằng họ không thể vừa có con vừa có sự nghiệp. Ảnh: Bloomberg.

Với số trẻ sinh ra ít hơn, trong tương lai, lực lượng lao động chắc chắn bị thu hẹp lại, trong khi người cao tuổi ngày càng tăng, dẫn tới tốc độ tăng trưởng cũng có thể sẽ chậm lại.

Được báo động bởi tốc độ già hóa dân số nhanh hơn dự kiến, chính phủ Hàn Quốc đang tăng cường nỗ lực khuyến khích người dân sinh nhiều lên. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã quyết định tăng mức hỗ trợ cho các bà mẹ mới sinh lên gấp 3 lần, nhưng vấn đề sâu xa hơn là hỗ trợ tài chính.

Các nhà kinh tế cho rằng bất bình đẳng giới là trung tâm của cuộc khủng hoảng sinh sản.

Ngoài cuộc đấu tranh để giữ việc làm, Hàn Quốc có khoảng cách tiền lương lớn nhất giữa nam và nữ trong nhóm các nước phát triển OECD, với thực tế là các bà mẹ ít có khả năng được thuê hơn so với phụ nữ không có con.

Cầu vượt xa cung

Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, chính phủ đã ra mắt dịch vụ trông trẻ vào năm 2007. Vào năm ngoái, ước tính khoảng 27.000 người trông trẻ đã nhận làm việc cho 78.000 gia đình, tập trung vào việc hỗ trợ các bậc cha mẹ có thu nhập thấp.

tu choi sinh con anh 3

Nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ là tình trạng bất bình đẳng giới và áp lực lớn từ xã hội. Ảnh: Bloomberg.

Nhu cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung. Đối với các bậc phụ huynh có thu nhập cao hơn, họ phải xếp vào danh sách chờ. Nắm bắt được tình trạng đó, ứng dụng của Chung chủ yếu hướng tới những gia đình có điều kiện.

Các ứng dụng tương tự như Momsitter cũng đang được chú ý ở Hàn Quốc, bao gồm Tictocrroc và Jaranda, chuyên cung cấp gia sư cho các môn học cụ thể cho trẻ em hoặc bạn chơi với trẻ nhỏ.

Nhưng cũng có những lo ngại xuất hiện liên quan đến tính an toàn và việc kiểm tra người trông trẻ của những dịch vụ kiểu này. Các trường hợp lạm dụng và làm hại trẻ em được báo cáo, dù chỉ là số ít, vẫn dễ làm hoang mang bậc cha mẹ.

Momsitter quản lý ứng viên bằng cách thực hiện bài kiểm tra đầu vào, cung cấp báo cáo sức khỏe, đánh giá của người thuê trước và chứng chỉ mà người giữ trẻ có thể có.

Ngoài ra, các bảo mẫu và phụ huynh có lịch sử “gây rối” bị cấm dùng dịch vụ trong 5 năm.

“Thông tin tạo dựng niềm tin và vai trò của chúng tôi là giúp các bà mẹ đưa ra quyết định sáng suốt. Chúng ta cần làm cho các bà mẹ hạnh phúc bằng cách phá vỡ chu kỳ của những phụ nữ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở bên con mình suốt ngày đêm, bất kể họ có muốn hay không”, Chung bày tỏ.

Những thanh niên Nhật Bản thích đi chơi với bạn hơn người yêu

Khi đặt lên bàn cân so sánh, nhiều thanh niên trong độ tuổi 20 ở Nhật Bản không ngần ngại chọn đi chơi với bạn bè hay dành thời gian cho bản thân, thay vì hẹn hò.

Mạng xã hội dành cho người yêu sách

Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm