Theo cán bộ phụ trách đào tạo của các trường đại học (ĐH), thực tập tốt nghiệp nhằm giúp sinh viên hội nhập môi trường thực tế của doanh nghiệp và thông qua đó hiểu sâu cơ cấu tổ chức, nắm rõ được sự vận hành của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng khả năng hội nhập nhanh thực tế khi đi làm việc chính thức.
Thực tập cũng là dịp để sinh viên vận dụng những kiến thức đã học vào công việc tại doanh nghiệp nhằm thực hành các kiến thức đó. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít sinh viên không nghiêm túc trong quá trình thực tập.
Trách nhiệm lớn thuộc nhà trường
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, nhu cầu gửi sinh viên đi thực tập của các trường hiện nay rất lớn trong khi khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp có hạn. Mỗi năm các trường đều có hàng trăm sinh viên cần thực tập tốt nghiệp. Vì muốn giữ mối quan hệ với các trường nên doanh nghiệp nhận sinh viên nhưng chỉ trong mức giới hạn. Nhiều trường có hàng ngàn sinh viên, nhưng đến kỳ thực tập nhà trường chỉ liên hệ được vài chục công ty để gửi sinh viên đi thực tập. Chính vì vậy, sinh viên phải tự liên hệ chỗ để xin thực tập.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc khối kinh doanh Ngân hàng Nam Á, cho rằng, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong quá trình thực tập tốt nghiệp của sinh viên.
Thứ nhất, nhà trường bỏ mặc phần hỗ trợ sinh viên suốt kỳ thực tập. Khi sinh viên đi thực tập, mọi sự hoàn toàn tùy thuộc vào sự chủ động của sinh viên, không hề có liên lạc của trường, không hề có khái niệm giáo viên hướng dẫn. Thậm chí, nhà trường không định hướng cho sinh viên biết thực tập là tiền đề để sau này xin việc, đi làm. Ai có quen biết thì được giới thiệu chỗ tốt, còn lại sinh viên bị đẩy đưa, thậm chí phải đến những công ty không đúng ngành nghề.
Thứ hai, sinh viên nhận thức chưa đúng về việc thực tập, cứ nghĩ thực tập là để tốt nghiệp nên không chuẩn bị gì thêm ngoài kiến thức ở trường nên nhanh chán và xin ở nhà làm báo cáo. “Khi phỏng vấn tuyển dụng sinh viên ngành ngân hàng mới ra trường, tôi hỏi: “Bạn thực tập ở đâu, làm gì, ai hướng dẫn cho bạn, đề tài của bạn là gì?”, nhiều bạn không trả lời được trong khi sinh viên đều phải trải qua ba tháng thực tập” - bà Thủy cho biết.
Thứ ba, do phía doanh nghiệp không tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ sinh viên thực tập. Nhiều khi các báo cáo của sinh viên sao chép từ năm này qua năm khác. Cuối khóa các nhân viên cũng nhận xét tốt cho sinh viên, ngay cả khi các bạn thực tập không tốt lắm.
Ông Trần Ngọc Phú - Giám đốc dự án một công ty xây dựng ở TP HCM - cho biết, gần chục năm qua, ông trực tiếp hướng dẫn rất nhiều sinh viên ngành xây dựng của các trường ĐH ở TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng... Tuy nhiên, chưa bao giờ ông nhận được sự liên hệ nào của giảng viên hướng dẫn thực tập hay nhà trường.
Ông Phú chia sẻ: “Sinh viên đến liên hệ xin thực tập tốt nghiệp thường chỉ trình giấy giới thiệu do trường cấp. Căn cứ vào đó chúng tôi tiếp nhận sinh viên. Một số trường chủ động liên hệ với công ty, gửi danh sách sinh viên đến thực tập, nhưng suốt quá trình sinh viên thực tập chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ cuộc gọi hay liên hệ nào từ phía các trường để kiểm tra việc thực tập của sinh viên. Vì thế, chất lượng thực tập của sinh viên chủ yếu do ý thức của các bạn”.
Ông Phú còn cho rằng, nếu nhà trường liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thì khó có sinh viên nào dám tiêu cực (không đi thực tập mà chỉ “mua dấu”, mua báo cáo thực tập) trong chuyện thực tập.
Sẽ siết chặt
Nhiều trường cho biết đã triển khai các biện pháp để hạn chế tình trạng sinh viên không trung thực trong quá trình thực tập, báo cáo kết quả thực tập cho trường. TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), cho rằng, nếu nhà trường không siết chặt sẽ tạo cơ hội cho sinh viên không nghiêm túc trong thực tập.
“Nhà trường đã quy định tất cả sinh viên khi đi thực tập ở các đơn vị do nhà trường chỉ định hay tự chọn nơi thực tập đều phải có giảng viên của trường phụ trách, hướng dẫn. Để hạn chế tiêu cực của sinh viên, nhà trường sẽ đề nghị giảng viên phải nắm được công việc của sinh viên thực tập hằng tuần, theo dõi suốt quá trình thực tập của sinh viên chứ không chỉ đánh giá kết quả cuối kỳ” - ông Thông cho hay.
PGS.TS Bùi Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết, đến nay, nhà trường vẫn chưa phát hiện trường hợp sinh viên gian lận trong báo cáo thực tập. Thông qua Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp - việc làm sinh viên của trường, nhà trường không ngừng mở rộng mạng lưới các công ty tiếp nhận sinh viên thực tập.
Trường hợp sinh viên tự liên hệ nơi thực tập, sinh viên phải cung cấp cho khoa và giảng viên thông tin đầy đủ về nơi thực tập (tên, địa chỉ doanh nghiệp, số điện thoại bàn, địa chỉ website, người hướng dẫn thực tập tại doanh nghiệp...). Từ đó, nhà trường sẽ liên hệ tìm hiểu công ty này trước khi cấp giấy giới thiệu cho sinh viên đến thực tập.
“Để tránh tình trạng gian lận, nhà trường yêu cầu trong quá trình thực tập giảng viên và sinh viên gặp nhau ít nhất ba lần; ngoài ra, phải trao đổi thường xuyên với khoa và giảng viên qua email, điện thoại. Đây là quy định của trường, nhưng thời gian tới chúng tôi sẽ siết chặt quy định này. Đồng thời nhà trường sẽ tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên để hạn chế gian lận trong học tập” - ông Lâm cho biết.
Thực tế, các trường ĐH đều đưa ra quy trình thực tập tốt nghiệp, tuy nhiên cả sinh viên và đại diện các doanh nghiệp đều cho biết có ít trường thực hiện đúng quy trình này. Chính điều này đã dẫn đến những tiêu cực của sinh viên trong thực tập tốt nghiệp.